Vũ khí lợi hại chẳng kém S-400 mà ai cũng khao khát ở Syria

Lâm Nguyễn |

Ở Syria, lúa mỳ là thứ vũ khí phi truyền thống lợi hại và quan trọng chẳng kém gì các vị trí chiến lược mà các bên tham chiến đang tranh giành.

Sẵn sàng chết để được ăn

Tháng 12/2012, quân chính phủ Syria đã tiến hành không kích nhằm vào một cửa hàng bánh mỳ tại thị trấn Halfaya (Hamas), khiến ít nhất 90 dân thường thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Vài tháng sau đó, quân nổi dậy FSA mở 1 cuộc tấn công vào khu vực do quân chính phủ kiểm soát ở ngoại ô Ghouta nhằm vào nhà máy xay lúa mỳ cùng 2 hầm chứa của quân chính phủ.

Nếu phe đối lập có thể kiểm soát được nhà máy này thì họ có thể có được lúa mỳ, phá vỡ vòng vây của quân chính phủ, kiểm soát được một địa điểm chiến lược trên đường ra sân bay và thậm chí thể kiếm ra tiền.

Những người dân ở Đông Ghouta đã nghe về cuộc chiến, và một số bất chấp bom đạn chạy về phía nhà máy xay, cố gắng tìm kiếm lúa mỳ còn sót lại bên trong hầm chứa. Các tay súng đã ngăn cản, nhưng không được.

"Họ nói rằng họ rất đói. Họ sẵn sàng chết chỉ để được ăn. Rất nhiều người trong số họ sẵn sàng hi sinh vì điều đó", một tình nguyện viên tên là Dik nói.

Ở Syria, những nơi có lúa mỳ không kém gì mục tiêu chiến lược mà các bên đều đang nỗ lực tranh giành và.

Theo đánh giá của trung tâm Carnegie, trong nội chiến Syria đây là thứ vũ khí hiệu quả chẳng kém vũ khí hóa học, bom hay tên lửa S-400.

Theo tờ Washington Post, suốt gần 5 năm nội chiến, lúa mỳ đã "giết chết" ít nhất 250.000 người. 109/140 trung tâm thu mua lúa mỳ bị phá hủy, 4/5 nhà máy làm men tại Syria phải ngừng hoạt động.


Các bên tham chiến ở Syria và ngay cả người dân cũng đều liều chết để có được

Các bên tham chiến ở Syria và ngay cả người dân cũng đều "liều chết" để có được

Vũ khí phi truyền thống

Với người Trung Đông, bánh mỳ là một phần thiết yếu của sự sống và quan trọng chẳng kém gì nước hay dầu mỏ. Nó là thứ có thể giúp giành được lòng trung thành - hoặc ít nhất là sự tuân lệnh - từ phía dân thường.

Một nhà phân tích người Syria giấu tên khẳng định: "Khi bạn kiểm soát được lúa mỳ và nhiên liệu, bạn kiểm soát được cả xã hội".

Chính quyền trung ương Syria từ lâu đã hiểu được điều này. Đối với họ, kiểm soát lúa mỳ và bánh mỳ là các hiệu quả để đảm bảo sự phục tùng của nông dân và những người di cư ương bướng - hoặc bất kể kẻ nào đe doạ quyền lực trung tâm, trong vùng đất của họ.

Tới nay, Damascus vẫn kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất và phân phối lúa mỳ - họ bán hạt giống, phân bón, nước và rồi mua lại lúa mỳ sau khi được thu hoạch. Bất cứ ai đi "trệch" khỏi quy trình này đều có thể bị trừng phạt.

Một nghiên cứu của Foreign Policy chỉ ra, chính phủ Syria đang “xoay chuyển” viện trợ nhân đạo của nước ngoài đến các vùng trong tầm ảnh hưởng nhằm lôi kéo dân chúng.

Với kẻ thù, một chiến lược ưa thích của ông Assad là cắt vận chuyển lương thực. Việc tăng giá bột mỳ cũng được sử dụng làm công cụ gây thêm sức ép với quân nổi dậy.

Nhưng giờ đây, chính Damascus cũng đang đối mặt với vấn đề khan hiếm lương thực trầm trọng.

Không kể đến việc những vùng đất màu mỡ nhất của Syria và cả các kho dự trữ đang chịu sự tấn công của phe nổi dậy, thì nạn trộm cướp, khủng hoảng nhiên liệu và cạn kiệt nước ngầm đang khiến sản lượng lúa mỳ sụt giảm trong những năm gần đây.

Hiện tại, chính phủ Syria đang phải dựa vào nguồn nhập khẩu từ Nga và Iran.

Lúc này thì lúa mỳ được các bên đem ra làm công cụ mặc cả, bởi các lực lượng nổi dậy rất quan tâm đến việc chiếm giữ hệ thống phân phối lúa mỳ, nhưng lại không đủ khả năng vận hành nhà máy hay hầm chứa trong tay.

Điều này làm hư hại một phần lớn lúa và bột mỳ sẵn có – một sự lãng phí không thể chấp nhận trong tình cảnh bánh mỳ đang trở thành “xa xỉ phẩm” tại Syria.

Để khắc phục, chính phủ và quân nổi dậy đã thỏa thuận: Nông dân và chuyên gia nông nghiệp được phép tự do đi lại giữa những khu vực do các bên kiểm soát nhằm duy trì hoạt động sản xuất.

Lúa mỳ được sản xuất trong khu vực do quân nổi dậy kiểm soát có thể được bán cho chính phủ. Đổi lại, chính phủ phải chịu thêm một khoản "mãi lộ” (bằng tiền hoặc chính lúa mỳ) cho các nhóm vũ trang khác trên đường di chuyển.

Còn khi các thoả thuận này bị phá vỡ - về giá cả hoặc về tranh chấp lãnh thổ, thì kết quả sẽ là các cuộc vây bắt, giao tranh.

Trong năm 2015 giá bánh mỳ cho người dân đã leo thang 87%. Theo Thống kê của Chương trình lương thực thế giới, giá bột mỳ đã tăng 220% so với đầu năm 2011, và vẫn sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Báo Mỹ
Washington Post
Hầu hết lúa mỳ được sản xuất ở đông bắc, nhưng nhu cầu chủ yếu lại tập trung ở phía tây. Và đường vận chuyển lúa mỳ càng dài, càng phải đi qua nhiều trạm kiểm soát thì giá bán ra càng tăng lên.

Với IS, lúa mỳ là một công cụ kiếm tiền và kiểm soát dân chúng một cách đắc lực.

Sau khi chiếm Raqqa năm 2013, IS đã ngay lập tức hệ thống hoá quá trình sản xuất và phân phi bánh mỳ. Ở mỗi tiệm bánh mỳ trong khu vực do chúng kiếm soát, người dân phải xếp hàng lấy số.

Theo Washinton Post, mỗi người chỉ được mua 1 túi bánh mỳ gồm khoảng 20 miếng nhỏ với giá 1 USD. Các chiến binh sẽ đứng canh và nhớ mặt từng người để đảm bảo rằng không ai xếp hàng lại để mua tiếp.

Ban đầu, IS cho phép nông dân Raqqa bán lúa mỳ cho chính phủ với mức thuế 20%. Tuy nhiên, trong năm nay, IS đã mua trực tiếp lúa mỳ từ nông dân với giá cao hơn của chính phủ.

Trớ trêu là, một phần trong số đó được chúng bán qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với giá cao hơn nhiều. Và các nhà tài trợ quốc tế lại mua phần lớn lúa mỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ - tức là vô tình giúp giữ giá tăng cao, và rồi viện trợ cho Syria.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại