Quy trình lấy phiếu tín nhiệm Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra sao?

Văn Kiên |

Khai mạc vào hôm nay (ngày 25/12), Hội nghị T.Ư 9 sẽ thực hiện công việc quan trọng là lấy phiếu tín nhiệm đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư.

Nghiêm cấm vận động, lôi kéo

Theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng được thực hiện theo Quy định số 262. Trong đó phải bảo đảm nguyên tắc dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch; nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh việc vận động, lôi kéo hoặc có những hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp). Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp ủy tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn.

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra sao? - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội nghị T.Ư 8

Nội dung lấy phiếu tín nhiệm gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Lập trường, quan điểm, tư tưởng chính trị trong thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng; việc chấp hành nguyên tắc, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó là tinh thần trách nhiệm trong công việc; thái độ phục vụ nhân dân; chấp hành sự phân công của tổ chức; Tính trung thực, động cơ trong sáng, công bằng, công tâm, khách quan, giữ vững nguyên tắc trong công việc; khả năng quy tụ đoàn kết nội bộ và tự phê bình, phê bình. Việc chống tham nhũng, trục lợi cá nhân; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con về đạo đức, lối sống và chấp hành chính sách, pháp luật…

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm

Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị phiếu tín nhiệm. Phiếu tín nhiệm có danh sách Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; tiêu chí lấy tín nhiệm và có đóng dấu treo của Ban Chấp hành Trung ương; đề xuất thành phần nhân sự Ban Kiểm phiếu.

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra sao? - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị T.Ư 8

Bộ Chính trị chủ trì việc lấy phiếu tín nhiệm; Ban Kiểm phiếu phát phiếu; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ghi phiếu, bỏ phiếu.

Ban Kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu và báo cáo kết quả với Ban Chấp hành Trung ương.

Kết quả phiếu tín nhiệm được công khai đối với tập thể và cá nhân sau: Thành phần tham gia ghi phiếu tín nhiệm của hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Tập thể lãnh đạo cấp trên trực tiếp (cấp có thẩm quyền quản lý, quyết định đối với cán bộ). Cá nhân cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm.

Căn cứ vào tình hình cụ thể, cấp có thẩm quyền quyết định công khai tín nhiệm đối với cán bộ ở phạm vi, đối tượng khác.

Sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm

Theo Quy định 262, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Những người có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp.

Những người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại