Hôm qua, một người phát ngôn quân đội Thái Lan cho biết đã bắt giữ bà Yingluck, chị gái và anh rể bà. “Chúng tôi sẽ giam giữ bà Yingluck không quá lâu, không hơn một tuần. Chúng tôi chỉ cần tổ chức lại các sự vụ quốc gia trước” - người phát ngôn này cho biết.
Bà Yingluck bị bắt khi tới trình diện tại Câu lạc bộ Lục quân ở Bangkok theo yêu cầu của tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha.
Bà bị giữ tại đây trong nhiều giờ, sau đó bị đưa tới một địa điểm bí mật. Quân đội không tiết lộ giam giữ bà Yingluck ở đâu, nhưng nguồn tin từ giới truyền thông Thái Lan cho biết hiện bà đang có mặt tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Saraburi, phía bắc thủ đô Bangkok.
Hiện cũng chưa rõ số phận của cựu thủ tướng Niwattumrong Boonsongpaisan, người lên kế nhiệm bà Yingluck sau khi bà bị phế truất.
Triệu tập các quan chức
Hôm qua, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt tại Câu lạc bộ Lục quân ở Bangkok, nơi các quan chức trong chính phủ cũ và một số nhân vật chính trị phải đến trình diện theo lệnh của ông Prayuth.
Tại đây binh sĩ quân đội và cảnh sát chống bạo động canh gác dày đặc. Xe hơi chở các nhân vật đến trình diện lần lượt xuất hiện với cửa kính đen đóng kín.
Rất khó để biết được ai đang ngồi trong xe. Đến khoảng 12g, một chiếc xe màu đen mang biển số 1 xuất hiện.
Báo giới xung quanh quả quyết đó là xe chống đạn chở bà Yingluck. Tin này sau đó được các báo Thái Lan xác nhận. Quân đội cũng cảnh cáo những ai đã được triệu tập nhưng không xuất hiện sẽ bị bắt. Các quan chức khác trong nội các cũng đến trình diện sáng qua.
Một lãnh đạo áo đỏ hôm qua không đến trình diện và thách thức quân đội bắt được ông ta. Quân đội thông báo 155 nhân vật, bao gồm cả những lãnh đạo chính phủ vừa bị lật đổ, bị cấm xuất cảnh mà không xin phép trước.
Quân đội đã chiếm quyền kiểm soát các cửa khẩu biên giới giáp với Lào để đề phòng các lãnh đạo áo đỏ trốn thoát. Trong hôm qua, quân đội đã tạm giữ lãnh đạo biểu tình của cả hai phe áo đỏ và PDRC, đưa họ đến một nơi an toàn.
Những đại diện của chính phủ vừa bị lật đổ và Đảng Dân chủ tham gia cuộc đàm phán hôm 22-5 đã được thả sau một thời gian ngắn bị quân đội tạm giữ.
Trên các kênh truyền hình của Thái Lan, vốn bị cắt hết các chương trình thông thường, cứ chốc chốc quân đội lại phát đi các thông báo của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia do tướng đảo chính Prayuth Chan-ocha đứng đầu.
Quân đội cũng tuyên bố tướng Prayuth lên làm thủ tướng lâm thời cho đến khi tìm được người phù hợp thay thế ông. Chánh văn phòng các bộ được chỉ định làm bộ trưởng lâm thời. Ngoài ra, tỉnh trưởng các nơi cũng phải trình diện quân đội ở bốn khu vực.
Nhiều người dân Bangkok đã phản đối quân đội đảo chính. Ông Ruangsak Taengkasem - 57 tuổi, làm kinh doanh ở Bangkok - bức xúc: “Tôi rất tức giận. Bà Yingluck là thủ tướng vậy mà phải đi trình diện quân đội. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tổng tư lệnh lục quân phải nằm dưới sự quản lý của thủ tướng chứ. Tôi cần một câu trả lời”.
Tuy nhiên, một người dân khác có mặt trước Câu lạc bộ Lục quân là ông Pavin Churonchan - 41 tuổi, đến từ tỉnh Nakhon Pathom - cho rằng đảo chính là cần thiết.
Ông cho rằng Thái Lan cần một cuộc cải tổ chính trị trước rồi hãy tổ chức bầu cử. Một cuộc cãi vã đã xảy ra giữa những người bất đồng quan điểm. Có thể thấy rõ người Thái bị chia rẽ sâu sắc với tình hình chính trị hiện tại.
Sạch bóng biểu tình
Nhà báo kỳ cựu Kavi Chongkittavon, thành viên Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế thuộc ĐH Chulalongkorn, nhận định quân đội đã kiên nhẫn chờ đợi từ lâu để can thiệp vào chính trị.
Ông dự báo trong tình hình này, bầu cử có thể sẽ diễn ra sau khi cải tổ chính trị và quá trình này diễn ra trong vòng 18-24 tháng.
Trái ngược với sự tưởng tượng của nhiều người về một cuộc đảo chính, đường phố Bangkok hôm qua không có sự xuất hiện dày đặc của quân đội như cuộc đảo chính năm 2006. Xe tăng cũng không xuất hiện trên đường phố như cách đây tám năm. Quân đội chỉ cử binh sĩ đứng gác ở một số điểm quan trọng nhưng không nhiều.
Có thể thấy cuộc đảo chính lần này ít tạo ra không khí căng thẳng trên đường phố hơn năm 2006.
Tại khu vực biểu tình chống chính phủ quanh phủ thủ tướng, người biểu tình đã rút đi hết. Chỉ còn lại một vài người ở lại thu dọn đồ đạc trong khi vài binh sĩ quân đội giúp họ. Các nhân viên vệ sinh đang ra sức dọn dẹp lều trại và rác ở khu vực này.
Lệnh giới nghiêm tiếp tục được áp đặt từ 22g đến 5g sáng hôm sau. Trong các khách sạn đều có dán khuyến cáo về lệnh giới nghiêm để du khách nắm thông tin. Hệ thống loa trên ga tàu điện cũng thông báo đóng cửa lúc 21g. Các trung tâm mua sắm vẫn đóng cửa lúc 20g.