Tuyên bố vô căn cứ về Trường Sa, ông Tập muốn "dắt trâu qua rào"

Hải Võ |

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường đánh giá những tuyên bố về quần đảo Trường Sa của ông Tập Cận Bình là cách Bắc Kinh "rào trước đón sau" về vấn đề biển Đông trên bàn nghị sự Mỹ-Trung.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, trong bài phỏng vấn với tờ Wall Street Journal trước khi thực hiện chuyến công du Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: "Quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc [...]

Việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng, lắp đặt trang thiết bị trên một số đảo, đá ở Trường Sa không ảnh hưởng, cũng không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, không nên chú ý quá mức đến điều này.

Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo nhằm cải thiện cuộc sống của các nhân viên đồn trú (phi pháp-PV), cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng quốc tế, duy trì tự do và an toàn hàng hải trên Biển Đông.​"

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, cựu Đại sứ Việt Nam ở 5 nước - đánh giá tuyên bố của ông Tập chỉ là thủ thuật "dắt trâu qua rào".


Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường - cựu Đại sứ Việt Nam ở Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường - cựu Đại sứ Việt Nam ở Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan.

- Thưa ông, tuyên bố của ông Tập Cận Bình đưa ra trước thềm chuyến công du Mỹ là thông điệp như thế nào gửi đến Washington và khu vực Đông Nam Á?

Đây là sự biện minh cho những hành động sai trái mà Trung Quốc thực hiện ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV) đã bị thế giới lên án.

Những lập luận này không có gì mới, trái với các thông lệ và luật pháp quốc tế liên quan đến biển.​

- Đây có phải là lần đầu tiên lãnh đạo tối cao Trung Quốc đưa ra tuyên bố như trên về vấn đề biển Đông hay không? Tuyên bố này ảnh hưởng ra sao đến tình hình khu vực? Liệu có khả năng dẫn đến leo thang về quân sự?

Đây là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình tuyên bố về vấn đề này. Động thái này nhằm đáp lại sự quan tâm của Mỹ trước chuyến công du cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Mỹ cũng coi tình hình biển Đông là một vấn đề quan trọng.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đều đã phê phán, đồng thời yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay các hoạt động trái phép ở biển Đông.

Đây là vấn đề chắc chắn sẽ được đưa ra thảo luận và tuyên bố trên là cách để ông Tập “rào trước đón sau” đối với một vấn đề phức tạp mà dư luận Mỹ quan tâm.


Ông Tập Cận Bình tuyên bố về quần đảo Trường Sa chỉ là cách để gây chú ý với truyền thông và chính phủ Mỹ? (Ảnh: Xinhua)

Ông Tập Cận Bình tuyên bố về quần đảo Trường Sa chỉ là cách để gây chú ý với truyền thông và chính phủ Mỹ? (Ảnh: Xinhua)

Tập Cận Bình tuyên bố như vậy, chứ tuyên bố nữa cũng không đảo lộn được thực tế là Trung Quốc đã làm nhiều điều trái luật pháp quốc tế, đồng thời tạo ra sự uy hiếp mạnh mẽ đối với tự do hàng hải và lưu thông trên không.

Hiện nay, Bắc Kinh đang tìm cách dùng thủ thuật ngoại giao “dắt trâu qua rào”, nhưng đến khi mọi chuyện yên ả sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington và đạt được một chút thỏa thuận xoa dịu sự quan tâm của Mỹ, thì Trung Quốc lại tiếp tục.

Bắc Kinh sẽ thúc đẩy những dự án đó (phi pháp-PV) đi xa và có thể làm phát sinh những tình huống không lường trước được đe dọa đến hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên biển Đông. Chắc chắn là như vậy, điều đó chắc chắn sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, điều này chưa dẫn đến chiến tranh vì Mỹ-Trung sẽ tiếp tục đàm phán những cơ chế để tránh xung đột về tàu chiến và máy bay quân sự.


Tuyên bố ngang ngược về quần đảo Trường Sa, song ông Tập vẫn phát biểu trước các quan chức và truyền thông Mỹ rằng Bắc Kinh vĩnh viễn không xưng bá, không bành trướng. (Ảnh: Xinhua)

Tuyên bố ngang ngược về quần đảo Trường Sa, song ông Tập vẫn phát biểu trước các quan chức và truyền thông Mỹ rằng Bắc Kinh "vĩnh viễn không 'xưng bá', không bành trướng". (Ảnh: Xinhua)

- Việt Nam nên có sự chuẩn bị như thế nào trước tuyên bố ngang ngược này của ông Tập?

​​Theo tôi, Việt Nam cần lên tiếng bảo vệ, khẳng định những nguyên tắc, bác bỏ các lập luận lâu nay của Trung Quốc.

Chúng ta cũng cần củng cố các chốt tiền tiêu. Về chiến lược lâu dài, ta phải đẩy mạnh 2 vấn đề: Kinh tế biển và phòng thủ biển.

- Trong bài phát biểu tối 22/9 tại Seattle, ông TCB đã nói “dù tình hình diễn biến thế nào cũng không ‘xưng bá’, không bành trướng”...

Trung Quốc không bành trướng thì ai bành trướng? Bắc Kinh muốn đặt biển Đông vào tầm kiểm soát, như thế không phải “xưng hùng xưng bá” thì là gì?

Điều này thực ra đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc hay các văn kiện hội nghị đảng của Trung Quốc nêu ra từ hội nghị XVII, XVIII.

Ông Tập nói “không ‘xưng bá’” chỉ là nói cho Mỹ nghe mà thôi, còn thực chất Trung Quốc đang đi những bước rất khôn khéo để từng bước thực hiện bá quyền khu vực.

- Xin cảm ơn ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại