Ngày 7/10, trong báo cáo trình Quốc hội dành cho kiểm toán thường niên của các cơ quan nhà nước, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết với mục tiêu thống nhất đất nước vào năm 2015, Triều Tiên đã tăng tốc cho cuộc chiến tranh tổng lực bằng cách thực hiện huấn luyện chiến thuật và tăng cường khả năng tấn công của mình.
Báo cáo viết: "Sau khi tuyên bố 2015 là năm hoàn thành việc thống nhất đất nước, Triều Tiên đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tổng lực... Với mục tiêu đó, miền Bắc đã tăng gấp đôi số quân nhân tham gia các khóa huấn luyện mùa Hè của họ so với những năm trước. Bình Nhưỡng cũng tăng cường các khả năng tấn công của mình một cách thích hợp".
Triều Tiên cũng bổ sung thêm 300 hệ thống tên lửa phóng loạt trong hai năm qua, nâng tổng số tên lửa phóng loạt lên tới khoảng 5.100 hệ thống. Theo báo cáo trên, các tên lửa cỡ đường kính 240 mm có thể bay xa khoảng 60 km và bắn tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Những tên lửa cỡ đường kính 300mm có tầm bắn 200 km sẽ uy hiếp Bộ chỉ huy liên quân ở miền Trung Hàn Quốc.
Chỉ riêng trong năm nay, Bình Nhưỡng đã 19 lần bắn tên lửa, và lần gần đây nhất vào đầu tháng 9 vừa qua, với tổng cộng 111 quả đạn.
Cùng ngày, tàu hải quân Triều Tiên và Hàn Quốc lại đấu pháo gần khu vực tranh chấp giữa hai nước trên biển Hoàng Hải.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, vụ đụng độ diễn ra sáng 7/10 gần đảo tiền tiêu Yeonpyeong của Hàn Quốc.
Seoul cáo buộc tàu Triều Tiên đã đi vào vùng biển Hàn Quốc khoảng nửa hải lý và nổ súng trước.
"Tàu chúng tôi đã bắn trả khi tàu Triều Tiên nổ súng trước. Không có bất cứ thiệt hại gì cho phía Hàn Quốc," người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay.
Trước, đó, trong một diễn biến khác, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) tại Triều Tiên Belay Derza Gaga ngày 4/10 cho biết nước này có thể tự túc được lương thực cho người dân của mình trong 3-4 năm tới.
Hàng loạt vụ việc trên diễn ra trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã vắng mặt bí ẩn hơn 1 tháng qua và Bình Nhưỡng liên tục hối thúc Seoul triển khai các cam kết hòa giải đạt được vào năm 2000 và năm 2007, với nội dung chính là hai miền Triều Tiên cần “độc lập giải quyết mọi vấn đề liên quan đến việc thống nhất đất nước, không có sự can thiệp từ bên ngoài”.
Trước đó vài ngày, Hàn-Triều đã nhất trí nối lại đàm phán cấp cao, nhân chuyến viếng thăm bất ngờ của Phó Chủ tịch Quân ủy Triều Tiên Hwang Pyong So với Hàn Quốc.
Ông Hwang, được xem là nhân vật số 2 của Triều Tiên đã cùng hai quan chức cấp cao khác đã tới Incheon, Hàn Quốc hôm 4/10 tham dự lễ bế mạc Đại hội thể thao châu Á lần thứ 17 (ASIAD 17).
Sự sốt sắng có vẻ bất thường của Triều Tiên làm dấy lên nhiều đồn đoán về toan tính của Bình Nhưỡng.
Theo phân tích của giới chuyên gia Mỹ, Triều Tiên có thể đang dùng chiến thuật ngoại giao nhằm phân nhỏ và dàn trải áp lực quốc tế đối với chương trình vũ khí hạt nhân, vấn đề nhân quyền cũng như phục vụ tuyên truyền trong nước.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng có thể Triều Tiên đang cố tình gây căng thẳng để mặc cả với Hàn Quốc trên bàn đàm phán. Ngay cả sự vắng mặt bí ẩn của ông Kim Jong-un cũng có thể phục vụ cho những mục đích này. Ngoài ra, nước này cũng muốn thử phản ứng của Seoul. Nếu Hàn Quốc phản ứng yếu ớt, lập tức Bình Nhưỡng sẽ có cách để giành lợi thế trước nước này.