Vì sao Mỹ, Nhật vẫn viện trợ cho Trung Quốc?

Và câu hỏi được đặt ra ở đây là đến mức độ nào thì sự phát triển kinh tế và chính trị ở Trung Quốc sẽ khiến viện trợ của Mỹ cho Trung Quốc cũng biến mất?

Năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những năm gần đây, kinh tế nước này luôn tăng với tốc độ xấp xỉ gấp 4 lần so với Nhật Bản và Mỹ; một báo cáo tháng 3/2013 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo Trung Quốc sẽ soán ngôi nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ vào năm 2016, nếu tính theo ngang giá sức mua. Trung Quốc có lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới - tính đến hết quý I/2013 đạt khoảng 3,4 nghìn tỷ USD.

Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh hồi đầu tháng 6 diễn ra trong một tư thế khá cân bằng. Và tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế, hội nghị thường niên giữa các quan chức cấp 2 nước, mà năm nay diễn ra vào ngày 10-11/7 tại Washington D.C., cán cân thậm chí đang nghiêng về phía Trung Quốc nhiều hơn: nước này đã cử 2 quan chức cấp thấp hơn tới trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew.

Rất nhiều các câu chuyện, thực tiễn, và con số đều cho thấy của cải và sức ảnh hưởng toàn cầu đang dịch chuyển từ thế giới phương Tây và Nhật Bản sang Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển khác. Tuy nhiên, điều mà hầu hết mọi người thường bỏ qua là tại sao Mỹ và Nhật Bản - hai đối tác thương mại lớn nhất, và là đối thủ địa chính trị đáng kể nhất của Trung Quốc - vẫn cung cấp cho Trung Quốc hàng chục triệu USD viện trợ và hỗ trợ mỗi năm.

Vì sao Mỹ, Nhật vẫn viện trợ cho Trung Quốc?
 

Theo báo cáo tháng 5 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, nước này đã cấp 28,3 triệu USD viện trợ nước ngoài và các chương trình tài trợ khác cho Trung Quốc thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Ngoại giao. Cơ quan này dự tính con số trên sẽ giảm nhẹ xuống còn 25,5 triệu USD trong năm 2013. Khoảng một nửa số tiền tài trợ Mỹ được quản lý thông qua USAID, với trọng tâm là 4 lĩnh vực chính tại Trung Quốc: bảo vệ môi trường, thượng tôn pháp luật, HIV/AIDS, và phát triển bền vững cho Tây Tạng.

"Tôi tin rằng viện trợ nước ngoài của chúng tôi dành cho Trung Quốc sẽ củng cố hơn nữa lợi ích của Mỹ", Thượng nghị sĩ Ben Cardin, chủ tịch Tiểu ban nghiên cứu Đông Á và Thái Bình Dương của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa kỳ, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Một quan chức USAID đề nghị giấu tên thì đưa ra cách giải thích chi tiết hơn: "Chúng tôi đang sử dụng một số viện trợ nhất định để tiến hành hợp tác công nghệ trong một số lĩnh vực quan trọng, ở phạm vi hẹp và giới hạn". Ông lưu ý, đó là khoản viện trợ "đã được chỉ đạo", và những chương trình này không hề gây tranh cãi.

Nhưng vấn đề viện trợ chắc chắn đang gây tranh cãi trong trường hợp Nhật Bản khi mối quan hệ của họ đang vô cùng bấp bênh. Ngày 9/7, Nhật Bản ra sách trắng quốc phòng thường niên, trong đó cảnh bảo Trung Quốc đang tham gia những "hành động nguy hiểm" xung quanh nhóm đảo Senkaku, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền nhưng đang do Nhật Bản quản lý. Bất chấp những căng thẳng đang diễn ra, Tokyo vẫn đang dành cho Trung Quốc "khoản tiền khổng lồ", theo như cách nói của Kae Yanagisawa, tổng giám đốc Phòng Đông Á, Trung Á và Caucasus của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản. OECD ước tính, năm 2011, năm gần nhất có dữ liệu công bố, Nhật Bản chi gần 800 triệu USD viện trợ phát triển cho Trung Quốc. Năm 2000, viện trợ kinh tế của Nhật Bản cho Trung Quốc đạt đỉnh ở mức 1,98 tỷ USD, theo công bố từ một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo Online của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhật Bản là nhà cung cấp viện trợ lớn cho Trung Quốc một phần vì trách nhiệm phận sự sau cuộc xâm lược Trung Quốc thời Thế Chiến thứ hai. Nhưng một số người dân Nhật Bản hiện lo ngại rằng đất nước họ đang viện trợ tiền để tiếp tay cho kẻ thù "làm bậy". "Nó rất gây tranh cãi. Nhiều quốc gia đã ngừng cung cấp viện trợ từ lâu rồi", nhưng Nhật Bản "không thể quay lưng hoàn toàn khỏi Trung Quốc", bà Kae nói, và bổ sung thêm, chính phủ Nhật đang cố gắng hướng "các khoản viện trợ vào lĩnh vực mang lại lợi ích trực tiếp cho Nhật Bản", như ô nhiễm không khí. (Một bài viết trên tờ báo Nhật Bản Asahi Shimbum, đưa tin, các chất gây ô nhiễm từ Trung Quốc có thể bay tới tận phía tây nam Nhật Bản).

Viện trợ nước ngoài cũng là vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc. Trong trận động đất hồi tháng 4 này tại Tứ Xuyên, Bắc Kinh đã từ chối nhận hỗ trợ từ Tokyo cho dù trước đó, Nhật Bản từng chấp nhận nhóm cứu hộ 15 thành viên mà Trung Quốc cử tới giúp tìm kiếm nạn nhân sống sót sau trận sóng thần hồi tháng 3/2011 tại Nhật Bản. Điều khiến cho mối quan hệ viện trợ thêm khó hiểu là việc Bắc Kinh hiện cũng chính là nhà cung cấp viện trợ lớn cho nước ngoài, với hàng tỷ USD viện trợ và cho vay ưu đãi cho các quốc gia châu Phi và châu Á. Tác giả đã đặt ra câu hỏi với Kae là liệu Trung Quốc có cấp viện trợ ngược lại cho Nhật Bản. Bà khẳng định "Chắc chắn là không rồi". (USAID cho biết họ không được phép bình luận về việc Mỹ có chào đón viện trợ từ Bắc Kinh hay liệu Trung Quốc có đang cung cấp viện trợ cho Mỹ).

Viện trợ của Mỹ cấp cho Trung Quốc trở thành vấn đề bàn cãi tại Washington vào năm 2011. Năm 2010, năm Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, viện trợ của Mỹ dành cho Trung Quốc đạt cao nhất trong vòng 15 năm, ở mức 47 triệu USD. Tháng 8/2011, một tổ chức lưỡng đảng của các thượng nghị sĩ Mỹ đã viết một lá thư yêu cầu chấm dứt viện trợ phát triển cho Trung Quốc với lý do rằng "Trung Quốc chắc chắn đã có đủ nguồn lực tài chính để chăm lo cho người dân mình mà không cần phải dựa vào viện trợ từ Mỹ nữa".

Trong một phiên chất vấn hồi tháng 11/2011 trước Tiểu ban Hạ viện về Các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương có tên "Nuôi rồng: Đánh giá lại viện trợ phát triển của Mỹ dành cho Trung Quốc", tập trung vào khoản tiền 3,95 triệu USD mà USAID sử dụng để "đưa Trung Quốc tham gia vào như một đối tác trong việc giải quyết biến đổi khí hậu", và về vấn đề tại sao Mỹ lại vay "tiền của Trung Quốc để rồi đưa trở lại Trung Quốc để giúp họ khắc phục những vấn đề trong nước của chính họ".

Tại phiên điều trần, nghị sĩ Steve Chabot liên tục chất vấn Nisha Desai Biswal, phó trưởng ban quản lý USAID châu Á, và ông lưu ý rằng "thật khó có thể giải thích thuyết phục với người dân Mỹ" tại sao "Trung Quốc không thể sử dụng tiền bạc của chính họ" để tài trợ phát triển cho mình. Kể từ khi đó, Quốc hội Mỹ đã giảm hoặc rút lại viện trợ trong một số lĩnh vực, như các chương trình môi trường. "Sự cần thiết đối với việc can dự của Mỹ đã không còn mạnh mẽ như trước đây nữa", ông Cardin nói.

Quan chức USAID này, giống như nhiều người được phỏng vấn cho bài viết, nhấn mạnh rằng, tiền không rơi vào túi chính phủ Trung Quốc, mà tới người dân Trung Quốc. Mỹ chi 7,5 triệu USD, tương đương khoảng 25% ngân sách chi hỗ trợ hàng năm của Trung Quốc, để giúp Tây Tạng phát triển kinh doanh và bảo tồn văn hóa. Viện trợ cho Tây Tạng "được thành lập để giúp hàn gắn một số rạn nứt trong xã hội Tây Tạng", ông Todd Stein, giám đốc quan hệ chính phủ tại Tổ chức Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng ICT, một cơ quan vận động có trụ sở tại Washington D.C., nói.

Các chương trình viện trợ để hỗ trợ cho Tây Tạng, một dân tộc thiểu số ở Trung Quốc không hề mang tính nhạy cảm như người Trung Quốc nghĩ. Các chương trình Tây Tạng không mang "định hướng chính trị", quan chức USAID giải thích, nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc đã công nhận khoản viện trợ đó và "cho phép tiếp tục". Đó là vì chương trình không tham gia vào các lĩnh vực nhạy cảm như dân chủ và pháp luật, một nhà phân tích chính trị chuyên về các vấn đề Trung Quốc và Tây Tạng, chia sẻ.

Trong số 14 triệu USD viện trợ không thuộc quản lý của USAID, 3 triệu dành cho Tổ chức từ thiện Peace Corps, với 146 tình nguyện viên, mặc dù họ không được phép hoạt động ở Tây Tạng. Còn 11 triệu USD còn lại do Bộ Ngoại giao Mỹ quản lý, dùng vào các chương trình thúc đẩy nhân quyền, dân chủ và thượng tôn pháp luật" và gần như toàn bộ được dành cho các tổ chức phi chính phủ và trường đại học có trụ sở tại Mỹ có chương trình hoạt động tại Trung Quốc "dù các tổ chức phi chính phủ, trường đại học và một số cơ quan chính phủ Trung Quốc, cùng tham gia, được hược lợi và cùng phối hợp", theo Báo cáo tháng 5 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ. Điều đó cho thấy rằng việc "thúc đẩy dân chủ, pháp trị của Mỹ tại Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn biến mất như một vấn đề chính trị", Dan Blumenthal, giám đốc trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận xét.

Và câu hỏi được đặt ra ở đây là đến mức độ nào thì sự phát triển kinh tế và chính trị ở Trung Quốc sẽ khiến viện trợ của Mỹ cho Trung Quốc cũng biến mất?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại