Vì sao kế hoạch quân sự lớn nhất đời của Khổng Minh thất bại?

Hải Võ |

Khổng Minh là một trong những nhà quân sự tài ba thời Tam Quốc, nhưng 6 lần Bắc phạt - "lục xuất Kỳ Sơn" của ông đều bất thành. Đã có nhiều tranh luận về nguyên nhân thất bại này.

Ai mới là Thục Hán đệ nhất quân sư, tài vượt Khổng Minh?

Tam Quốc mưu thần: Quách Gia tài cao vượt Gia Cát Lượng?

Vì sao Gia Cát Lượng chỉ chọn Lưu Bị mà không phải Tào Tháo?

Gia Cát Lượng là nhà chính trị - quân sự tài ba thời Tam Quốc. Một trong những điều làm nên danh tiếng của ông là "lục xuất Kỳ Sơn" - 6 chiến dịch Bắc phạt đối đầu Tào Ngụy.

Tuy nhiên, cả 6 lần xuất sư của Khổng Minh đều kết thúc mà không mang lại bất cứ kết quả nào.

Các nhà nghiên cứu nói rằng, tại Trung Quốc tự cổ đã tồn tại quy luật vô hình "Nam chinh dễ, Bắc phạt khó".

Cho đến nay, mới chỉ có 2 trường hợp Bắc phạt thành công trong lịch sử nước này: một là cuộc Bắc phạt đánh Mông Nguyên của Chu Nguyên Chương, hai là cuộc Bắc phạt của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc.

Tiểu thuyết "Tam Quốc Diễn Nghĩa" của La Quán Trung là tác phẩm tôn vinh hình tượng "Hán thất chính thống" của Lưu Bị và triều Thục Hán, vì vậy nguyên nhân 6 lần thất bại của Khổng Minh cũng được mô tả "muôn màu muôn vẻ".

Lần đầu do Mã Tắc sai lầm để mất Nhai Đình; lần hai do quân lương thiếu hụt; lần thứ ba do Trương Bào hy sinh khiến Khổng Minh đổ bệnh.

Thất bại lần thứ tư do Lưu Thiện trúng kế phản gián của Ngụy, ra lệnh thu binh; lần thứ năm do Lý Nghiêm mắc lỗi khi vận chuyển lương thảo.

Lần thứ 6, Khổng Minh bệnh mất ở gò Ngũ Trượng, Dương Nghi dẫn đại quân rút về Tây Xuyên.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra, ở cả 6 lần phạt Ngụy, Thục Hán thực tế chỉ vấp phải khó khăn trên 2 phương diện chính.

Thứ nhất là vấn đề vận tải quân nhu. Đất Thục có địa thế hiểm trở, gây nên điểm yếu chí mạng của quân đội Thục Hán là không thể đánh trận trường kỳ.

Trong các chiến dịch Bắc phạt, quân Thục thường dễ bị đối thủ chặn đường tiếp tế lương thảo. Diễn biến giai đoạn sau của mỗi cuộc chiến Thục - Ngụy chủ yếu đều biến thành... chiến tranh cướp bóc lương thảo.

Khó khăn thứ hai đi liền với vấn đề đầu tiên, đó là bên cạnh khó khăn nội tại của Thục Hán, nước Ngụy thường "bám trụ" nguyên tắc "kiên quyết cố thủ không ra đánh".

Thời kỳ ban đầu, quân Ngụy còn có một số đợt tấn công chủ động và truy đuổi "mù quáng". Nhưng khi Tư Mã Ý quán triệt nguyên tắc nói trên, thì Thục quân gần như không còn cơ hội thực hiện sở trường đánh du kích, dẫn đến bế tắc.

Tư Mã Ý là đối thủ của Khổng Minh trong suốt nhiều năm Bắc phạt.

Tư Mã Ý kiên trì với nguyên tắc "thủ chặt" khiến Gia Cát Lượng không tìm ra đối sách?

Thực tế, Gia Cát Lượng đã giải quyết cơ bản vấn đề khó khăn trong quân nhu của Thục.

Ông phát minh ra "trâu gỗ, ngựa máy" - các phương tiện cải thiện đáng kể hiệu suất vận chuyển, giải tỏa vấn đề nguồn cung lương thảo ra tiền tuyến.

Bên cạnh đó, Khổng Minh cũng áp dụng chiến thuật cướp lương từ quân địch và đưa binh lính về làm ruộng.

Song, vấn đề cốt lõi là chiến lược "quyết không chiến" của Tào Ngụy được thực thi một cách nghiêm khắc, khiến cục diện chiến tranh Thục - Ngụy không thể phát sinh chuyển biến, cho đến ngày Gia Cát Lượng qua đời.

Sử gia Trần Thọ - tác giả "Tam Quốc Chí" quy kết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Bắc phạt bất thành xuất phát từ năng lực của Lượng.

