Bắc Cầu trước đây là làng cổ thuộc phủ Từ Sơn (Bắc Ninh), sau đó sáp nhập địa giới về huyện Gia Lâm, nay thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Hiện nay, Bắc Cầu là khu dân cư đông đúc, nhà cửa san sát trải dài suốt trục đường chính hơn 3 km nối liền đê Ngọc Thụy.
Bắc Cầu hiện là khu vực dân cư đông đúc với hơn 2.300 hộ dân sinh sống.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu dân cư Bắc Cầu thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn khi có lũ. Do đó, Quyết định 257/2016, Quyết định 429/2023 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình xác định Bắc Cầu là một trong 10 khu dân cư phải di dời.
Trước thông tin này, nhiều thế hệ được xem “lão làng” ở làng Bắc Cầu đều cho rằng chủ trương này chưa phù hợp.
Sinh ra và lớn lên trên dải Bắc Cầu, ông Nguyễn Văn Phúc, Bí thư kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố 36 phường Ngọc Thụy cho biết: “Tôi không nhớ mảnh đất này có từ bao giờ, nhưng tổ tiên của chúng tôi đã sinh sống và làm việc ở làng Bắc Cầu từ xa xưa, để lại rất nhiều di tích, đình, chùa, đền đã được thành phố xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Và cho đến bây giờ là thế hệ tôi và các con cháu vẫn sống và làm việc trên mảnh đất này”.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Bí thư kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố 36 phường Ngọc Thụy
Theo ông Phúc, ông đã từng chứng kiến trận lũ lịch sử năm 1971. Lúc đó nước sông Hồng và sông Đuống dâng cao, nhưng người dân vẫn an toàn. Cũng từ sau trận lũ đó đến bây giờ, người dân ở đây không còn chứng kiến cảnh lũ lên và mực nước sông hiện nay còn thấp hơn mặt đường của làng Bắc Cầu.
“Từ sau trận đó đến nay không còn trận lụt nào to nữa. Và cũng từ lâu nước sông Hồng và sông Đuống chẳng lên nữa khi nhà nước đã cho xây dựng Nhà máy Thủy điện sông Đà. Dòng sông coi như được ngự trị, 2 bên bờ sông cũng đã được xây dựng kè, làng Bắc Cầu cũng không còn xảy ra lũ lụt nặng nề. Thời điểm tháng 6, 7 và 8 là những tháng đỉnh lũ, nhưng mà nước sông thấp, nước phải cao hơn 10m thì mới lên đến mặt đường. Bởi từ xa xưa, theo quy luật, khi mực nước dâng đến đâu, dân lại nâng làng lên đến đấy. Cái làng này giờ đây còn cao hơn cả đê thành phố”, ông Phúc nói.
Dân Bắc Cầu nhiều năm qua tập trung làm ăn, phát triển kinh tế không còn nghĩ đến mối nguy hiểm từ sông nước. Những năm qua, nhà cao tầng tại làng Bắc Cầu mọc lên nhiều, đường đi quanh làng được bê tông hóa nên rất thuận tiện cho người dân đi lại, lao động sản xuất và sinh hoạt thuận lợi.
Do đó, theo ông Nguyễn Văn Phúc, nếu di dời làng Bắc Cầu đến một nơi ở khác thì từ già đến trẻ không ai đồng ý.
“Hiện dự án chưa lấy ý kiến chính thống từ quận ủy, đảng ủy phường, ủy ban phường đến tổ dân phố và cử tri về vấn đề này. Tuy nhiên trong tâm trí người dân ở đây, từ người già đến trung niên và trẻ nhỏ mà bảo di dời đến một nơi khác thì không ai đồng ý, họ xem đó là điều phi lý, quan liêu, thiếu nghiên cứu, thiếu thực tế, không nắm rõ quy luật thiên nhiên”, ông Phúc nhấn mạnh.
Là người gắn bó với mảnh đất Bắc Cầu từ thời “cha sinh mẹ đẻ”, ông Hoàng Duy Hiển (70 tuổi) cho biết, diện tích của Bắc Cầu trên 3000km2, gần 3000 hộ khẩu và gần 10.000 nhân khẩu. Suốt thời gian gắn bó với mảnh đất này, người dân luôn trong trạng thái âu lo thấp thỏm do nằm trong vùng quy hoạch từ quyết định 257/2016 đến giờ. Chừng ấy thời gian, người dân ở đây không được xây dựng nhà mới mà chỉ được cải tạo.
Ông Hoàng Duy Hiển: "Người dân Bắc Cầu tâm trạng lo âu, không thể chuyên tâm sản xuất, làm ăn do liên tiếp nằm trong diện di dời".
“Suốt thời gian qua, hàng nghìn hộ dân chúng tôi luôn sống trong tâm trạng lo âu, không thể chuyên tâm sản xuất, làm ăn do liên tiếp nằm trong diện di dời bởi trong quy hoạch đồ án phân khu đô thị sông Hồng và gần nhất là nằm trong vùng thoát lũ. Do quy hoạch treo nên người dân rất khổ cực, nhà chẳng được xây dựng mà chỉ được cải tạo mặc dù có sổ đỏ. Như vậy là không công bằng với người dân chúng tôi. Chúng tôi rất mong Thủ tướng sẽ xem xét về trường hợp tại Bắc Cầu, do đây là đất thổ cư và người dân đã sinh sống, trải qua nhiều thế hệ”, ông Hiển cho biết.
Ông Phạm Duy Mỵ, người dân thuộc Tổ dân phố 34, phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy cũng không đồng tình di dời. Ông nói: “Làng Bắc Cầu có hơn 30 dòng họ lớn nhỏ, gắn bó với nhau tình làng nghĩa xóm. Nếu bây giờ lấy lí do lòng sông co hẹp thì chúng tôi đi đâu và di dời dân chúng tôi thì đất ở đây để làm gì?”.
Ông Phạm Duy Mỵ.
Một lãnh đạo phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên cho biết, hiện còn chưa công bố quy hoạch chính thức chưa có gì để thông báo cho dân. Công bố di dời thì phải có văn bản cụ thể. “Hiện quy hoạch còn chưa rõ như thế nào, mới dừng ở quyết định trên giấy. Còn thực tế phải vẽ quy hoạch cụ thể, đặc biệt trong quyết định mới còn có khu vực được chỉnh trang, yếu tố làng cổ, di tích… thì phải chờ quy hoạch rõ chỗ nào phải di dời, được tồn tại, chỉnh trang lúc đó mới họp dân tuyên truyền. Còn văn bản quyết định mới chúng tôi gửi để tuyên truyền thông tin người dân biết.
Phố Bắc Cầu với những ngôi nhà cao tầng.
Mới đây, thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, cử tri Bắc Cầu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép khu vực này được tồn tại, bảo vệ như khu phố cổ, làng cổ; các hộ dân không phải di dời và được phép cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới công trình nhà ở. Tuy nhiên, Bộ cho rằng kiến nghị này là chưa phù hợp nhưng cho biết ghi nhận ý kiến của cử tri để̉ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tại Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định Số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống Sông Hồng, Sông Thái Bình, khu vực dân cư Bắc Cầu nằm sát bờ ngã ba sông Hồng và sông Đuống, thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn khi có lũ nên cần phải di dời.
Theo phụ lục 2 của Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ số hộ thuộc diện di dời của khu dân cư Bắc Cầu là 757 hộ, tuy nhiên thực tế nơi đây hiện đã có hơn 2.300 hộ dân. Ngoài khu dân cư Bắc Cầu, hơn 1.000 hộ dân thuộc khu dân cư Bồ Đề, Thượng Thanh (quận Long Biên), Bát Tràng, Yên Viên (huyện Gia Lâm), Võng La - Hải Bối (huyện Đông Anh)... cũng nằm trong danh sách di dời để đảm bảo an toàn thoát lũ.