Theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ vắc-xin phòng COVID-19, tới chiều 24/8, quỹ đã nhận được hơn 8.635 tỷ đồng ủng hộ từ trên 526.000 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Cùng ngày, quỹ đã trích chi đợt 4 với 85 tỷ đồng để mua vắc-xin phòng COVID-19, lũy kế tới nay quỹ đã chi tổng cộng 282 tỷ đồng. Số dư quỹ hiện trên 8.353 tỷ đồng.
Số dư tạm thời nhàn rỗi của quỹ tiếp tục được gửi tại các ngân hàng thương mại để vừa bảo toàn vừa sinh lời cho quỹ.
Cũng theo Ban Quản lý Quỹ vắc-xin phòng COVID-19, tới nay vẫn còn 13 tổ chức đã cam kết ủng hộ quỹ nhưng tới nay đã 3 tháng chưa chuyển tiền, hoặc mới chuyển một phần, số tiền còn lại chưa chuyển theo cam kết gần 36 tỷ đồng.
Nhiều tồn tại, hạn chế trong tiêm vắc xin phòng COVID-19
Thanh tra Bộ Y tế cho biết, qua kiểm tra trực tiếp và tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy trong thời gian qua, nhất là từ khi cả nước tập trung triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021 – 2022, việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch nói chung, nhất là việc thực hiện các quy định về tiêm vắc xin COVID-19 tại một số nơi còn chưa thật tốt.
Chánh thanh tra Bộ Y tế vừa có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế về tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Đặc biệt, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, gần đây đã có đối tượng lợi dụng tình hình khan hiếm vắc xin phòng COVID-19 và sự hiểu biết chưa đầy đủ của một số người dân về các quy định của Nhà nước về tiêm vắc xin COVID-19 để thực hiện hành vi vi phạm hình thành đường dây tiêm vắc xin dịch vụ thu lợi bất chính (nhờ mối quan hệ cá nhân, đối tượng sắp xếp, cung cấp các suất tiêm vắc xin COVID-19 thu tiền của người tiêm).
Bộ Y tế nhận định điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch, nhất là việc thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế.
Cùng với đó còn những mặt hạn chế như chưa thực hiện tốt nguyên tắc 5K trong quá trình tiêm; tổ chức buổi tiêm chưa hoàn toàn tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; việc xử lý vỏ lọ vắc xin tại nhiều nơi còn lúng túng; một số nơi chưa cập nhật đầy đủ các văn bản liên quan đến tiêm vắc xin COVID-19,...
Bên cạnh đó, tình hình vi phạm các quy định liên quan đến việc đưa những thông tin sai lệch về công tác phòng chống dịch, công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 còn xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng như Công an, Thanh tra Thông tin truyền thông, Thanh tra Y tế,... xử lý hoặc phối hợp xử lý.
Nhằm tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch nói chung, đặc biệt là việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022 của Bộ Y tế, Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch, nhất là các quy định liên quan đến tiêm vắc xin phòng COVID-19 mới được Bộ Y tế ban hành.
Đồng thời, thực hiện nghiêm việc xác định đối tượng ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thanh tra Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra (nên tập trung chủ yếu vào kiểm tra) các hoạt động phòng, chống dịch, nhất là việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn và trong từng đơn vị.
Các Sở Y tế tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, giá bán các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như hóa chất, chế phẩm sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm COVID-19; giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo các quy định hiện hành.
Cơ quan Thanh tra Bộ lưu ý trong quá trình thanh tra, kiểm tra cần kết hợp công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.