Trần Thọ nhận định, "an bang trị quốc" là sở trường của Khổng Minh, nhưng ông không xuất chúng trong lĩnh vực cầm quân đánh trận.

Giai đoạn trước khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng phụ trách toàn bộ lĩnh vực nội chính như phát triển kinh tế, hậu cần... trong khi các "chuyên gia" quân sự phải kể đến Pháp Chính hay Bàng Thống, Mã Lương.

Trần Thọ chỉ ra, Khổng Minh ôm tham vọng thống nhất thiên hạ ngay trong thời đại của mình, cho nên liên tục động binh, khiến quân đội Thục Hán thường trong tình trạng "quá tải" vì bị điều động liên tiếp.

Vậy, năng lực quân sự thực tế của Khổng Minh ra sao?

Năng lực của Khổng Minh

Những năm cuối thời Đông Hán là thời kỳ chiến loạn của các thế lực quân phiệt. Chính vì vậy, đối tượng được gọi là "nhân tài" vào thời điểm này, trên thực tế có ý nghĩa là "nhân tài quân sự".

"Nhân tài" được hiểu là chia làm 2 dạng, tướng đánh trận và quân sư tham mưu, nhưng đều được nhận định là "có giá trị tương đương".

Gia Cát Lượng chính là "nhân tài tham mưu".

Năng lực của Gia Cát Lượng là thực tế, và ông cũng xứng với danh xưng Ngọa Long.

Năng lực của Gia Cát Lượng là thực tế, và ông cũng xứng với danh xưng "Ngọa Long".

Thời kỳ đầu gặp Lưu Bị, Khổng Minh đã "vẽ" ra một viễn cảnh "xưng bá Trung Nguyên" vô cùng hoành tráng: Phía Đông liên kết với Tôn Quyền, Bắc kháng Tào Tháo, Tây chiếm Kinh Ích (Châu).

Cũng chính Lượng là người theo đuổi "bản quy hoạch" này trong suốt nhiều năm.

Do đó, có thể xác định, Khổng Minh "tinh thông quân sự".

Không thể phủ nhận, trong quá trình thực hiện quy hoạch vĩ mô, mà cụ thể là "Long Trung đối sách" - theo đuổi cục diện "tam phân thiên hạ", Gia Cát Lượng đã giành được sự công nhận của Lưu Bị và được Bị phong làm "Quân sư tướng quân".

Các học giả đương đại nhận định, tài năng quân sự của Khổng Minh "về cơ bản" phù hợp với mô tả trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa".

Mặc dù Bắc phạt không thành công, song Lượng cũng nhiều phen khiến Tư Mã Ý "sứt đầu mẻ trán". Sau cuộc lui binh ở gò Ngũ Trượng (Khổng Minh đã mất), Tư Mã Ý cũng phải tán thưởng Lượng là "thiên hạ kỳ tài".

Lý giải nguyên nhân thất bại của Gia Cát Lượng

Trong 3 nước Ngụy - Thục - Ngô, Tào Ngụy là nước chiếm cứ Trung Nguyên, sở hữu ưu thế vượt trội về chính trị (với danh nghĩa "chính thống" của Hán triều), văn hóa, nhân khẩu.

Thực lực tổng thể của Ngụy vượt trội so với Thục là vấn đề hoàn toàn khách quan. Mặc dù vậy, vẫn có những nguyên nhân cụ thể được nêu ra để lý giải cho thất bại của "lục xuất Kỳ Sơn":

Thứ nhất, cơ hội hoàn hảo nhất để Bắc phạt đã trôi qua.

Cuối thời Đông Hán, Hán thất đã vô cùng suy yếu, quân phiệt nổi lên khắp nơi. Nhờ ảnh hưởng của tư tưởng trung hiếu Nho gia được đẩy mạnh từ thời Hán Vũ Đế mà gia tộc họ Lưu còn giữ được vị thế trong xã hội, tránh được nguy cơ bị tàn sát.

Ngay cả Tào Tháo "văn võ toàn tài" cũng nghiêm ngặt tuân thủ nguyên tắc "phò tá Thiên tử hiệu lệnh chư hầu", đến khi chết cũng vẫn chỉ là "Thừa tướng Đại Hán".

Tuy nhiên, trong nhiều năm, Tào Ngụy đã liên tục thực hiện công tác tuyên truyền. Trong lãnh thổ của Ngụy, đại bộ phận người dân đã công nhận "tính hợp pháp" của chính quyền gia tộc họ Tào.

Vì vậy, giai đoạn Thục Hán Bắc phạt, khẩu hiệu "hưng phục Hán thất" thực chất đã không còn mang nhiều giá trị thực tiễn để huy động sự hưởng ứng trong dân nữa.

Đấu tranh chính trị trong nội bộ Thục Hán, đặc biệt là quan hệ Lưu Thiện - Khổng Minh dẫn đến thất bại của lục xuất Kỳ Sơn?

Đấu tranh chính trị trong nội bộ Thục Hán, đặc biệt là quan hệ Lưu Thiện - Khổng Minh dẫn đến thất bại của "lục xuất Kỳ Sơn"?

Thứ hai, hậu chủ Lưu Thiện có thái độ tiêu cực đối với Bắc phạt.

Thực ra, cho dù là Nam chinh hay Bắc phạt, vị hoàng đế kém tài Lưu Thiện cũng đều không mặn mà.

Khi Gia Cát Lượng Nam chinh, hậu chủ nói - "Đông có Tôn Quyền, Bắc có Tào Phi.

Nay tướng phụ bỏ Trẫm mà đi, Ngô Ngụy đánh tới, Trẫm biết làm sao?"

Khổng Minh Bắc phạt, Lưu Thiện cũng bàn lùi - "Tướng phụ Nam chinh xa xôi cách trở, vừa hồi kinh chưa được bao lâu, lại muốn Bắc phạt, e là hao tâm tổn sức".

Một số học giả hiện đại cho rằng, thực tế, Gia Cát Lượng nắm hết binh quyền, chẳng khác nào "ông vua không ngai" của Thục Hán.

Có lẽ đây là nguyên nhân khiến Lưu Thiện e sợ mà thôi.

Gia Cát Lượng... không muốn thành công?

Có "thuyết âm mưu" cho rằng Khổng Minh xuất phát từ tâm lý bảo vệ bản thân, nên lợi dụng Bắc phạt là cách để "tránh họa".

Khi Lưu Bị còn sống từng hỏi ý Lượng về việc lập người kế vị, Lượng khôn ngoan đáp - "Đây là việc nhà, hỏi Quan Trương là được".

Đây là cách để Khổng Minh giữ vị thế trung lập, tránh khỏi tranh chấp chính trị nội bộ lúc bấy giờ. Song, câu nói "nước đôi" của Lượng cũng đồng nghĩa với "không ủng hộ Lưu Thiện", điểm này Lưu Thiện và Lượng đều ngầm hiểu.

Vì vậy, biện pháp an toàn nhất của Lượng là nắm trọng binh trong tay, tất nhiên với tiền đề là Khổng Minh "không muốn đoạt ngôi Thục Hán".

Nhưng, việc Lượng liên tục 6 lần phát binh đánh Ngụy, đặc biệt cả 6 lần đều nhằm vào Kỳ Sơn, đi ngược lại nguyên tắc dụng binh, được cho là điểm bất thường.

Việc Quan Vũ để mất Kinh Châu hiển nhiên đã khiến Thục mất bàn đạp phạt Ngụy ở phía Đông, song vẫn còn Phòng Lăng, Thượng Dung có thể làm mũi nhọn đe dọa Tào Ngụy. Nhưng Khổng Minh không làm như vậy.

Thậm chí, Ngụy Diên từng nhiều lần đề ra phương án đánh ra theo đường núi Tuần Tần, Tử Ngưu Cốc, nhưng đều bị Lượng gạt đi với lý do "mạo hiểm".

Có ý kiến cho rằng, chiến dịch Bắc phạt của Khổng Minh thất bại là sự hy sinh bắt buộc của ông.

Có ý kiến cho rằng, chiến dịch Bắc phạt của Khổng Minh thất bại là sự hy sinh "bắt buộc" của ông.

Phải chăng, Gia Cát Lượng đã nhận định rằng, trước cục diện chính trị "quân thần nghi kỵ lẫn nhau" của Thục Hán, nếu thực sự Lượng đoạt được Trung Nguyên thì quan hệ của ông với Lưu gia rất có thể sẽ đi đến bờ vực.

"Điểu tận cung tàng" (hết chim thì cung bị cất đi) là đạo lý mà Khổng Minh hiểu rõ. Cho nên, ông thà "mèo vờn chuột" với Tư Mã Ý ở dọc vùng núi Thiểm Tây - Cam Túc, chứ không triển khai các mũi tấn công toàn diện khác.

Dựa trên "thuyết âm mưu" này, 6 chiến dịch Bắc phạt của Khổng Minh vừa là cách ông "tận trung" với Thục Hán, đồng thời duy trì cục diện cân bằng trong nội bộ triều đình cho đến cuối đời.

Trần Thọ đánh giá Lưu Thiện "nhu nhược", còn Khổng Minh "vô năng". Nhưng có lẽ, trên bàn cờ chính trị "nhạy cảm" của Thục Hán, cách làm của Gia Cát Lượng chính là hướng đi "tốt cho cả hai".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại