Quỷ La Sát đáng sợ trong thần thoại Ấn Độ thực chất là giống người cổ đã bị tuyệt chủng cách đây 4 vạn năm

ANH VIỆT |

Loài quỷ La Sát trong thần thoại Ấn Độ thực chất chính là một giống người cổ đã bị tuyệt chủng, từng sống chung và hôn phối với loài người hiện đại chúng ta.

Trong thần thoại Ấn Độ và một số nước Châu Á, Rakshasa hay quỷ La Sát, là một loại sinh vật huyền bí mang hình dáng giống loài người nhưng rất xấu xí, dữ tợn và đặc biệt khát máu.

Chúng to lớn như những ngọn đồi, da đen như nhọ nồi, hai răng nanh thò ra, những móng tay sắc nhọn giống như vuốt chim và gầm gừ như thú vật. Chúng cũng được mô tả với vẻ đói khát triền miên, thường xuyên đánh hơi thấy mùi thịt sống và ưa thích việc ăn thịt uống máu người.

Trong các tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ, quỷ La Sát được thể hiện với đôi mắt đỏ rực, tóc vàng cháy và thân thể rậm lông. Còn trong các tác phẩm văn học, Quỷ La Sát được mô tả có thể bay lượn, đột ngột biến mất, thu nhỏ hóa to và nhiều năng lực mạnh mẽ khác,

Tuy nhiên, nghiên cứu về di truyền học của các nhà khoa học Mỹ, Ấn Độ và Singapore được đăng tải mới đây trên tạp chí khoa học nổi tiếng Nature đã vén màn chân tướng của "quỷ Rakshasas" đáng sợ: Đây thực chất là chủng người cổ Denisovan, từng sống chung và hôn phối với loài người hiện đại chúng ta.

Đây là kết quả thu được sau khi một nhóm khoa học gia từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Viện Y sinh học Di truyền Quốc gia (NIBG, Ấn Độ) và Đại học California (Mỹ) lần tìm theo bộ gene của người hiện đại và các bằng chứng khảo cổ học, qua đó hiểu rõ hơn về cộng đồng dân cư cổ đại ở khu vực Nam Á hàng chục ngàn năm về trước.

Denisovans là giống người cổ từng sống bên cạnh người hiện đại (giống người Homo Sapien). Ở châu Á, có khá nhiều cụm người Denisovans sinh sống, trong đó nổi tiếng nhất là người Denisovans ở Nam Á và một nhóm Denisovans khác ở khu vực miền Nam nước Nga và Tây Tạng.

Các nhà khoa học cho rằng người Denisovans tuyệt chủng vào khoảng 30 tới 40 nghìn năm về trước. Một số nhóm người Denisovan được xếp vào chủng người phi Á (không mang nguồn gốc Châu Á) và đã từng sinh sống tại Ấn Độ.

Những nhóm người Denisovan có một vài đặc điểm giống chủng người Châu Âu, khiến họ mang những nét đặc trưng như tóc vàng, râu ria xồm xoàm, thân thể cao lớn, sức mạnh cơ bắp nổi trội.

Quỷ La Sát đáng sợ trong thần thoại Ấn Độ thực chất là giống người cổ đã bị tuyệt chủng cách đây 4 vạn năm - Ảnh 1.

Ảnh phục dựng 3D giống người Denisovans

Bên cạnh đó, số lượng người Denisovan tại Nam Á không chiếm số lượng lớn. Do đó, họ phải hôn phối với một số chủng người bản địa để duy trì nòi giống. Tuy nhiên, quá trình hôn phối giữa các chủng người khác nhau lại tạo ra những cá thể lai gặp vấn đề về thể chất. Chuyện hôn phối khác loài cũng được cho là nguyên nhân khiến người Denisovan diệt vong.

Nhiều bằng chứng, hình vẽ hang động tại Ấn Độ từng mô tả những hành động kỳ quặc của người Denisovan giống như những bệnh nhân mắc chứng co giật, động kinh hay rối loạn chức năng não.

Có thể, một số người Denisovan đã từng thực hiện nhiều hành động ghê rợn phi nhân tính, một phần nguyên nhân là bởi các hội chứng thần kinh mà họ bị mắc phải trong quá trình hôn phối khác loài.

Quỷ La Sát đáng sợ trong thần thoại Ấn Độ thực chất là giống người cổ đã bị tuyệt chủng cách đây 4 vạn năm - Ảnh 3.

Tranh vẽ mô tả một phụ nữ thuộc chủng người cổ Denisovan, dựa trên mẫu ADN tìm kiếm được

Chính sự khác biệt về ngoại hình lẫn lối sống so với người Nam Á bản xứ đã khiến người Denisovan bị coi như những hung thần. Qua các hình vẽ, trí tưởng tượng đã thêu dệt thêm vào các câu chuyện truyền miệng, khiến một chủng người cổ biến thành một loài quỷ hung dữ trong thần thoại.

Một điểm khá thú vị là dòng máu người Denisovan vẫn tồn tại bên trong nhiều giống người Châu Á ngày nay. Một nghiên cứu của Đại học New York (Mỹ) công bố giữa năm nay cho thấy có tới 40% người Châu Á sở hữu răng hàm dưới thừa một chân kỳ lạ, dấu vết của các vị tổ tiên Denisovan.

Tham khảo Ancient-Origins

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại