Vì đâu chuyện Mỹ -Trung gắn bó chỉ là hoang tưởng?

Phạm Khánh |

Theo Diplomat, "Chimerica", một thuật ngữ dùng chỉ sự gắn bó Mỹ - Trung, sẽ chỉ là hoang tưởng bởi hai nước đang ngày càng đối đầu và tách biệt.

Giáo sư về kinh tế chính trị quốc tế Francis Fukuyama thuộc Đại học Johns Hopkins nhận định, kinh tế Mỹ không hề suy giảm, nền tảng công nghiệp của nước Mỹ đang tiếp tục mở rộng, các công ty công nghệ cao của Mỹ cũng đang thống trị toàn cầu.

Thứ suy giảm chính là “Chimerica”. Thuật ngữ "Chimerica" là giấc mơ của các nhà trí thức tự do trên khắp thế giới.

Họ cho rằng, khi Washington và Bắc Kinh có mối quan hệ kinh tế tích cực, cùng nâng cao vị thế của họ tới vô cùng, cả hai xã hội cùng thịnh vượng, nhiều cơ hội sẽ mở ra.

Trong xã hội đó, mọi người sẽ thích hoạt động thương mại hơn là xâm lược, tiêu thụ hàng hóa hơn là sử dụng các khẩu pháo hay tàu chiến.

Họ hy vọng, "Chimerica" sẽ tạo ra sự thịnh vượng và hòa bình vĩnh viễn trên khắp thế giới.

Mối quan hệ Mỹ - Trung không thể tốt đẹp đến mức có thể đạt tới Chimerica.

Tuy nhiên, viễn cảnh tươi đẹp trên đang phải đối mặt với thách thức lớn khi theo nhiều nhà phân tích, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng hướng tới sự đối đầu và cả hai quốc gia này đều muốn cân bằng toàn diện từ kinh tế đến quân sự đến công nghệ và ngoại giao.

Với thực tế đó, "Chimerica" chỉ là một “bóng ma”, nằm trong ý tưởng của một số người bất chấp thực tế rằng mối quan hệ Trung – Mỹ không thể tốt đẹp đến mức có thể đạt tới "Chimerica". Điều đó được chứng minh bằng các “chỉ số” sau:

Sự phụ thuộc của các công ty Mỹ vào thị trường Trung Quốc

Dòng vốn theo lẽ tự nhiên sẽ chảy về nơi nào có lợi nhuận cao.

Khi Trung Quốc, dưới thời của ông Đặng Tiểu Bình, mở cửa thị trường cho các dòng vốn nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia Mỹ đã ồ ạt đầu tư vào quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Tuy nhiên, hiện tại, thị trường Trung Quốc tăng trưởng ổn định nhưng lợi nhuận của các công ty Mỹ đầu tư vào đây lại tụt giảm so với lợi nhuận đầu tư bên ngoài Trung Quốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong một cuộc họp.

Hàng năm tạp chí The Economist (Mỹ) luôn công bố chỉ số Sinodependency Index (tạm dịch là chỉ số tầm ảnh hưởng của Trung Quốc) dựa trên mã chứng khoán của các công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ có kinh doanh tại Trung Quốc và tỷ trọng doanh thu nhóm này tại Trung Quốc so với tổng doanh thu.

Theo chỉ số này, trong 3 năm, lợi nhuận đầu tư bên ngoài Trung Quốc luôn vượt xa so với lợi nhuận đầu tư ở Trung Quốc.

Mặc dù tình trạng này có thể không phải là một xu hướng lâu dài nhưng nó vẫn khiến các tập đoàn đa quốc gia lớn cân nhắc thay đổi trọng tâm khỏi thị trường Trung Quốc.

Quan trọng hơn, theo chỉ số Sinodependency, 3 công ty hàng đầu của Mỹ đang phụ thuộc nhiều nhất vào thị trường Trung Quốc đều là các công ty công nghệ cao (Apple, Intel, IBM).

Lợi nhuận của những gã khổng lồ Mỹ này tại Trung Quốc đang có nguy cơ bị xói mòn khi phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty Trung Quốc.

Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc còn ban hành nhiều chính sách hạn chế khả năng cạnh tranh của các công ty nước ngoài đối với các công ty địa phương.

Ví dụ, Bắc Kinh đã loại trừ Microsoft ra khỏi danh mục mua sắm công, đồng thời tung hàng tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ phát triển các hệ điều hành bản địa và nhiều công nghệ khác mà Mỹ đang chiếm lĩnh thị trường.

Trung Quốc đang dần mất điểm hấp dẫn chi phí nhân công rẻ.

Cách đây chỉ 5 năm, sinh viên kĩ thuật từ  Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh thường tìm việc làm tại các công ty công nghệ Mỹ ở Trung Quốc.

Nhưng giờ đây, đa phần đều muốn vào làm việc cho top 5 công ty công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc là Baidu, Alibaba, Netease, Huawei và Lenovo.

Chuỗi cung ứng và các thỏa thuận thương mại

Khi Trung Quốc đang tận hưởng thặng dư thương mại khổng lồ, nhu cầu về nhân công của các công ty Trung Quốc ngày càng tăng, dẫn đến chi phí lao động tăng.

Ở phía bên kia Thái Bình Dương, Mỹ đang phải đối phó với thâm hụt thương mại cao và nhu cầu lao động thấp, tiền lương thực tế có xu hướng chững lại hoặc thậm chí giảm theo thời gian.

Theo định luật về Sự Cân Bằng Yếu Tố Sản Xuất - Giá Cả (Price Factor Equalization), Trung Quốc và Mỹ sẽ dần có mức lương thực tế trung bình tương tự nhau.

Tình trạng này sẽ khiến các công ty Mỹ tìm kiếm các mạng lưới sản xuất mới ở những quốc gia phát triển chậm hơn ở châu Á như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.

Đây là một yếu tố quan trọng làm suy giảm “Chimerica”.

Ngoài ra, hệ thống các hiệp định thương mại khu vực ngày càng phức tạp do Mỹ và Trung Quốc đang thúc đẩy nhằm đối đầu nhau cũng sẽ làm méo mó các tín hiệu thị trường, và tiếp tục làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington.

Ngày càng có nhiều công ty của cả Mỹ và Trung Quốc trở thành nạn nhân của những rào cản pháp lý mới. Những tranh chấp thương mại, sự tương trợ lẫn nhau giảm và sự cạnh tranh vô nguyên tắc sẽ tiêu diệt “Chimerica”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại