Giáo sư Kolotov, Nhà Việt Nam học người Nga: Trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng tin AP của Mỹ và Reuters của Anh, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn tuyên bố “Việt Nam sẽ không đánh đổi độc lập, chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông”. Câu trả lời này là hoàn toàn nằm trong truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của nhà báo Việt Nam, Giáo sư Vladimir Kolotov, Nhà Việt Nam học, Trưởng Bộ môn Lịch sử các nước Viễn Đông, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Khoa Phương Đông – Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg (Nga) đã cho biết quan điểm của ông trước những vấn đề thời sự liên quan đến Biển Đông.
Về lập trường của Việt Nam, Giáo sư Kolotov nói: Mới đây, trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng tin AP của Mỹ và Reuters của Anh, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn tuyên bố là “Việt Nam sẽ không đánh đổi độc lập, chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông”.
Câu trả lời này là hoàn toàn nằm trong truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tôi không thể tưởng tượng được một nhà chính trị nào ở Việt Nam có thể đồng ý với đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau chiến thắng Điện Biên Phủ cũng có câu nói rằng “Các ông thua vì các ông không hiểu lịch sử Việt Nam”. Rồi trước đây nữa, ở thế kỷ 13, Trần Hưng Đạo đã nói: “Tiền của dẫu lắm, không mua được đầu giặc”.
Độc lập, chủ quyền, tự do Việt Nam đã phải trả giá rất đắt nên đây không thể là cái để đầu cơ. Việt Nam vốn nổi tiếng là một quốc gia sẵn sàng chiến đấu đến cùng trước bất cứ quốc gia nào dám xâm lược Việt Nam. Đấy là bài học lịch sử, tất cả các quốc gia xâm lược Việt Nam từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 đều bị thua. Đó là bài học lớn mà bất cứ kẻ xâm lược nào cũng phải học trước khi thực hiện bất cứ hành động nào ngoài phạm vi luật pháp quốc tế. Đó chính là uy tín mà Việt Nam đã giành được trong mấy nghìn năm lịch sử của mình. Và thế kỷ 20 cũng chứng tỏ điều đó rất rõ ràng.
Về giải pháp cho tình hình hiện nay ở Biển Đông, Giáo sư Kolotov nói: Hai quốc gia gần gũi nhau lại xung đột với nhau thì cả hai sẽ bị suy yếu, sẽ mất sức trong cuộc đấu tranh chống lại nhau và như vậy, các phần tử phản động, các thế lực thù địch sẽ càng ngày càng mạnh lên và sẽ là mối đe dọa đối với chế độ chính trị. Mà đe dọa chính trị thì cũng sẽ đe dọa kinh tế. Đây là vấn đề rất lớn, đe dọa trung hạn và dài hạn cho chế độ ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Điều đó sẽ còn nguy hiểm hơn là việc đặt giàn khoan và đường lưỡi bò. Chính vì vậy, hai bên phải ngồi lại với nhau để tìm cách vượt qua bất đồng, đối thoại với nhau để tìm ra tương lai. Trong lịch sử, Trung Quốc và Việt Nam có nhiều giai đoạn phức tạp, có những tiêu cực, nhưng cũng có lúc Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam. Trung Quốc và Việt Nam cần dựa vào những kinh nghiệm tốt trong lịch sử để vượt qua những thử thách như bây giờ.
Giáo sư Kolotov phân tích: Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là nằm trong chiến lược dài hạn. Đây chỉ là một trong những bước thực hiện việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc.
Tàu hải cảnh Trung Quốc cố tình lao vào tàu kiểm ngư Việt Nam
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình và hướng bành trướng chiến lược chính mà Trung Quốc muốn mở rộng là xuống phía Nam. Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược rất quan trọng, nếu Trung Quốc không kiểm soát được Việt Nam thì rất khó kiểm soát được toàn bộ vùng Đông Nam Á và các nước ASEAN. Chính vì thế, có thể nói Việt Nam là nạn nhân đầu tiên trên con đường bành trướng chiến lược của Trung Quốc.
Trên bản đồ do Lầu Năm góc xuất bản về kế hoạch chiến lược của Trung Quốc cho thấy là Trung Quốc sẽ kiểm soát Đông Nam Á trước và Đông Bắc Á sau. Có hai giai đoạn, giai đoạn đầu tiên là thực hiện tuyên bố “đường 9 đoạn” mà Việt Nam gọi là “đường lưỡi bò”. Giai đoạn thứ hai sẽ là kiểm soát cả vùng Đông Nam Á ở phía Nam và đảo Guam trên Thái Bình Dương ở phía Đông.
Vấn đề là các nước có chấp nhận điều đó hay không? Theo ghi nhận, ở Việt Nam, cũng như các nước trong khu vực đều không chấp nhận luật chơi như thế. Và tôi nghĩ đó là điều có ảnh hưởng đến bản thân Trung Quốc. Bởi vì trong hoàn cảnh phức tạp và nguy hiểm như thế thì các nước nhỏ trong khu vực coi đó là việc đe dọa an ninh của họ và họ sẽ dùng cách liên minh lại và sử dụng đối tác xa để chống lại đối tác gần.
Trong tình huống này họ sẽ tìm cách liên kết với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Và như thế, ở những vùng mà Mỹ muốn kiểm soát, thì ảnh hưởng của Mỹ sẽ tăng lên. Đây sẽ là yếu tố làm tăng thêm tình hình căng thẳng ở Đông Nam Á, điều đó sẽ cực kỳ phức tạp với cả các nước ASEAN và Trung Quốc.
Trung Quốc mắc sai lầm chiến lược
Trao đổi với BBC hôm 23/5 từ Viện Nghiên cứu quốc gia về Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông (INALCO) của Pháp tại Paris, Giáo sư Jean-Francois Huchet cho rằng Trung Quốc cần phải hết sức thận trọng, nếu không muốn mắc sai lầm chiến lược khi làm cho Việt Nam và nhiều nước láng giềng phẫn nộ vì những hành động “khiêu khích và thách thức” chủ quyền.
Giáo sư Huchet nhận định: Sau một loạt các diễn biến, Trung Quốc đã đang nhận thấy một tình thế nguy hiểm sắp xảy ra, khi một loạt quốc gia láng giềng từ Nhật Bản tới Việt Nam, hay Philippines và Hàn Quốc thảo luận với nhau và đều nổi giận với Trung Quốc. Các hành động của Trung Quốc không chỉ gây ra các xung đột đơn lẻ với từng quốc gia bị Trung Quốc khiêu khích, thách thức, mà còn tạo ra một dạng thức liên minh mới với Mỹ. Tôi nghĩ sẽ ngày một khó khăn hơn cho Trung Quốc đẩy tới các áp lực và đưa ra các hành động khiêu khích khác trong tương lai.
Rõ ràng là nếu Trung Quốc tiếp tục tỏ ra hung hăng trên các vùng biển ở khu vực như họ đã làm đặc biệt trong hai ba năm trở lại đây, chắc chắn các quốc gia bị thách thức và khiêu khích trong vùng sẽ tìm kiếm sự bảo vệ từ phía Mỹ. Chúng ta đã thấy xuất hiện hàng loạt các tuyên bố giữa các quốc gia đó với Mỹ. Mỹ cũng tích cực hoạt động và hiện diện nhiều hơn trong khu vực trong hai năm trở lại đây. Liên minh này sẽ không chỉ giới hạn ở các khu vực như Biển Đông, hay Biển Hoa Đông, mà cũng liên quan tới cả nơi khác như Ấn Độ”. Hình thức liên minh nói trên sẽ khiến cho Trung Quốc “không dám hung hăng hơn và không dám mở rộng ảnh hưởng của nước này quá xa”.
