Việt Nam-Hoa Kỳ: Ba ải đặc biệt của mối quan hệ "độc nhất vô nhị"

Lê Ngọc Thống |

Vượt qua những khác biệt, đặc biệt là về ý thức hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành bạn bè thân thiện và tạo dựng một mối quan hệ “độc nhất vô nhị” trên thế giới.

Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai là 4 giai đoạn, trong đó có 3 "cửa ải" quan trọng mà vượt qua được là coi như mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có thể đạt được cái đích là một tương lai tươi đẹp.

Với 16 chữ tạo ra 4 câu hành động mạch lạc, liên tục rất logic (gác lại, vượt qua, phát huy, hướng tới), phương châm mà Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh này biểu hiện sự thực chất, minh bạch trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Gác lại quá khứ

Quá khứ hay lịch sử là trí nhớ của một dân tộc. Quên quá khứ, lịch sử là dân tộc mất trí nhớ, mà khi mất trí nhớ thì dân tộc không có truyền thống, không có văn hóa…thì cũng như một người mất trí nhớ, đó chỉ là sự tồn tại chứ không phải là sống.

Gác lại quá khứ không có nghĩa là quên quá khứ mà quyết không để những sai lầm từ quá khứ lặp lại vào hiện tại, nhưng đồng thời nâng cao, phát huy, phát triển, những điều tốt đẹp trong quá khứ vào hiện tại và tương lai.

Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là quá khứ nổi cộm nhất trong mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Với Việt Nam, quá khứ đó là đau thương, tang tóc, gian lao, hơn 3 triệu người đã chết trong chiến tranh; hàng triệu người bị chất độc màu da cam hành hạ; nỗi đau là không kể xiết.

Với Mỹ, quá khứ đó là tội lỗi; là sai lầm khi gây chiến tranh với Việt Nam, một đất nước mà ngay ngày đầu thành lập đã muốn là bạn với Hoa Kỳ…

Quá khứ này, cả hai quốc gia không bao giờ quên và không được quên để không bao giờ để nó xảy ra trong hiện tại, để hành động cho hiện tại. Hãy gác lại để hướng đến hiện tại và tương lai.

Vượt qua khác biệt

Trong quan hệ quốc tế, không thiếu những quốc gia “gác lại quá khứ” để trở thành bạn bè, nhưng vượt qua những khác biệt, đặc biệt là khác biệt về ý thức hệ như Việt Nam và Hoa Kỳ là trường hợp “độc nhất vô nhị” trên thế giới.

Rõ ràng sự khác biệt giữa 2 quốc gia nói chung và giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng luôn luôn tồn tại. Khác biệt về văn hóa, về các giá trị đạo đức của dân tộc; khác biệt về thể chế chính trị; khác biệt về ý thức hệ…

Vì thế nếu để quan hệ bạn bè, hợp tác đôi bên mà yêu cầu phải giống nhau những mặt này là không thể. Hoa Kỳ không thể xóa bỏ văn hóa Mỹ hoặc thể chế chính trị của mình để hợp tác quan hệ với Việt Nam.

Ngược lại, Việt Nam không thể thay đổi thể chế chính trị hay bỏ văn hóa Việt để hợp tác quan hệ cùng Mỹ. Thế giới là đa dạng, đa quốc gia, đa văn hóa, đa sắc tộc nên sự khác biệt phải được tôn trọng.

Vấn đề là dù có khác biệt, nhưng sự khác biệt đó không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, của đôi bên thì sự khác biệt đó chỉ là “tính đa dạng của thế giới vật chất”, vẫn có thể kết hợp, quan hệ hợp tác tốt.

Hoa Kỳ rất nhanh nhạy, thực tế trong việc này và Việt Nam cũng chứng tỏ trí tuệ sáng suốt trong quan hệ đối ngoại.

Phát huy tương đồng

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản việt nam
Nguyễn Phú Trọng
Chúng ta có lợi ích chung trong thúc đẩy hợp tác ở khu vực để góp phần bảo đảm hoà bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là việc duy trì hoà bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Phải khẳng định một cách chắc chắn rằng, hợp tác với Mỹ là nhu cầu chiến lược của đôi bên. Do đó chẳng có chuyện Mỹ ve vãn Việt Nam và ngược lại. Khi cả 2 quốc gia có lợi ích tương đồng thì buộc cả hai đều phải có trách nhiệm để đạt được mục tiêu đó khi hợp tác với nhau.

Với Việt Nam, Mỹ là một thế lực quân sự, kinh tế đứng đầu thế giới; là một cường quốc tại khu vực châu Á-TBD. Mỹ có đủ khả năng để giữ vững hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Do đó, Việt Nam hoanh nghênh sự hiện diện của Hoa Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế ở Biển Đông, trên cơ sở Hoa Kỳ tôn trọng luật pháp quốc tế và đương nhiên, Việt Nam sẽ “cùng với Hoa Kỳ” phấn đấu cho mục tiêu này.

Với Hoa Kỳ, Việt Nam có một vị trí chiến lược quan trọng trên khu vực Đông Nam Á và Tây-TBD; là quốc gia có khả năng, có đủ bản lĩnh, trí tuệ (và truyền thống) để ngăn chặn âm mưu biến Biển Đông thành “ao nhà” của bất kỳ thế lực nào, phù hợp với lợi ích Hoa Kỳ.

Rõ ràng, lợi ích chiến lược của Việt Nam - Hoa Kỳ tương đồng một cách tự nhiên và cùng nhau phấn đấu để đạt mục tiêu chung này cũng là điều đương nhiên.

Sự kiện lịch sử khi TBT Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ theo lời mời của chính phủ Hoa Kỳ đã chứng tỏ Việt Nam và Hoa Kỳ đã đi qua những cửa ải rất đặc biệt, khó khăn, để bước vào giai đoạn thứ 4 trong quan hệ song phương là “hướng tới tương lai”.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng, trong mối quan hệ này, Hoa Kỳ là cường quốc. Do đó về nguyên tắc, mối quan hệ giữa 2 quốc gia tốt đẹp là phải có “lòng tin chiến lược”, nhưng “muốn tin tưởng thì phải hồ nghi” là câu ngạn ngữ của phương Tây mà Việt Nam cũng phải tiếp thu, để ý đến.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả - Nguyên Sĩ quan Tham mưu Hải quân Lê Ngọc Thống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại