Quy định rõ việc xử lý cán bộ vi phạm, cả khi thôi việc, nghỉ hưu

Lê Sơn |

Đây là báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại phiên họp Chính phủ tháng 11 về một số nội dung cơ bản triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra một số nhóm giải pháp về công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình đối với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân theo đúng Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, gắn với kiểm điểm, đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm; cấp trên gợi ý nội dung cần kiểm điểm đối với cấp dưới; đề cao tính gương mẫu, tự giác kiểm điểm của cấp trên, người đứng đầu.

Các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Bộ TT&TT chủ trì phối hợp với Bộ VHTT&DL cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, internet, mạng xã hội.

Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất, chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt.

Về nhóm giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc cho phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII.

Cụ thể là rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xoá bỏ cơ chế xin-cho, duyệt-cấp, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế…

Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ.

Đó là, tổng kết và đánh giá, sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu.

Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ giữa các khâu và liên thông giữa các cấp, đẩy mạnh quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ sau quy hoạch; triển khai thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch; xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, có phẩm chất và uy tín, đủ năng lực, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng quy định về thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức Nhà nước.

Về nghiên cứu, xây dựng tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiên quyết thực hiện có mục tiêu, hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW.

Đẩy mạnh xã hội hoá, tách cung ứng dịch vụ công và quản lý sản xuất kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý Nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính Nhà nước với việc tập trung rà soát, loại bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cản trở việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức và các thủ tục hành chính có liên quan đến thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân; nghiên cứu khung pháp lý về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, để thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đưa ra các giải pháp về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính. Đó là, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, liên hoan, gặp mặt khi hội họp, được đề bạt, bổ nhiệm, thuyên chuyển công tác và việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ Tết… một cách xa hoa, lãng phí, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, gây phản cảm trong xã hội.

Đồng thời, tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, kém hiệu quả trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Trong đó, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất, không cần chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra và các cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát tăng giảm tài sản của cán bộ, công chức. 

Ngân hàng Nhà nước cần chủ trì xây dựng đề án tăng cường hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền.

Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, trong đó xác định cụ thể trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương và thời hạn thực hiện.

Góp ý cho vấn đề này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình cho rằng, thực hiện Nghị quyết này cần có sự phân công rõ ràng, đặc biệt phải quan tâm đến việc phòng chống tham nhũng qua cơ chế, chính sách, không để tồn tại việc móc ngoặc giữa nhóm lợi ích kinh tế và quan chức Nhà nước trong ban hành cơ chế, chính sách để ban phát và “lại quả” cho nhau.

Do đó, phải tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 và sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng với việc cần đưa hết những vấn đề “nóng” này vào trong Luật với chế tài mạnh mẽ hơn nhằm bịt kín mọi sơ hở có thể phát sinh tham nhũng. Đồng thời kiên quyết xử lý và trừng trị tội phạm tham nhũng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại