Tối qua (10/11), tập 11 chương trình Ký ức vui vẻ đã lên sóng, với nhiều tiết mục hấp dẫn, xúc động. Tham gia chương trình tuần này có sự xuất hiện của các khách mời như danh ca Hương Lan, NSND Lê Khanh, ca sĩ Ngọc Khuê, diễn viên trẻ Quang Trung.
Chương trình tuần này dành nhiều thời gian để tưởng nhớ cố nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Bắc Sơn. Ông được biết đến là một nhạc sĩ, diễn viên nổi tiếng, tác giả của nhiều ca khúc âm hưởng dân ca, tham gia diễn xuất trong 60 bộ phim.
Các bài hát của ông đều mang âm hưởng dân ca Nam bộ như Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Còn thương góc bếp trái hè, Sa mưa giông… Trong đó, ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè đã trở thành kinh điển, gắn liền với tên tuổi danh ca Hương Lan.
Cố nhạc sĩ Bắc Sơn
Danh ca Hương Lan: "Về Việt Nam, tôi mới được ăn rau đắng, cháo cá, ở Mỹ không có"
Là người gắn bó nhiều nhất với cố nhạc sĩ Bắc Sơn, danh ca Hương Lan xúc động chia sẻ:
"Với tôi, chú Bắc Sơn không phải nhạc sĩ mà như người cha trong gia đình.
Trong những năm từ Mỹ về Việt Nam, tôi có rất nhiều kỉ niệm với chú. Về tới là tôi ở nhà chú từ sáng tới tối để nói về nhạc và tập những bài hát của chú.
Vinh dự lớn nhất của tôi là được chú coi như một người con tinh thần. Trong giới ca sĩ không ai dám đụng chạm bài hát của chú, có chỗ không hát được cũng phải ráng mà hát.
Chỉ riêng tôi khi tập thử một bài hát của chú vì không hát được một đoạn nên đã xin sửa lại và được đồng ý. Đó là bài Đêm nghe bài vọng cổ.
Chú thấy tôi hát lại hay quá mới cho tôi quyền được sửa lại bài của chú sao cho hợp với tôi nhất. Chú sẽ chép lại bài hát theo đúng những gì tôi hát".
MC Thanh Bạch thì nói thêm: "Nhạc sĩ Bắc Sơn là một trong những người chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ miền Nam.
Chú chuyên đi tìm tiếng địa phương, những từ không ai dùng nữa để đưa vào bài hát, phổ biến tới mọi người, làm sống lại nó. Chú ấy yêu tiếng Việt vô cùng và luôn nâng nó lên.
Chú Bắc Sơn cũng là một MC, nhà tổ chức chương trình có tiếng. Hình tượng của chú giúp gợi nhớ tới nhà văn Hemingway, với bộ râu rất hiếm người Việt nào có được".
Danh ca Hương Lan đợi Thanh Bạch nói xong liền tiết lộ: "Tôi có một kỉ niệm với chú Bắc Sơn. Năm 1988, tôi thu ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè, được rất nhiều người yêu thích.
Đến tận bây giờ, không một show nào tôi không hát bài hát đó. Tôi hát được khán giả yêu thích lắm mà cũng chưa biết rau đắng ăn ra làm sao. Mãi sau này về Việt Nam mới được ăn rau đắng, cháo cá, ở bên Mỹ không có.
Ngày chú Bắc Sơn mất, tôi đã đứng hát không vào lúc 3 giờ sáng bài Còn thương rau đắng mọc sau hè trước khi liệm chú. Đó là kỉ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời đi hát của tôi".
NSND Lê Khanh cũng kể lại kỉ niệm của mình với cố nhạc sĩ Bắc Sơn: "Tôi là người miền Bắc nên không rành về âm nhạc miền Nam. Tôi dù đóng phim ở miền Nam nhiều nhưng lại chưa được đóng cùng chú Bắc Sơn.
Tuy nhiên, chú Bắc Sơn lại thường lui tới các đoàn phim miền Bắc để hỏi thăm. Tôi không thể quên lần chú gặp tôi và nói: "Con, vào miền Nam có ăn được không. Đồ trong này ngọt lắm đấy. Con cố gắng giữ sức khỏe nhé".
Chú lúc nào cũng xuất hiện như ông tiên, luôn quan sát, chia sẻ với đồng nghiệp xa xôi đến miền Nam công tác.
Tôi không thể quên được khoảnh khắc chú Bắc Sơn đăng quang giải Diễn viên xuất sắc lại Liên hoan phim lần thứ 9. Chú là một nghệ sĩ lớn nhưng khi nghe xướng tên lại luôn ngỡ ngàng vì không bao giờ chú nghĩ mình có giải".
MC Quyền Linh bật khóc kể về người bố từng dạy mình "sống chết, đổ máu" vì điện ảnh
Trong các khách mời, MC Quyền Linh có nhiều kỉ niệm với cố nhạc sĩ Bắc Sơn hơn cả. Anh bật khóc nhớ lại:
"Tôi gọi là bố Sơn vì coi ông như người bố mình. Tôi là người ăn chung, sống chung, gần gũi với bố Sơn nhiều nhất. Trong những năm đầu đời đến với điện ảnh, tôi đóng phim Những đứa con của thần linh.
Hồi đó, tôi không biết điện ảnh là gì, lên Pleiku lạnh như mùa đông miền Bắc mà phải mặc khố, nên sốt rét, ốm luôn và khóc, định bỏ về. Bố Sơn ôm tôi vào lòng, ôm chặt lắm và nói:
"Điện ảnh gian nan lắm, sốt rét là chuyện thường. Bố từng sống chết, thậm chí đổ máu vì nó. Nhiều người phải hi sinh bản thân để có được một vai diễn để đời. Nếu con xác định đi theo điện ảnh thì cái chết không là gì. Cố lên con". Bố đã dạy tôi cách sống chết, đổ máu vì điện ảnh như vậy.
Lúc đó, tôi không chịu nổi vì rét quá. Bố Sơn thấy thế ôm tôi và lấy dầu gió thoa khắp người tôi cho nóng, đến mức tôi nhột. Sau đó, bố lấy bánh cho tôi ăn để ấm người rồi quay tiếp.
Đến lúc quay cảnh ôm hoa hậu Hương Giang chết ở suối, tôi lạnh quá nên mông cứ giật, không yên được, đạo diễn cứ nhắc mãi. Bố Sơn thấy thế mới tới dặn tôi đập mạnh mông vào đá để đau mà yên luôn.
Quyền Linh trong phim Những đứa con của thần linh
Tôi đi theo bố Sơn nhiều lắm. Mỗi lần đoàn làm phim đi tới đâu, bố đều đi sâu vào làng, tới từng gia đình để chăm sóc trẻ nhỏ. Bố dạy tôi: "Làm điện ảnh là phải đi để mọi người thương. Phải có người thương thì diễn viên mới sống được".
Theo năm tháng, bố cũng dạy tôi hát. Nhưng đến khi tôi hát bài Còn thương rau đắng mọc sau hè thì bố nói: "Thôi con đừng hát nữa, cứ đi đóng phim đi".