Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1166/QĐ-TTg ngày 10/10/2023 bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
8 dự án được bổ sung vào Điều 1 Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022 các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải gồm:
Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang
Dự án có tổng chiều dài 104,5 km, trong đó 77 km thuộc tỉnh Tuyên Quang và 27,5 km thuộc tỉnh Hà Giang; điểm đầu tại nút giao cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với Quốc lộ 2D, thuộc xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang); điểm cuối tại xã Tân Quang (Bắc Quang).
Trên địa phận tỉnh Hà Giang, điểm đầu nối tiếp tại cuối cầu Vĩnh Tuy thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang); điểm cuối tại Km27+480, địa phận xã Tân Quang (Bắc Quang).
Dự án đường bộ cao tốc Hòa Liên - Túy Loan
Cao tốc Hòa Liên - Túy Loan dự kiến dài 11,5km với tổng mức đầu tư dự kiến là gần 2.113 tỷ đồng. Giai đoạn phân kỳ, đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 22m, bề rộng mặt đường 14m. Khổ cầu phù hợp khổ nền đường.
Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m.
Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú
Dự án dự kiến có chiều dài khoảng 60,24km, đi qua địa bàn các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú tỉnh Đồng Nai.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú được đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h, có làn dừng khẩn cấp.
Tại các vị trí nút giao liên thông, nền đường đào sâu, điểm dừng xe khẩn cấp thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với chiều rộng nền đường 24,75m.
Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến có chiều dài 67km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng (trong đó qua địa bàn Đồng Nai dài 11km). Điểm đầu nối với cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, điểm cuối tại Km 216, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, với tổng mức đầu tư của dự án là 17.200 tỷ đồng.
Giai đoạn 1, cao tốc này có nền đường rộng 17m, với 4 làn xe, bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp không liên tục, với khoảng cách 4 - 5km/vị trí. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2026.
Giai đoạn 2 sẽ đầu tư hoàn thiện cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc rộng 22m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục, dự kiến thực hiện sau năm 2035.
Bản đồ hướng tuyến - Đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương. Nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương
Dự án dự kiến có chiều dài 73,4km, điểm đầu giao với cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và điểm cuối giao với cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; đi qua địa bàn TP. Bảo Lộc và các huyện: Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng.
Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 100km/giờ. Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh 4 làn xe với bề rộng nền đường 24,75m; phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với bề rộng nền đường 17m, tốc độ khai thác 80km/giờ, khoảng 4 - 5km bố trí vị trí dừng khẩn cấp trên cùng chiều xe chạy.
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 19.521 tỉ đồng (vốn Nhà nước khoảng 7.761 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh khoảng 4.000 tỉ đồng).
Dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Chơn Thành
Dự án cao tốc TP.HCM – Chơn Thành nối TP.HCM với Bình Phước đi các tỉnh Tây Nguyên và ngược lại, có tổng chiều dài khoảng 70 km, gồm hai hợp phần là TP.HCM – Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Thủ Dầu Một – Chơn Thành.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 dự án gồm hai đoạn: Đoạn từ đường Vành đai 3 TP.HCM đến cầu Khánh Vân dài khoảng 7,7 km hiện giữ nguyên hiện trạng do đã được đầu tư thuộc dự án đường tỉnh 743 và đường tỉnh 747B, tổng chiều rộng mặt nền từ 36 – 38 m.
Đoạn còn lại từ cầu Khánh Vân đến Chơn Thành (trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương dài 45,6 km và đoạn qua tỉnh Bình Phước dài 7,1 km) được đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp toàn tuyến. Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện với quy mô hoàn thiện có lộ giới 60 m. Và một đoạn đường gom dọc tuyến dài khoảng 9 km…
Dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài khoảng 27,43 km, điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Trong đó, dự án thành phần 1 dài khoảng 16 km thuộc tỉnh Đồng Tháp, còn dự án thành phần 2 dài khoảng 11,43 km thuộc tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang.
Giai đoạn 1, tuyến cao tốc này được đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.886 tỷ đồng từ vốn ngân sách trung ương, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2027.
Dự án đường bộ cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh
Dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài khoảng 26,56km; điểm đầu kết nối với tuyến N2 tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh), thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Tuyến cao tốc này có vận tốc thiết kế 100km/h, mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe với nền đường rộng 32,25m; giai đoạn 1 được đầu tư 4 làn xe hạn chế với nền đường rộng 17m, vận tốc khai thác 80km/h.