Ngày 23/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới Nhật Bản, bắt đầu cho chuyến thăm bốn nước châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines trong vòng 6 ngày, nhằm làm nổi bật vai trò của Mỹ ở châu Á, đồng thời khẳng định chiến lược tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đã công bố 3 năm trước.
Hãng tin ABC News và báo Washington Post ngày 24/4 chỉ ra 5 yếu tố cần được theo dõi trong chuyến công du bốn quốc gia châu Á, từ ngày 23-28/4 của Tổng thống Mỹ Obama như sau:
Thứ nhất, liên quan đến Trung Quốc: Việc Trung Quốc không được chọn làm điểm dừng chân trong chuyến công du châu Á lần này của ông Obama khiến giới phân tích cho rằng Tổng thống Obama muốn tăng cường quan hệ với các nước đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc, nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự.
Trong thời gian qua, việc Mỹ chuyển sự quan tâm nhiều vào Syria, Trung Đông và Ukraine hơn khu vực Đông Á đã khiến cho Trung Quốc tích cực tăng cường sức mạnh quân sự và đẩy mạnh các hoạt động tuyên bố chủ quyền tại các khu vực đang diễn ra tranh chấp với các quốc gia láng giềng trên biển. Bốn quốc gia mà Tổng thống Obama viếng thăm lần này đều muốn biết chắc rằng việc tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ liệu có giúp họ chống lại được sức mạnh của Trung Quốc hay không?
Trong khi đó, chính Mỹ lại không muốn Trung Quốc quá quan ngại về chuyến thăm châu Á của ông Obama. dù vậy, nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đều thừa nhận rằng chuyến thăm châu Á lần này của ông Obama liên quan nhiều đến Trung Quốc.
Thứ hai, liên quan đến Triều Tiên: Hôm 23/4 Hàn Quốc có báo cáo cho biết Triều Tiên có thể đang lên kế hoạch cho một vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân mới và hiện quân đội Hàn Quốc đã sẵn sàng đối phó với khả năng này. Còn chính phủ Mỹ cũng đang theo dõi tình hình Triều Tiên một cách sát sao, bởi đây là nội dung quan trọng trong cuộc thảo luận giữa Tổng thống Obama với người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-Hye trong chuyến thăm.
Tổng thống Mỹ hội kiến Nhật hoàng và Hoàng hậu
Thứ ba, yếu tố kinh tế: Những năm gần đây, Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Trung Quốc không tham gia. Mỹ hi vọng rằng các thỏa thuận trong TPP sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ đạt khoảng 120 tỉ USD mỗi năm, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu ô tô của Mỹ vào thị trường châu Á đang phát triển. Dự kiến, Tổng thống Obama sẽ đưa vấn đề TPP ra thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Malaysia - hai trong số 12 nước thành viên đã tham gia các vòng đàm phán TPP.
Thứ 4, yếu tố quân sự: Tổng thống Obama dự kiến sẽ có các cuộc gặp và nói chuyện với gần 70.000 lính Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản và Hàn Quốc, để nhấn mạnh vai trò quan trọng của quân đội Mỹ ở Đông Á. Còn tại Philippines, ông Obama dự kiến sẽ thảo luận về thỏa thuận cho phép tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ luân phiên hiện diện nhiều hơn tại Philippines, kể cả tại căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic – những nơi mà Mỹ không được phép sử dụng kể từ năm 1991.
Còn tại tại Malaysia – quốc gia không phải là đồng minh quân sự của Mỹ, dự kiến Tổng thống Obama sẽ thảo luận về vấn đề tăng cường hợp tác quân sự để tìm kiếm tung tích chiếc máy bay MH370 đang bị mất tích một cách bí ẩn từ hôm 8/3 đến nay. Chuyến thăm Malaysia lần này của ông Obama là chuyến thăm chính thức đầu tiên trong gần 50 năm qua của một vị tổng thống Mỹ.
Thứ 5, yếu tố hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai: Do bốn quốc gia ông Obama ghé thăm đều thường xuyên phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra trong những năm qua, do vậy Tổng thống Obama sẽ nhấn mạnh đến vấn đề hỗ trợ nhân đạo, bởi Mỹ thường xuyên tham gia vào các hoạt động này khi có sự kiện xảy ra.