Tại làng giải trí Hàn Quốc, người hâm mộ luôn tồn tại hai thái độ hoàn toàn khác biệt nhau mỗi khi chuyện hẹn hò của thần tượng và diễn viên được công bố. Phản ứng của người hâm mộ khi diễn viên hẹn hò thường sẽ là chúc phúc và ủng hộ. Ngược lại, khi một idol lộ chuyện hẹn hò, thái độ của người hâm mộ phần lớn là phản đối, quay lưng.
Dưới đây là những điểm khác biệt giữa idol và diễn viên, để từ đó phản ứng của người hâm mộ với chuyện hẹn hò của họ cũng khác nhau.
Hình tượng
Trên thực tế, các nhóm nhạc thần tượng đều có sự "phân vai" hình tượng rõ ràng. Công ty quản lý thường cố tạo ra một nhóm nhạc có đủ các kiểu tính cách, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của fan. Trong một nhóm, sẽ tồn tại những tính cách khác nhau như thân thiện, ấm áp, đáng yêu, lạnh lùng, kiêu kỳ... với hy vọng người hâm mộ nào cũng tìm được anh chàng, cô nàng đúng "gu". Đôi khi những hình tượng này lại không phải là tính cách thật của idol.
Sống đúng tính cách, làm điều mình thích, thẳng thắn nói lên quan điểm của mình như diễn viên Yoo Ah In là điều khó idol nào được phép làm.
Với diễn viên, họ không cần phải đóng vai một ai đó không phải là mình trong cuộc sống thường ngày. Họ đã hóa thân vào các vai diễn trên màn ảnh rồi nên họ được sống đúng với cá tính của mình ở ngoài đời.
Tính chất công việc
Ngành công nghiệp K-pop vốn đã tồn tại một thực tế, đó là việc các công ty quản lý luôn xây dựng hình tượng idol đều ở trạng thái độc thân. Các công ty tạo nên những ảo tưởng trong lòng fan về việc có thể hẹn hò với idol, bằng cách bắt buộc các thần tượng thực hiện "fan service". Fan service này rất đa dạng, từ việc xây dựng hình ảnh độc thân ngây thơ, cho đến nói những lời ngọt ngào "thả thính" fan trên mạng xã hội, chiều fan hết nấc tại fansign, thân thiện với fan tại các sự kiện…
Anh chàng, cô nàng độc thân và chiều fan hết nấc là hình ảnh thường thấy của idol K-pop.
Những hành động "fan service" đánh vào tâm lý của fan, làm họ chi đậm tiền vào các sản phẩm của idol nhằm mong kéo dài sự ảo tưởng ngọt ngào ấy. Một khi các thần tượng bắt đầu hẹn hò, những ảo tưởng này tan vỡ, người hâm mộ cảm thấy bị phản bội và ngừng ủng hộ idol.
Càng ủng hộ nhiều và yêu thương sâu đậm trước đó bao nhiêu thì người hâm mộ càng dễ dàng cảm thấy bị tổn thương và chọn quay lưng lại với thần tượng bấy nhiêu.
Diễn viên thì không cần phải làm fan service, tất cả những gì họ cần làm là thể hiện năng lực diễn xuất.
Với diễn viên, vì tính chất công việc mà họ có thể sẽ phải thân mật với bạn diễn khác giới trên màn ảnh – điều không thể thấy được trong giới thần tượng. Và khi công chúng đánh giá một diễn viên, họ sẽ đánh giá về năng lực diễn xuất của diễn viên, chứ không phải những "fan service" ngoài lề.
Trải nghiệm một bộ phim cũng sẽ khác với trải nghiệm của việc theo đuổi idol. Nếu như bạn xem phim, bạn đang xem nhân vật của diễn viên ấy, bạn phân biệt được đâu là nhân vật, đâu là diễn viên. Khi theo đuổi idol, bạn cũng đang xem một "diễn viên" khác, chỉ có điều bạn không phân biệt được đâu là con người thật, đâu chỉ là hình tượng do công ty dựng lên.
Khoảng cách với người hâm mộ
Khoảng cách gần gũi hơn cũng là lý do khiến người hâm mộ có nhiều ảo tưởng với idol hơn là diễn viên. Bên cạnh chuyên môn biểu diễn, thần tượng K-pop còn phải tương tác với người hâm mộ trên mạng xã hội, tại các sự kiện, fanmeeting, fansign, lễ trao giải… Với giới diễn viên, thật khó để gặp họ ở ngoài đời, vì họ thường không tổ chức những sự kiện giao lưu gần gũi với người hâm mộ.
Diễn viên thường không tổ chức những sự kiện giao lưu gần gũi với người hâm mộ như thế này. Khoảng cách càng gần thì càng dễ nảy sinh nhiều ảo tưởng.
Fandom
Ngày nay, fandom là nhân tố quyết định một nhóm nhạc thần tượng có được coi là thành công hay không. Fandom mang lại cho nhóm nhạc thành tích, lợi nhuận, và là tiếng nói quyền lực có thể quyết định đến tương lai của nhóm nhạc đó.
Ý thức được sự quan trọng của fandom, các công ty quản lý đều cố gắng gò ép idol phải chiều fan hết mức có thể. Ngoài ra, fan K-pop thường ở nhóm trẻ tuổi, những người nhỏ hơn hoặc ở độ tuổi tương tự thần tượng nên họ thường rất quan tâm đến đời tư của idol.
Lee Min Ho có thể hai lần công khai hẹn hò mà không mất fan, nhưng với một idol như Chen thì một lần là cũng quá đủ làm chao đảo sự nghiệp.
Fan của các diễn viên lại thường không cố định ở một nhóm tuổi. Thông qua một tác phẩm điện ảnh, diễn viên có thể nhận được sự yêu mến từ mọi tầng lớp trong xã hội, từ thanh thiếu niên cho đến người lớn tuổi hơn. Phim ảnh là thứ hướng đến công chúng cao hơn âm nhạc của idol. Chính vì vậy, fandom không phải nhân tố quyết định thành công của một diễn viên, mà công chúng mới là người làm điều đó.
Tạm kết
Thần tượng là một nghề nghiệp vất vả khi không những phải đảm bảo chuyên môn biểu diễn, mà còn phải hy sinh cả đời sống cá nhân của mình. Những hành động của người hâm mộ như quay lưng, khủng bố khi thần tượng hẹn hò hoàn toàn là điều đáng bị lên án. Idol cũng là con người, cũng cần được sống với đúng bản thân mình.
Nhưng cách thức vận hành của ngành công nghiệp thần tượng đã tồn tại quá lâu và điều đó không thể thay đổi được trong một sớm một chiều.
Nguồn: Koreaboo