Vì sao Trung Á thuộc về người Hồi giáo chứ không phải Trung Quốc?

Đức Huy |

The Diplomat hôm 9/1 vừa qua đã đăng tải một bài viết nhìn lại trận chiến bên bờ sông Talas năm 751, một trận chiến thực sự đã thay đổi lịch sử thế giới.

Không khó để hiểu tại sao trận Talas, hay còn được gọi là trận Đát La Tư, giữa một bên là quân đội Arab-Ba Tư của triều đại Hồi giáo Abbas và bên kia là quân nhà Đường, luôn được giới nghiên cứu liệt vào danh sách một trong những trận đánh quan trọng nhất lịch sử Trung Á.

Như nhà sử học James Milward, giáo sư-tiến sĩ nghiên cứu lịch sử Trung Quốc và Trung Á, đã viết trong cuốn sách lịch sử Tân Cương xuất bản năm 2007, đây có thể nói là "trận đánh đầu tiên và cũng là cuối cùng giữa quân đội Arab và quân đội Trung Quốc".

Với nhiều người, trận Talas đánh dấu một cột mốc mang tính bước ngoặt trong lịch sử, khi nó quyết định "ông chủ" thực sự của khu vực Trung Á, trong một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa thế giới Hồi giáo và văn hóa Trung Hoa.

Trên thực tế, bản thân trận Talas không quyết định nhiều điều, nhưng thời điểm trận đánh này xảy ra lại có ý nghĩa vô cùng to lớn. Do đó, hãy cũng nhìn lại bối cảnh lịch sử của trận đánh nổi tiếng này.

Năm 751, triều đại Hồi giáo Abbas đang nổi lên mạnh mẽ sau khi thay thế triều đại Hồi giáo Ummayyad một năm trước đó.

Khi nhà Abbas bắt đầu cuộc nổi dậy vào năm 747, thành phố đầu tiên mà họ chiếm được là Merv (nay là thành phố Mary thuộc Turkmenistan).

Tạo hình tướng sĩ triều đại Abbas. Ảnh: Pinterest
Tạo hình tướng sĩ triều đại Abbas. Ảnh: Pinterest

Trong những năm đầu của thế kỉ VIII, tư lệnh Qutayba bin Muslim đã chiếm được nhiều thành trì quan trọng ở Trung Á cho triều đại Ummayyad, trong đó nổi bật là Bukhara và Samarkand, trước khi bị giết vì tội phản nghịch (quá trung thành với Walid I và không công nhận vua mới).

Trong 3 thập niên sau đó, loạn lạc từ các cuộc nổi dậy chống lại lãnh đạo người Hồi giáo địa phương đã tạo cơ hội cho nhà Đường chiếm lại lãnh thổ phía tây, thông qua Tây Tạng và Tân Cương, và chiếm được Kashgar (thành phố cực tây của Trung Quốc hiện nay) năm 728.

Sau khi triều đại Ummayyad sụp đổ, nhà Abbas nắm quyền và dời đô về phía đông, từ Damascus sang Baghdad. Họ cũng không giấu giếm tham vọng mở rộng về phía đông, cùng lúc với việc nhà Đường đang mở rộng về phía tây.

Trong những năm 740, nhà Đường kiểm soát giao thương ở cả phía bắc lẫn phía nam dãy Thiên Sơn (nay là Kyrgyzstan). Tướng Đường gốc Cao Ly là Cao Tiên Chi được giao trọng trách đánh đuổi người Tây Tạng ra khỏi dãy núi Pamir.

Đây cũng là lúc diễn ra tranh cãi giữa lãnh chúa Chabish của Tashkent và lãnh chúa Ilkhshid của Fergana. Lãnh chúa Chabish bắt tay với tàn quân của một bộ tộc đã bị người Hoa đánh bại nhiều năm trước, còn lãnh chúa Ilkhshid liên minh với nhà Đường.

Cao Tiên Chi trong lúc giúp đỡ Ilkhshid đã chiếm được Tashkent năm 750, cũng như bắt sống và sau đó hành quyết Chabish. Con trai của Chabish cầu cứu nhà Abbas ở Samarkand với hi vọng báo thù cho cha mình.

Lãnh chúa Samarkand, Ziyad ibn Salih, đã kêu gọi tư lệnh Abu Muslim đem quân hỗ trợ và cùng nhau tây tiến đánh nhà Đường. Quân triều đại Abbas và quân nhà Đường chạm trán dọc bờ sông Talas.

Trận đánh Talas được mô tả trong sách lịch sử Trung Quốc. Ảnh: ikexue.org
Trận đánh Talas được mô tả trong sách lịch sử Trung Quốc. Ảnh: ikexue.org

Theo nhiều tài liệu ghi lại, cả hai phe đều đã điều động không dưới 100.000 quân tham gia trận đánh này. Nhà Đường cũng có sự hỗ trợ của người Karluk, một liên minh các bộ tộc Thổ ở Trung Á, sự "trợ giúp" mà rốt cục đã thay đổi hoàn toàn cục diện trận đánh.

Sở dĩ nói "trợ giúp" trong ngoặc kép là vì sau đó, nhóm người Karluk đã bất ngờ phản lại nhà Đường, và liên thủ cùng nhà Abbas tạo thế gọng kìm bao vây đại quân của Cao Tiên Chi. Vị tướng này mở đường máu trốn thoát thành công, song đại quân đã mất gần hết.

Nhà Abbas khi "mua chuộc" người Karluk đã hứa sẽ cho họ của cải vật chất và sự tự do, để đổi lấy việc theo Đạo hồi và phản bội những người chủ Trung Hoa của họ.

Vốn dĩ người Karluk cũng chẳng muốn lệ thuộc gì vào nhà Đường, và ngay lập tức chấp nhận màn trao đổi này. Người Karluk sau đó giữ vai trò chính trong việc thuyết phục những bộ lạc Thổ của Seljuks theo Đạo Hồi.

Trong lúc trận đánh Talas diễn ra, người Karluk đã âm thầm mở một lỗ hổng trong phòng tuyến của mình để lính nhà Abbas dễ dàng thâm nhập, giúp họ bao vây và tiêu diệt phần lớn đại quân nhà Đường.

Tuy đại bại, nhưng trận đánh Talas không phải lý do lớn nhất khiến người Trung Quốc phải rút khỏi Trung Á. Mà thực chất, "thủ phạm" bắt buộc Cao Tiên Chi thu quân là việc An Lộc Sơn làm phản, khiến đại quân nhà Đường phải rút về dẹp loạn.

Tuy dập tắt được loạn An Sử, nhưng nhà Đường đã mất hết khí thế ở Trung Á, và từ đó trở đi không còn mở rộng được bờ cõi phía tây ra quá Tân Cương được nữa.

Có thể nói, dù bản chất trận Talas không nói lên nhiều điều, nhưng trận đánh này vẫn là một mảnh ghép quan trọng trong lịch sử Trung Á, và cho chúng ta hiểu được một bài học đáng nhớ rằng trong chiến tranh cũng như với mỗi triều đại, thời điểm là yếu tố quyết định mọi vấn đề.

Rõ ràng, Trung Quốc, khi đó là nhà Đường, đã "không hợp thời" với mảnh đất Trung Á.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại