Quản lý tài chính trong gia đình là câu chuyện được bàn trong chuyên mục Góc nhìn văn hóa ngày 19/12. Chuyện các ông chồng bị vợ quản lý tiền, thậm chí giấu vợ để dành một khoản riêng cho chi tiêu là chuyện có thật ở nhiều gia đình. Nếu trước khi kết hôn, việc ai nấy làm, tiền ai nấy tiêu thì sau khi kết hôn, các cặp vợ chồng phải làm quen với cuộc sống hoàn toàn mới. Mọi việc trong gia đình đều liên quan mật thiết đến nhau và vì thế, tài chính đôi bên cũng phải cộng hưởng lại để giải quyết những công việc chung.
Trong một số trường hợp, người chồng lại là người quản lý chi tiêu. Điều này thường xảy ra khi người chồng là chủ lực về kinh tế, người vợ chỉ ở nhà lo việc nội trợ và chồng đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu. Còn với đa phần các gia đình, phụ nữ thường có nhiệm vụ quản lý tài chính . Người chồng sau khi nhận lương thì đưa tiền để vợ lo toan các công việc cho gia đình.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, khi kết hôn, cuộc sống gia đình đối diện với nhiều lo toan như cơm, áo, gạo, tiền, ma chay cưới hỏi đôi bên... Nên dù muốn hay không, đây vẫn là chủ đề thường xuyên được đề cập giữa vợ và chồng. Có thể thấy, việc quản lý chi tiêu trong gia đình tưởng đơn giản mà không hề giản đơn, đặc biệt là ai cũng gặp phải nhưng hầu hết không được chỉ dạy một cách bài bản từ nhỏ.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, có đến 13% vụ ly hôn tại Việt Nam là do vấn đề tiền bạc, chỉ xếp sau lý do mâu thuẫn về lối sống và ngoại tình. Câu hỏi nên đưa bao nhiêu phần trăm số thu nhập về nhà cho vợ quản lý luôn là chủ đề thu hút nhiều ý kiến trên các diễn đàn.
"Vấn đề giữ tiền thực sự là nan giải. Đó chính là một trong những mâu thuẫn khiến nhiều cặp đôi phải ly dị. Thậm chí, trong cuộc tranh quyền xem ai là người có quyền trong gia đình thì vấn đề tài chính luôn là mấu hốt. Phụ nữ luôn biết tằn tiện, chi tiêu và lo lắng cho gia đình nhiều hơn đàn ông. Tuy nhiên, trong thời buổi hiện nay, với việc mua sắm, nhiều người đã tỉnh giấc chốt đơn vào 2h sáng. Tôi nghĩ điều quan trọng không phải là vợ hay chồng giữ tiền mà là ai giữ của ổn hơn", nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ.
Theo Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có quy định, việc cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ hay kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính cũng là hành vi bạo lực gia đình. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, khi một gia đình có nhiều nguồn thu nhập, việc quản lý tài chính gia đình đòi hỏi kĩ năng cũng như cách ứng xử văn minh. Tài chính là yếu tố quan trọng để thu vén cuộc sống gia đình và mỗi cặp vợ chồng cần ứng xử với nhau tế nhị, có văn hóa, công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích đôi bên.
"Với tôi, tôi luôn chia sẻ rằng trong quản lý tài chính, điều đầu tiên và quan trọng nhất là sự minh bạch, thẳng thắn, cả hai vợ chồng phải có sự trao đổi với nhau. Nếu không có sự trao đổi với nhau thì chắc chắn mâu thuẫn sẽ gia tăng. Bất kể lúc nào sự nghi ngờ lớn thì mâu thuẫn sẽ nảy sinh. Nhiều người vợ đã chia sẻ rằng quỹ đen cũng là một cuộc ngoại tình. Điều đó có nghĩa là lòng tin trong hôn nhân phải dựa trên sự chính trực và minh bạch. Điều đó mới là quan trọng nhất", nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết thêm.
Thu nhập của một gia đình có thể đến từ nhiều nguồn: Lương, thưởng, tiền làm thêm ngoài giờ, tiền được cho, biếu, tặng... Không có công thức chung rằng chồng hay vợ phải đóng góp vào ngân sách chung của gia đình bao nhiêu phần trăm số tiền mình có mỗi tháng, vì vậy việc này cần có sự bàn bạc, thống nhất ngay từ khi các cặp đôi tiến tới kết hôn. Các cặp vợ chồng cần gạt bỏ tâm lí ngại ngần khi nói đến vấn đề quản lý chi tiêu, cùng nhau lên kế hoạch quản lý tài chính, thống nhất số tiền đôi bên cần đóng góp vào ngân sách chung của gia đình, thống nhất người giỏi vun vén quản lý chi tiêu. Điều quan trọng không phải ai là người giữ tiền trong nhà, mà là cách hành xử sao cho hợp lý, hài hòa, hiệu quả và đôi bên thực sự tôn trọng lẫn nhau.