Các nhà xuất bản Trung Quốc đã từ chối phát hành cuốn hồi ký mới của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton “Sự lựa chọn khó khăn”. Cuốn sách được đánh giá là một trong những bước thăm dò đầu tiên cho kế hoạch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 của bà Clinton.
Theo thông tin do nhà xuất bản cuốn hồi ký của Hillary Clinton tại Mỹ cung cấp cho báo chí thì cuốn sách với nội dung chủ yếu kể về giai đoạn bà Clinton nắm giữ vị trí Ngoại trưởng Mỹ sẽ không được bán tại Trung Quốc đại lục.
Nhà xuất bản Simon & Schuster cho biết họ không thể đảm bảo việc chuyển giao bản quyền chuyển ngữ cho các nhà sách Trung Quốc, và một trong những đầu mối nhập khẩu sách lớn nhất của nước này là Shanghai Book Traders đã từ chối phân phối bản sách bằng tiếng Anh.
Theo Jonathan Karp, chủ tịch Simon & Schuster, phản ứng của Trung Quốc đồng nghĩa với một “lệnh cấm trên thực tế” đối với cuốn hồi ký của bà Hillary Clinton.
Không khó để lý giải nguyên nhân dẫn đến việc cấm đoán này. Cuốn sách của cựu đệ nhất phu nhân, cựu thượng nghị sĩ và Ngoại trưởng Mỹ rất thận trọng khi đề cập đến các vấn đề nội bộ của nước Mỹ, song lại tiết lộ khá nhiều câu chuyện được coi là nhạy cảm đối với Trung Quốc. Nhiều thông tin cuốn sách đưa ra bị phía Trung Quốc coi là sự chỉ trích đối với họ.
Tạp chí Time đã liệt kê 7 lý do khiến hồi ký “Sự lựa chọn khó khăn” trở thành cái gai trong mắt người Trung Quốc. Trong đó có thể kể đến một số đoạn khiến Bắc Kinh “giận sôi”.
Ví dụ như ở trang 56, bà Hillary Clinton đã chỉ trích gay gắt việc Trung Quốc ngăn cản Liên Hợp Quốc ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì đánh đắm một tàu hải quân Hàn Quốc. Bà Clinton cho rằng Trung Quốc đã hành xử cực kỳ mâu thuẫn. Một mặt, họ luôn tự nhận là đề cao sự ổn định hơn hết thảy. Nhưng mặt khác, họ lại gây bất ổn khi ngầm dung túng cho một hành vi khiêu khích trắng trợn.
Hay ở trang 64, bà Clinton đã mô tả lại việc bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc đã làm việc cật lực để xóa mọi thông tin trên internet liên quan đến một số phát biểu của bà.
Những đoạn mô tả về các cựu lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể là nguyên nhân khiến cuốn sách này bị Bắc Kinh tẩy chay. Trong hồi ký, bà Clinton đã kể khá nhiều về những cuộc đối đầu giữa bà với ông Giang Trạch Dân về vấn đề Tây Tạng.
Không những thế, cựu Ngoại trưởng Mỹ còn tỏ ý nghi ngờ quyền lực thực sự của ông Hồ Cẩm Đào. Bà Clinton nhận xét rằng quyền lực cá nhân của ông Hồ Cẩm Đào không bằng những người tiền nhiệm như Đặng Tiểu Bình hay Giang Trạch Dân. Bà còn mô tả ông Hồ Cẩm Đào như một lãnh đạo “xa cách”, “mô phạm”, dễ đoán định.