Cuộc tập trận mới nhất này là một phần trong hàng loạt những động thái phô trương sức mạnh rầm rộ của Bắc Kinh nhằm răn đe Tokyo trong bối cảnh Nhật đang kỷ niệm 68 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II.
Một loạt những động thái “dương oai diễu võ” của Trung Quốc được tung ra khi mà Bắc Kinh đang nổi giận đùng đùng trước việc các chính khách hàng đầu của Nhật Bản công khai đến thăm đền thờ Yasukuni, nơi thờ phụng những người Nhật thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ II, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh loại A.
Ngoài cuộc tập trận đang diễn ra ở biển Hoa Đông, Trung Quốc còn tiến hành một cuộc tập trận riêng rẽ khác ở biển Bột Hải. Điều đặc biệt là cuộc tập trận này được cho là có sự tham gia của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - Liêu Ninh.
Tàu sân bay Liêu Ninh đã được lệnh khởi hành từ căn cứ ở cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông đi tham gia huấn luyện với máy bay cũng như các bài diễn tập khác, tờ China News Service hôm qua đưa tin. Báo chí Trung Quốc dự đoán, điểm đến của chiếc tàu chiến khổng lồ này có thể là khu vực biển phía bắc Bột Hải, ngoài khơi tỉnh Liêu Ninh. Đây là nơi đang diễn ra một loạt cuộc diễn tập quân sự cũng được khai màn trong ngày hôm qua.
Các cuộc tập trận ở biển Bột Hải và biển Hoa Đông diễn ra trong thời điểm Bắc Kinh đối đầu gay gắt với Tokyo vì cuộc tranh chấp quyết liệt quần đảo Senkaku/Điều Ngư. Cuộc tập trận ở biển Hoa Đông sẽ được tiến hành ngoài khơi tỉnh Chiết Giang với sự tham gia của Hạm đội Đông Hải. Hạm đội này được Trung Quốc giao cho trách nhiệm giám sát, quản lý vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Quần đảo này trên thực tế đang nằm tỏng quyền kiểm soát của Nhật Bản nhưng Trung Quốc đang tìm mọi cách để phá vỡ thế nguyên trạng ở đây.
Theo ông Ni Lexiong - Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc phòng và Sức mạnh Hàng hải thuộc trường Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải, những động thái của quân đội Trung Quốc hiện nay là nhằm để gây sức ép với Tokyo. “Chắc chắn, sẽ có thêm nhiều cuộc tập trận ở biển Hoa Đông để tăng cường năng lực chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Và rất có thể, tàu sân bay của Trung Quốc cũng tham gia vào một số những cuộc tập trận đó”, ông Ni nói thêm.
Cũng trong ngày hôm qua, hãng thông tấn Kyodo đưa tin, một tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc vừa bám sát và vượt qua tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản ở ngay phía nam của đảo lớn nhất thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Từ khi cuộc tranh chấp Trung-Nhật ở biển Hoa Đông nổi lên hồi tháng 9 năm ngoái đến giờ, đã không ít lần tàu thuyền và máy bay hai nước có những cuộc rượt đuổi và chạm trán nguy hiểm như thế này.
Trung Quốc triệu tập Đại sứ Nhật
Những diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang rất tức giận trước việc các thành viên trong nội các Nhật Bản công khai đến viếng thăm đền thờ chiến tranh ở thủ đô Tokyo. Trong một động thái thể hiện sự tức giận, Trung Quốc đã nhanh chóng triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại nước này đến để bày tỏ sự phản đối về chuyến thăm nói trên.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin đã bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” đối với chuyến thăm của các bộ trưởng Nhật đến đền thờ chiến tranh trong cuộc gặp với Đại sứ Masato Kitera ngày hôm qua.
Cùng với đó, trong tuyên bố được đăng tải lên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này đã thể hiện sự phản đối cũng như lên án gay gắt hành động của nước láng giềng Nhật Bản. Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản tuân thủ nghiêm túc cam kết của họ trong việc suy ngẫm sâu sắc về lịch sử xâm chiếm của họ... nếu không, sẽ không có tương lai cho quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng”.
Loạt phản ứng trên của Trung Quốc diễn ra sau khi các bộ trưởng và hàng chục nghị sĩ Nhật Bản đến thăm đền thờ chiến tranh Yasukuni nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày kết thúc thế chiến II. Đền thờ này thờ 2,5 triệu người Nhật Bản thiệt mạng trong chiến tranh, trong đó có những người đã mắc tội ác chiến tranh ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên. Bắc Kinh cho rằng, chuyến thăm của các quan chức đến đền thờ chiến tranh là một sự “khiêu khích”, là bằng chứng cho thấy Nhật Bản không thấy “hối hận thực sự” về các hành động mà họ gây ra trong chiến tranh.
Có thể nói, quan hệ giữ hai cường quốc Châu Á - Trung Quốc và Nhật Bản đang "lao dốc không phanh" vì cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở biển Hoa Đông cũng như những vấn đề liên quan đến quá khứ chiếm đóng của Nhật Bản thời Chiến tranh Thế giới thứ II.