Trung Quốc hiện đang muốn mở rộng vùng ảnh hưởng của mình và đẩy Mỹ ra khỏi châu Á, để Trung Quốc có thể thống lĩnh khu vực, không chỉ về mặt kinh tế như trong 20 năm trở lại đây, mà còn thống trị về mặt quân sự và các nguồn năng lượng. Cho nên đây không chỉ là vấn đề về dầu, câu chuyện đi xa hơn thế rất nhiều, thế nhưng Trung Quốc có thể đang phạm một sai lầm khi họ đang muốn bước đi quá nhanh trong vấn đề này. Các quốc gia láng giềng - trong đó đương nhiên có Việt Nam, nước có lịch sử rất phức tạp với Trung Quốc - đã, đang và sắp đối đáp lại với những hành động đó. Do đó, tôi nghĩ Trung Quốc nên thận trọng mà không nên khiêu khích quá mức các quốc gia đó.
Đằng sau tất cả các động thái gần đây - từ thách thức, khiêu khích Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, Philippines và gần đây nhất là Việt Nam ở Biển Đông - rõ ràng là một toan tính nhằm thăm dò phản ứng của các quốc gia láng giềng và sự chống đối của Mỹ. Đương nhiên là nếu không có sự phản ứng nào đối kháng lại, Trung Quốc sẽ lấn tới, lấn lướt xa hơn và họ sẽ có nhiều các hành động khác. Thế nhưng, hiện thời Trung Quốc đã nhận thấy rằng Bắc Kinh đã tạo ra sự khiêu khích quá lớn và đã gây ra phản ứng rất mạnh ở Việt Nam. Tôi chắc rằng Trung Quốc đang phải cân nhắc lại tình huống và họ sẽ phải thận trọng hơn với các hành động trong tương lai.
Giáo sư Jean-Francois Huchet kết luận: "Trung Quốc đang thay đổi cách chơi. Trong một hai chục năm trở lại, họ xuất hiện ở khu vực châu Á, Đông Nam Á như một đối tác đầu tư, hợp tác kinh tế. Thế nhưng sau khi được cho là đã nắm được nhiều lợi thế gây dựng được ở nhiều quốc gia trong khu vực, khẳng định được ảnh hưởng và vị thế kinh tài, họ lại muốn chuyển sang một bộ mặt khác, họ muốn chơi những con bài để đạt được sự thống trị ảnh hường và áp lực về an ninh, quân sự”.
* Về biện pháp pháp lý trong đối phó với Trung Quốc, giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia nêu rõ: Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã đề cập và có thể sử dụng các biện pháp pháp lý để đấu tranh với Trung Quốc. Philippines cũng từng ở trong tình huống tương tự và đã nộp hồ sơ lên Tòa án trọng tài quốc tế, nhằm đề nghị tòa tuyên bố yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc là không hợp pháp. Việt Nam có thể hưởng lợi từ bất kỳ phán quyết nào có lợi cho Philippines.
Giáo sư Carl Thayer
Giáo sư Thayer phân tích: “Vụ kiện của Philippines rất khôn khéo, không trực tiếp thách thức Trung Quốc mà đưa ra câu hỏi về những quyền của Philippines theo luật quốc tế. Nói cách khác, Philippines xem xét mình có quyền với vùng biển thuộc lãnh thổ, khu vực chồng lấn, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế hay không. Do vậy, tôi nghĩ lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam lúc này là ủng hộ Philippines". "Việt Nam phải tiếp tục đưa vụ việc này ra cộng đồng quốc tế, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ bị cô lập. Việt Nam có thế đứng vững chắc, với điều kiện không bị khiêu khích bởi Trung Quốc. Việt Nam và Philippines là hai nước ở tiền tuyến trong số các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Philippines mới đây là một bước đi rất tích cực".
Xem thêm [Video] Dư luận hoan nghênh phát biểu của Thủ tướng “Việt Nam sẽ không đánh đổi độc lập, chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông”. Nguồn: VTV.
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA