Vụ Su-24: Theo Luật quốc tế, có phải Nga đã xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ?

Lưu Hải Hà |

Vụ máy bay ném bom Su-24 của Nga bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm 24/11 là sự cố quân sự đầu tiên có sự tham gia của Nga và một nước thành viên NATO trong lịch sử hậu Xô Viết.

Trong khi Ankara cáo buộc máy bay ném bom Nga bị bắn hạ vì đã xâm phạm không phận nước này thì Moscow tuyên bố điều ngược lại và khẳng định chiếc Su-24 bị bắn rơi trong không phận Syria.

Trong bài viết đăng trên BBC tiếng Nga ngày 24/11, nhà báo Pavel Aksenov đã đưa ra phân tích về sự cố Su-24 nhìn từ quan điểm luật quốc tế.

Liệu đây có phải là hành động xâm lược chống lại NATO?

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO kể từ năm 1952.

Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương nói rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều nước thành viên NATO ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả.

Trong khi đó, Điều 6 của Hiệp ước trên nhấn mạnh rằng khu vực mà tất cả các đồng minh phải bảo vệ là lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, Hiệp ước quy định riêng, rằng tấn công máy bay của bất kỳ nước thành viên nào của Hiệp ước đều là lý do để NATO vận hành cơ chế an ninh tập thể.

Trong trường hợp máy bay của Nga đã thực sự đã ở trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, liệu có thể coi sự xâm phạm không phận này là hành động xâm lược chống lại một quốc gia thành viên NATO?

Bản thân định nghĩa của sự xâm lược đã được xây dựng trong Nghị quyết 3314 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 14/12/1974.

Đây là một tài liệu nền tảng chung, và trong đó không chỉ rõ liệu có thể coi việc xâm phạm không phận bằng một máy bay quân sự là “sử dụng các lực lượng vũ trang chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ” hay không.

 
Nghị quyết 3314 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Xâm lược là việc sử dụng các lực lượng vũ trang của một nhà nước chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay sự độc lập chính trị của một quốc gia khác.

Trả lời phỏng vấn BBC, ông Vasily Kashin, chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (CAST) nói, trong tình huống như vậy có thể tham khảo những hành động và phát biểu của Ankara vào năm 2012, sau khi máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ ở Syria.

Khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cho biết, máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ thực sự có thể đã bị lực lượng phòng không Syria bắn hạ trong không phận của Syria, bởi việc vượt qua biên giới không trung của máy bay quân sự tốc độ cao không phải là một cái gì đó không bình thường.

"Đó là thực tế phổ biến đối với các máy bay chiến đấu. Đôi khi chúng vượt qua biên giới và dời đi, đặc biệt nếu tính đến tốc độ của chúng trên biển", ông Gul nói với hãng tin quốc gia Anatolia.

Ông Kashin cũng bác bỏ khả năng gia tăng căng thẳng giữa Nga và NATO, vì theo ông, Nga không dự định có hành động quân sự đáp trả nào.

Ông Viktor Mizin, nhà khoa học chính trị của Đại học Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moscow (MGIMO) nói với BBC: "Không ai muốn có sự phức tạp hóa cố tình, đặc biệt là hiện nay, trong tình hình này ở Trung Đông và cụ thể là ở Syria."


Bộ Quốc phòng Nga thể hiện bản đồ đường bay của SU-24

Bộ Quốc phòng Nga thể hiện bản đồ đường bay của SU-24

Việc đánh chặn Su-24 có đúng luật?

Phía Nga khẳng định rằng Su-24 bị bắn rơi ở Syria. Theo Vasily Kashin, nếu điều này là đúng, thì những hành động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn phù hợp với định nghĩa xâm lược được đưa ra bởi LHQ.

Điều 3 trong Nghị quyết 3314 của LHQ gọi xâm lược nói riêng là "các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang của một quốc gia vào lực lượng vũ trang trên bộ, trên biển hoặc trên không, hoặc các hạm đội tàu biển và không quân của quốc gia khác."

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga gọi vụ việc chỉ là một "hành động thù địch" của phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng chiếc Su-24 đã ở trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ 5 phút, trong thời gian đó phi hành đoàn đã nhận được 10 lời cảnh cáo, nhưng không phản ứng gì.

Các chuyên gia Nga cho rằng, theo bản đồ do Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, máy bay Nga có thể đã thâm nhập vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng thời gian rất ngắn, và máy bay đánh chặn không đủ thời gian để thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết.

Đại diện của Bộ Tổng tham mưu Nga Sergei Rudskoy cũng nói rằng không hề có bất kỳ nỗ lực nào của chiếc máy bay Thổ Nhĩ Kỳ nhằm liên lạc hoặc thiết lập liên lạc trực quan với phi hành đoàn Nga (ông cũng nhấn mạnh rằng chiếc máy bay đã bị bắn hạ trên lãnh thổ Syria).


Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ công bố đường bay của chiếc máy bay ném bom Nga SU-24 (đường màu đỏ) và máy bay tiêm kích F-16 (đường màu xám). Đường màu xanh nhạt là biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ công bố đường bay của chiếc máy bay ném bom Nga SU-24 (đường màu đỏ) và máy bay tiêm kích F-16 (đường màu xám). Đường màu xanh nhạt là biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

Cơ sở pháp lý quốc tế để chặn một máy bay

Quy trình chặn một chiếc máy bay quân sự xâm phạm biên giới quốc gia không được nêu ra rõ ràng trong các hiệp ước quốc tế.

Vấn đề này được Công ước Chicago về Hàng không dân dụng quốc tế xem xét một cách khá chi tiết, nhưng đó là đối với các máy bay dân dụng.

Trong Công ước này chứa quy trình hành động, và thậm chí cả hệ thống báo hiệu mà máy bay đánh chặn phải phát ra cho máy bay bị chặn, và các hành động phản hồi của máy bay bị chặn.

Trong Công ước này không quy định về các máy bay quân sự, nhưng nội dung liên quan đến máy bay chiến đấu của các nước được đề cập trong phần "Quy định bay".

Công ước Chigago về Hàng không dân dụng quốc tế
Quy định bay
Hội đồng của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, khi phê duyệt các tín hiệu biểu kiến chứa trong phụ lục [...], đã liên lạc với các nước đã ký kết công ước với một yêu cầu cấp thiết, rằng những chiếc máy bay [quân sự] quốc gia của các nước này tuân thủ nghiêm ngặt các đối với các tín hiệu biểu kiến này.

Một cựu phi công lái máy bay Su-24, với điều kiện giấu tên, đã nói với BBC rằng trong trường hợp đánh chặn, máy bay tiêm kích đầu tiên thiết lập một kết nối trong các tần số cấp cứu.

Sau đó, nếu không thể liên lạc bằng radio, máy bay tiêm kích phải cố gắng thiết lập liên lạc trực quan, thực hiện các thủ tục "theo quy định của luật pháp quốc tế."

"Trong mọi trường hợp, ngăn chặn và tấn công máy bay là một bước rất nghiêm trọng, mà trước đó phải thực hiện một loạt thủ tục," ông cho biết và thêm rằng việc thực hiện các thủ tục này sẽ mất rất nhiều thời gian.

Nga và Mỹ đã ký bản ghi nhớ về việc ngăn ngừa các sự cố có thể có giữa các máy bay quân sự trên bầu trời Syria. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối ký kết một văn bản tương tự.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov, sau khi nhận được bản ghi nhớ của Mỹ cho biết, Washington cam kết sẽ truyền đạt lại các quy tắc đã được thông qua đến tất cả các đối tác của mình đang hoạt động trong lãnh thổ Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại