Vì sao các đại sứ quán Mỹ thường... xấu xí?

"Chúng ta đang xây dựng những sứ quán xấu xí nhất mà tôi từng thấy… Chúng ta đang xây dựng những pháo đài vòng quanh thế giới" - John Kerry.

Cân bằng yếu tố thẩm mỹ và nguyên tắc an ninh khi thiết kế các tòa đại sứ quán là bài toán khó giải khi chính các tòa nhà này có vai trò không nhỏ trong việc thể hiện hình ảnh và giá trị nước Mỹ.

Từ bất ổn ở Cairo

Tọa lạc ở vị trí trung tâm Cairo (Ai Cập), nằm trong khu vực sang trọng Garden City, không xa sông Nile và rất gần quảng trường Tahrir, tòa đại sứ Mỹ cao 10 tầng là biểu tượng về sự hiện diện của Mỹ ở đất nước Bắc Phi này.

Đại sứ quán Mỹ ở Cairo

Đại sứ quán Mỹ ở Cairo

Tuy nhiên, vị trí "vàng" này cũng bao hàm cả mặt trái khi quần thể tòa nhà lại trở thành nơi dễ dàng tiếp cận đối với người biểu tình. Một ngày giữa tháng 9/2012, gần 3.000 người Ai Cập đã biểu tình trước cửa sứ quán. Những người quá khích đã trèo qua tường của Đại sứ quán và kéo đứt cờ Mỹ.

Một loạt cuộc tấn công các sứ quán Mỹ ở Trung Đông thời gian gần đây lại dấy lên tranh cãi về các quy chuẩn trong thiết kế sứ quán, làm thế nào để thể hiện được các giá trị Mỹ trong khi vẫn có khả năng chống chọi các vụ đánh bom.

Không nghi ngờ rằng quy mô và vị trí trung tâm của tòa nhà sứ quán Mỹ ở Cairo có ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Trước khi sứ quán được xây dựng vào năm 1981, Ann Crittenden viết trên tờ New York Times rằng tổ hợp sứ quán Mỹ "là một sự nhắc nhở nghiêm túc về sự hiện diện của Mỹ ở Ai Cập". Thiết kế của kiến trúc sư Houston được xem là một tượng đài biểu trưng cho việc Mỹ đã thay thế Liên Xô như là đồng minh của Ai Cập trong Chiến tranh Lạnh. Tòa nhà cũng đánh dấu bước ngoặt trong cách Mỹ xây các tòa sứ quán.

Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv, Israel

Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv, Israel

Sau vụ đánh bom liều chết nhằm vào sứ quán Mỹ ở thủ đô Beirut (Lebanon) giết chết 63 người năm 1983, tòa nhà này đang trong giai đoạn hoàn thành và Houston phải tăng cường các yếu tố an ninh mới, bao gồm một bức tường có khả năng chịu đựng tác động của chất nổ. Thay đổi này không ảnh hưởng đến kiến trúc tổng thể song sự xung đột thiết kế lớn nhất, theo Houston, là các nhân viên sứ quán muốn có hai sân tennis chứ không phải một!

Ưu tiên an ninh

Trong ba thập kỷ gần đây, những người phụ trách xây sứ quán của Mỹ gặp khó khi cân bằng hai trường phái tư tưởng: cô lập hay để dân chúng có thể dễ dàng tiếp cận. Nhưng hệ quả to lớn của vụ đánh bom ở Beirut khiến Bộ Ngoại giao Mỹ phải xem lại các nguyên tắc xây dựng sứ quán.

Một nhóm phụ trách vấn đề an ninh cho các cơ quan ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Bobby Ray Inman, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) được thành lập. Báo cáo của Inman năm 1985 đã chỉ ra lỗ hổng an ninh lớn nhất của sứ quán Mỹ tại Cairo: vị trí trung tâm nhưng quy mô nhỏ. Báo cáo khuyến cáo rằng các sứ quán Mỹ nên nằm trong quần thể rộng khoảng 10-15 mẫu. "Nằm ở những tuyến đường đẹp và nhộn nhịp nhất trước đây được xem như tài sản lớn, nhưng ngày nay đó còn là một bổn phận", báo cáo viết.

Cũng theo báo cáo, các sứ quán Mỹ phải nằm trong vòng tường an ninh cao ít nhất 2,7m, xây dựng cách xa đường ít nhất 30m và tỉ lệ tối đa giữa diện tích cửa sổ và tường là 15%. Do khó khăn về tài chính nên chỉ có 15 sứ quán của Mỹ ở nước ngoài được sửa chữa trong thập kỷ sau đó đáp ứng tiêu chuẩn của Báo cáo Inman.

Tường bảo vệ bên trong tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq

Tường bảo vệ bên trong tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq

Tuy vậy, các vụ đánh bom đồng loạt vào các sứ quán Mỹ ở Đông Phi năm 1998 khiến nỗi lo sợ khủng bố đã vượt ra ngoài các mối quan tâm khác. Năm 2002, OBO (Cơ quan phục vụ xây dựng hải ngoại) thông qua một bộ quy tắc mới gọi là Thiết kế đại sứ quán chuẩn (SED) trong việc xây dựng sứ quán Mỹ, đòi hỏi phải nằm gọn trong cùng một khu liên hợp kiên cố.

Kiến trúc sư Jane Loeffler, nhà nghiên cứu lịch sử sứ quán, miêu tả là đó một "quần thể bằng tường biệt lập". Điều nữa là không ai chắc rằng các tòa nhà này an toàn hơn. Bằng chứng là sứ quán Mỹ ở Tunisia được xây năm 2002, tọa lạc xa trung tâm thành phố nhưng cũng là vị trí của nhiều cuộc đối đầu bạo lực.

Sự trở lại của nguyên tắc thẩm mỹ?

Cuộc chiến xử lý giữa sự cân bằng giữa vấn đề an ninh và thẩm mỹ khi xây dựng các tòa sứ quán Mỹ dường như chưa kết thúc. Trong các năm 2009 và 2010, Hội Kiến trúc sư Mỹ (AIA) và OBO đưa ra các thiết kế tòa sứ quán Mỹ có tính thẩm mỹ và thân thiện với môi trường hơn.

Thực tế, trong thập kỷ qua, các tòa nhà ở Berlin, Bắc Kinh và New Dehli đã được đánh giá là những thiết kế hài hòa với môi trường, cảnh quan đô thị cũng như chuyển tải được các giá trị văn hóa của Mỹ. Thiết kế của tòa đại sứ mới ở London được chọn năm 2010 thông qua một cuộc thi nhờ đặc tính tiết kiệm năng lượng, hiện đại, an toàn và thân thiện.

Tuy vậy, không phải ai cũng vừa ý với thiết kế này. Với bài viết có tựa đề Sứ quán - Một pháo đài mới trên New York Times, nhà phê bình kiến trúc Nicolai Ouroussoff cho rằng: "Thật khó để có một dự án có thể phản ánh một cách hoàn hảo cuộc đấu tranh hiện thời của đất nước để duy trì hình ảnh dân chủ, mến khách trong khi phải đề phòng các đe dọa tấn công".

"Chúng ta đang xây dựng những sứ quán xấu xí nhất mà tôi từng thấy… Chúng ta đang xây dựng những pháo đài vòng quanh thế giới" (Thượng nghị sĩ John Kerry phát biểu năm 2009)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại