Sputnik News (Nga) ngày 8/12 cho hay, bản báo cáo dài 44 trang từ Tổ chức ân xá quốc tế (AI) đã nghiên cứu cách chiến binh IS sử dụng trang bị vũ khí "chủ yếu được cướp hoặc mua bán, trao đổi từ Iraq".
Ngoài ra, IS còn tiếp cận vũ khí từ các nguồn khác nhau cũng với hình thức như trên từ các kho vũ khí của Syria mà Mỹ, các nước vùng Vịnh hay Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho phe đối lập.
Theo đó, số vũ khí này được sản xuất bởi nhiều quốc gia, khu vực gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Theo CNN, báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama tái khẳng định chính sách dựa vào các lực lượng địa phương, gồm các nhóm vũ trang Iraq, người Kurd hay đối lập Syria, để "quét sạch" IS chứ không triển khai bộ binh Mỹ tới đây.
Patrick Wilcken, nhà nghiên cứu về nhân quyền và an ninh thương mại của AI cho biết: "Phần lớn lượng vũ khí cũng như sự đa dạng chủng loại mà IS đang sử dụng là trường hợp điển hình cho thấy hoạt động mua bán vũ khí trên diện rộng diễn ra ngang nhiên.
Những quy định nghèo nàn và sự giám sát yếu ớt đối với các 'ông lớn' về vũ khí đổ vào Iraq trong vài thập kỷ qua đang giúp IS và các tổ chức vũ trang khác có cơ hội tốt chưa từng thấy để tiếp cận dễ dàng với các loại hỏa lực."
Theo AI, tài liệu từ các cơ quan giám sát chỉ ra IS đang sử dụng vũ khí của ít nhất 25 quốc gia khác nhau.
Nguồn tài chính để cung cấp vũ trang cho khủng bố không gì khác hơn ngoài hoạt động trao đổi dầu, các hợp đồng của Lầu Năm Góc và các khoản tài trợ của NATO.
Theo ước tính của Mỹ, có tới 650.000 tấn đạn không được bảo vệ nằm khắp đất nước Iraq vào tháng 9/2003.
Ngoài ra, số vũ khí mà IS thu được chỉ trong tháng 6/2014 có thể trang bị cho 3 sư đoàn (tương đương 40-50.000 binh lính
"Hệ quả của việc phổ biến và lạm dụng vũ trang tại Iraq, cùng với tình hình phức tạp trong khu vực đã hủy diệt cuộc sống và đẩy điều kiện sống của hàng triệu người vào tình trạng bị đe dọa.
Hậu quả việc chuyển giao vũ khí một cách 'bạt mạng' tới Iraq và Syria là trang bị rơi vào tay IS cần phải trở thành hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà xuất khẩu vũ khí trên thế giới," ông Wilcken nói.
Theo ông này, cho dù IS bị xử lý thì các nhóm vũ trang khác vẫn còn đó sẽ thay thế vị trí của tổ chức này trong vấn đề phổ biến vũ khí, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
IS, tổ chức khủng bố bị Nga và nhiều quốc gia khác xác định là kẻ thù, đã chiếm lĩnh địa bàn rộng lớn ở Iraq và Syria trong năm 2014.
Tổ chức này đã gây ra nhiều vụ khủng bố và các hành động bạo lực xâm phạm quyền con người, không chỉ ở Iraq và Syria, mà ở nhiều nơi trên thế giới.