Trung Quốc sôi sục vì công dân bị bắt quỳ gối xin lỗi ở Mông Cổ

Hải Võ |

Hình ảnh được tung lên mạng về vụ việc 1 du khách Trung Quốc bị nhóm thanh niên Mông Cổ bắt quỳ gối xin lỗi đã khiến truyền thông và cư dân mạng nước này sôi sục.

Tân Hoa Xã ngày 5/4 đưa tin, sự việc du khách Trung Quốc bị một số phần tử cực đoan Mông Cổ tấn công và làm nhục đang khiến dư luận nước này sôi sục. Phía Mông Cổ cũng đã có được thông tin liên quan đến những đối tượng gây hấn này.

Hình ảnh và video của vụ việc bị tung lên mạng xã hội đã làm chấn động dư luận Trung Quốc và Mông Cổ.

Hình ảnh ông X bị nhóm thanh niên Mông Cổ bắt quỳ được tung lên mạng đã tạo nên làn sóng tranh cãi ở Trung Quốc và Mông Cổ. Ảnh: China.com

Hình ảnh ông X bị nhóm thanh niên Mông Cổ bắt quỳ được tung lên mạng đã tạo nên làn sóng tranh cãi ở Trung Quốc và Mông Cổ. Ảnh: China.com

Bắt quỳ gối và xin lỗi

Phóng viên Tân Hoa Xã tại Ulan Bator đã liên hệ với du khách Trung Quốc là "người trong cuộc" (tạm gọi là X) và biết được đầu đuôi câu chuyện.

Theo đó, hôm 28/3, ông X cùng nhóm du khách Trung Quốc từ khu tự trị Nội Mông sang du xuân và lễ bái tại núi Bất Nhi Hãn, tỉnh Khentii, Mông Cổ và xảy ra vụ tấn công, làm nhục như trên.

Trong đoàn Trung Quốc, ông là người leo lên đỉnh núi sớm nhất. Vào thời điểm đó, có khoảng 30 người Mông Cổ đang ngồi trước một aobao (từ Mông Cổ, chỉ đống rơm, gỗ, đá...)

"Bất ngờ, một người đàn ông Mông Cổ chỉ vào tôi và nói: 'Có người Trung Quốc ở đây'. Sau đó, 7-8 thanh niên Mông Cổ bắt đầu vây xung quanh và đẩy tôi ngã xuống, đồng thời bắt tôi quỳ trên mặt tuyết.

Bọn họ hỏi tôi có phải người Trung Quốc hay không. Tôi trả lời tôi là người Nội Mông, Trung Quốc" - ông X kể lại.

Lúc này, nhóm đồng hành cùng ông X kịp tới nơi và trao đổi với nhóm người Mông Cổ, kết thúc màn cãi cọ hôm đó.

Tuy nhiên, trong khi mọi người tưởng rằng sự việc đã xong xuôi thì những hình ảnh và video ông X bị làm nhục lại bất ngờ bị những người có mặt ở hiện trường tung lên mạng sau đó, làm bùng nổ những tranh cãi về vụ việc.

Tân Hoa Xã cho biết, phần lớn cư dân mạng Mông Cổ "tỏ ra thông cảm với du khách Trung Quốc". Thậm chí có người còn tức giận bình luận rằng - "Chẳng lẽ người Trung Quốc từng bắt chúng ta quỳ dưới Vạn Lý Trường Thành sao?"

Ông X cho biết bản thân cũng không ngờ sự việc lại bị tung lên mạng và hy vọng mọi chuyện sớm yên bình trở lại.

"Khi tôi xem lại những hình ảnh của mình (bị làm nhục) thì vô cùng phẫn nộ và cũng vô cùng uất ức. Tôi là một công dân Trung Quốc và chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ gặp phải chuyện như vậy.

Hiện giờ tôi rất suy sụp, chỉ mong mọi chuyện sớm kết thúc" - ông chia sẻ với Tân Hoa Xã.

Du khách này cũng cho hay ông không có ý định đưa vụ việc ra pháp luật. "Đã có người liên lạc với bạn của tôi ở Mông Cổ và đề nghị xin lỗi chính thức.

Sự việc đã qua, những người Mông Cổ cũng đã xin lỗi... Ngoài ra, bọn họ cũng không làm tôi bị thương".

Theo Tân Hoa Xã, cảnh sát Mông Cổ đã có được thông tin về những đối tượng liên quan tới vụ việc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mông Cổ cũng tỏ thái độ và yêu cầu cơ quan ngoại giao cũng như cảnh sát Mông Cổ "trừng trị nghiêm những người liên quan theo pháp luật" và "tăng cường sự bảo vệ đối với công dân Trung Quốc".

Bản tường trình của ông X kể lại đầu đuôi việc bị làm nhục. Ảnh: THX.

Bản tường trình của ông X kể lại đầu đuôi việc bị làm nhục. Ảnh: THX.

Chỉ là sự kiện ngẫu nhiên?

Một quan chức Đại sứ quán Trung Quốc tại Mông Cổ nói với Tân Hoa Xã, đây là một sự việc ngẫu nhiên và chỉ mang tính chất "cá biệt'.

Theo quan chức này, do quy mô hợp tác, giao lưu thương mại Trung - Mông ngày càng mở rộng, việc phát sinh những xung đột như trên là khó tránh khỏi.

Trợ lý nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc Hoàng Oánh cho rằng, sự kiện làm nhục mới đây thể hiện một vấn đề sâu sắc hơn cần được quan tâm.

Theo Tân Hoa Xã, những người thách thức ông X thuộc nhóm cực đoan có tên "Mông Cổ Xanh đứng thẳng". Chuyên gia Hoàng Oánh cho hay, nhóm này nằm trong số các tổ chức dân tộc cực đoan nổi lên ở Mông Cổ từ thế kỷ XX, và chỉ có khoảng dưới 100 người.

Theo bà Hoàng, nhóm cực đoan nói trên từng tham gia nhiều vụ mưu sát người Mông Cổ có thân nhân là người Hoa.

Thủ lĩnh tổ chức này trước đây từng bị định tội do mưu sát bạn trai của con gái. Nguyên nhân vụ mưu sát được tiết lộ là do bị hại từng... du học Trung Quốc.

Cũng theo bà Hoàng Oánh, tại Mông Cổ còn có nhiều tổ chức cực đoan khác như "Thập tự phát xít trắng", "Vận động Mông cổ"... Những tổ chức này thường tuyên bố bảo vệ "sự thuần khiết của huyết thống dân tộc" và có ngôn luận, hành động bài Trung Quốc.

Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj hôm 3/3 cho hay - "Mông Cổ nên là một quốc gia trách nhiệm, hữu hảo, cởi mở. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan là có hại".

Các thành viên nhóm tân phát xít ở Mông Cổ. Ảnh: China.com

Các thành viên nhóm "tân phát xít" ở Mông Cổ. Ảnh: China.com

Tân Hoa Xã cho biết, thành viên tham gia các tổ chức dân tộc cực đoan đa phần là tầng lớp nghèo khó trong xã hội, bao gồm cả những người trẻ thất nghiệp.

Tuy nhiên, các tổ chức này chỉ có tầm ảnh hưởng nhỏ bé và không được dân Mông Cổ chú ý. Tân Hoa Xã cho hay, không loại trừ khả năng đó là những "công cụ thương mại" của các nhóm lợi ích nhằm phá đám doanh nghiệp Trung Quốc.

Giáo sư Trung tâm nghiên cứu Mông Cổ thuộc ĐH Bắc Kinh Vương Hạo cho rằng, sự kiện làm nhục "phản ánh quan điểm tiêu cực của một bộ phận người Mông Cổ đối với người Hoa".

Bà Hoàng Oánh nhắc nhở, những du khách Trung Quốc tới Mông Cổ cần đặc biệt chú ý "tránh sử dụng từ 'Ngoại Mông' để nói về Mông Cổ. Bởi người dân Mông Cổ vô cùng phản cảm đối với cách nói này".

Tuy vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng đại bộ phận người Mông Cổ có thái độ hữu hảo với Trung Quốc. "Đặc biệt là thanh niên Mông Cổ có tư tưởng rất cởi mở. Tôi từng tiếp xúc với các lưu học sinh Mông Cổ, họ đều không có thiên kiến với Trung Quốc" - bà Hoàng Oánh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại