Chỉ vài năm gần đây, nghệ sĩ "đổ xô" đi làm Youtube. Các dự án web drame, các MV ca nhạc, phim ngắn... đều phát hành trên Youtube.
Mới đây, NSƯT Trịnh Kim Chi còn tổ chức họp báo hoành tráng cho ngày ra mắt kênh mang tên mình trên Youtube. Chị phát triển kênh Youtube của mình như một... kênh truyền hình thật sự với nhiều mảng mục khác nhau, nội dung đa dạng, phong phú, cập nhật thường xuyên và liên tục.
Xung quanh câu chuyện nghệ sĩ làm Youtube, đạo diễn Quốc Thuận đã có những chia sẻ khá bất ngờ với phóng viên.
Youtube rất sòng phẳng, không ai có thể dùng thế lực để đẩy mình lên được
Vài năm gần đây, nghệ sĩ làm Youtube rất nhiều, hầu như ai cũng ra kênh cho riêng mình. Anh nghĩ gì về điều này?
Đó là một điều đáng mừng. Nếu như ngày xưa, nghệ sĩ có năng lực, thậm chí có tiền nhưng cũng chưa chắc đã tỏa sáng được vì thiếu cơ hội. Họ phải "vay mượn" cơ hội từ những đơn vị nhà sản xuất, tổ chức, bầu show thì bây giờ, họ có thể tự tỏa sáng bằng cách tạo kênh Youtube cho mình.
Với Youtube, chỉ cần có tiền, nghệ sĩ có thể tự lăng xê mình. Chúng tôi cần phải chúc mừng nhau. Đây là thời đại 4.0 là thời đại nghệ sĩ tự làm chủ thành công của chính mình.
Quốc Thuận cho rằng, với Youtube, chỉ cần có tiền, nghệ sĩ có thể tự lăng xê mình.
Ở đây, tôi nói tới những người làm bằng lương tâm, sự yêu nghề còn người nào lợi dụng Youtube làm điều trái khuấy, không đúng, tự khán giả sẽ tẩy chay.
Tôi cũng cực lực phản đối suy nghĩ khán giả Youtube tràn lan. Xã hội phát triển, nhận thức của con người ngày càng được nâng cấp thì khán giả cũng sẽ ngày càng tri thức và văn minh. Họ chọn lọc những cái hay, cái lạ để xem. Không có chuyện tràn lan đâu.
Anh có nhận thấy rằng, nghệ sĩ làm Youtube ngày càng nhiều nhưng Youtuber nổi tiếng hầu hết đều không phải là nghệ sĩ?
Điều tôi thích nhất ở Youtube chính là sự sòng phẳng và rõ ràng, không có chuyện sắp xếp. Trên Youtube, không ai có thể dùng thế lực nào đó để đẩy mình lên được. Ai hay, ai giỏi, ai content tốt, nội dung tốt là tự phát triển.
FapTV bình thường thôi nhưng có làm được điều bình thường như họ không?
Tôi nhớ cách đây vài năm, nghệ sĩ khi nói tới làm Youtube, họ coi thường lắm. Họ cho rằng, những thứ trên Youtube quá dễ dãi, và người làm nghề chuyên nghiệp không làm mấy thứ tào lao như thế. Còn giờ, câu chuyện khác hẳn?
Ai cho rằng làm Youtube dễ dãi thì làm đi. Ai coi thường hệ thống số này thì họ nên nhìn lại chính họ. Ai coi thường sân chơi này thì tham gia đi, xem họ chơi lại người ta không.
Cuộc đời này đừng bao giờ nói trước điều gì. Đây là thời đại của social, tiếp cận những cái mới, thế giới nâng cấp mỗi ngày. Chúng ta sống trong thời đại nào thì phải theo thời đại đó. Đừng bao giờ nói, ngày xưa tao nổi thế này thế kia... mà hãy chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng lúc này.
"Điều tôi thích nhất ở Youtube chính là sự sòng phẳng và rõ ràng, không có chuyện sắp xếp. Không ai có thể dùng thế lực nào đó để đẩy mình lên trên Youtube được. Ai hay, ai giỏi, ai content tốt, nội dung tốt là tự phát triển", Quốc Thuận nói.
Đừng dùng góc nhìn tiêu cực mà phải biết nể thế hệ trẻ hôm nay rất sáng tạo. Họ dám nghĩ dám làm. Giờ mình nhìn họ mà bảo "tao làm còn hay hơn" thì đó là góc nhìn không phù hợp với thời cuộc ngày hôm nay.
Tôi biết nhiều người lớn trong cái nghề này, ưa lấy sản phẩm của các các bạn trẻ, con cháu em út 9X, 10X ra chê. Nhưng hãy thử nhìn lại mình coi, mình đã làm được như thế hay chưa.
Tôi lấy ví dụ, nhóm 1977 Vlog quá giỏi, chỉ 4 clip đã đạt nút vàng. Tôi rất phục nhóm FapTV. Họ là nhóm đầu tiên đạt nút kim cương ở Việt Nam.
Mọi người hay nói, sản phẩm của FapTV bình thường thôi. Ai cũng thấy thế nhưng anh có làm được những điều bình thường như họ hay không.
Phục hay không phục cũng nên hỏi chính mình đã làm được cái gì. Câu chuyện tài năng, giải thưởng là chuyện trước đây rồi, ăn thua ở thời bây giờ kìa.
Anh có lý giải được tại sao, nghệ sĩ khi làm Youtube lại khó thành công hơn một người bình thường?
Youtube là sân chơi của giới trẻ, của thế hệ bây giờ. Có những người rất nổi tiếng nhưng qua Youtube không ai coi. Youtube khác truyền hình, màn ảnh rộng. Youtube là thứ chui vào từng góc kẹt trong cuộc sống này. Có những người nằm một chỗ vẫn coi được. Đây là cuộc chơi sòng phẳng.
Ai cũng có thể làm được Youtube nhưng năng lực của từng người được chứng minh dựa trên con số người theo dõi. Bao nhiêu người theo dõi thì đạt nút bạc, nút vàng, nút kim cương.
"Youtube khác truyền hình, màn ảnh rộng. Youtube là thứ chui vào từng góc kẹt trong cuộc sống này. Có những người nằm một chỗ vẫn coi được. Đây là cuộc chơi sòng phẳng", Quốc Thuận khẳng định.
Những gì gần gũi, đời thường nhất, không hào nhoáng, không bóng bẩy trên Youtube thì khán giả sẽ đón nhận thôi.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!