Quy tắc an toàn cơ bản khi điều khiển xe hơi qua địa hình hiểm trở
Tài xế hãy tuân thủ quy định của địa phương sở tại và đừng phá hỏng môi trường tự nhiên, nhường tránh mọi động vật hoang dã. Đồng thời, không cố tình lái xe vào khu vực cấm. Người lái nên xác định chính xác khả năng lái và giới hạn của phương tiện đang sử dụng. Trước khi bắt đầu chuyến hành trình, các bác tài nên xem xét về các giải pháp đề phòng nhằm khi rủi ro ập tới.
Xuyên suốt chuyến đi, tài xế và các hành khách cần thường xuyên chia sẻ thông tin với người thân tin cậy để họ có thể nắm được vị trí của cả đoàn nếu xảy ra sự cố. Ngoài ra, chúng ta cần chắc chắn có đủ nhiên liệu cho hành trình của mình. Khi có thể, tài xế nên tiếp nhiên liệu cho phương tiện.
Đáng chú ý, cả đoàn nên mang theo điện thoại di động hay thiết bị liên lạc với pin được sạc đầy. Đồng thời, chúng ta nên mang theo khoảng vài bộ sạc dự phòng cho các thiết bị điện tử, một bộ sạc ắc quy cho xe hơi (jump stater). Đến điểm đích an toàn là điều quan trọng nhất. Do đó, khi đã xác định dành thời gian cho những cung đường địa hình, tài xế nên luôn luôn thận trọng, đảm bảo tốc độ phù hợp.
Kỹ thuật lái xe đường địa hình
Khi gặp địa hình hiểm trở, tài xế lái xe càng chậm càng tốt. Chỉ tăng tốc độ khi thật sự cần thiết như trong trường hợp leo dốc cao, vượt qua đoạn đường bùn lầy.
Để có cảm giác lái tốt nhất, người điều khiển phương tiện nên nắm vững kỹ thuật cầm vô lăng. Đáng chú ý, chúng ta không nên móc ngón tay hay thọc cổ tay vào vô lăng vì khi đi qua đường gập ghềnh, việc xe bị xóc có thể khiến bộ phận này bị gập, gây chấn thương. Đồng thời, luôn giữ cả hai tay trên vô lăng, kể cả khi lùi.
Nhằm đảm bảo một chuyến đi địa hình êm ái nhất có thể, người điều khiển phương tiện nên giữ chân ga, chân phanh nhẹ nhàng, ổn định. Ngoài ra, tài xế cần tránh đổi số liên tục. Thông thường, đi qua đường đất trơn trượt, đường đèo dốc, tài xế nên để số thấp để có tốc độ vừa phải và khả năng xử lý tốt nhất.
Nếu nghi ngờ về chướng ngại vật hay tình trạng của đoạn đường phía trước, tuyệt đối không được vội vàng lái xe tiến tới. Thậm chí, tài xế cần rời khỏi xe, đi bộ vào khu vực này để kiểm tra cẩn thận.
Khi ra khỏi đường địa hình, cần làm gì?
Sau khi đã thoát khỏi khu vực sình lầy, cả đoàn nên dừng lại và kiểm tra bất kỳ yếu tố thiệt hại nào. Luôn theo dõi khả năng vận hành của phanh, trục lái.
Cùng với đó, cần phải xem xét về áp suất lốp, đèn và biển số xe. Nếu cần thiết, hãy cân chỉnh áp suất lốp theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất và lắp đặt những bộ phận trên về vị trí ban đầu. Ngoài ra, chúng ta cần dọn sạch cỏ, bùn, các vật bám dưới gầm máy hay bất kỳ vị trí nào khác trên xe.