Trung Quốc ngày càng phô diễn ý đồ quân sự hóa các tranh chấp

Nhật báo Ashahi Shimbun của Nhật Bản cho biết Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) không quyết định một mình trong việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981.

Theo tờ này, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã quyết định việc này từ hồi đầu năm nay, bất chấp những hậu quả ngoại giao có thể xảy ra.

Tuy nhiên, các quan chức Bộ Ngoại giao và Thương mại Trung Quốc khá lo lắng. Bộ Ngoại giao đang tìm kiếm xây dựng một môi trường bên ngoài ổn định mà họ cảm thấy là cần thiết để phát triển kinh tế. Họ e ngại quan hệ với các nước ASEAN và Mỹ sẽ suy giảm nếu bắt đầu khoan dầu ở Biển Đông và giữ lập trường thận trọng về vấn đề này. Trong khi đó quân đội, với tham vọng mở rộng lợi ích quốc gia, ủng hộ động thái này.

Từ năm 2008, CNOOC đã chi khoảng 6 tỷ nhân dân tệ (953 triệu USD) để bắt đầu chế tạo thiết bị khoan nước sâu. Giàn khoan được hoàn tất tháng 5/2011. Sau đó, Giàn khoan này đã được triển khai ở mỏ khí Liwan cách bờ biển Hongkong 300km về phía Đông Nam. Dự án này do CNOOC và một công ty Canada thực hiện. Theo một quan chức của công ty Canada thì công việc khoan đã hoàn tất năm ngoái, sản xuất khí đốt bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3.

Khi dự án tại mỏ khí Liwan hoàn thành, CNOOC đã đưa giàn khoan ra vùng nước gần quần đảo Hoàng Sa để bắt đầu hoạt động đầu tháng 5/2014.

Động thái này là một dấu hiệu khác cho thấy, Bắc Kinh ít chú tâm tới quan điểm quốc tế và tìm cách thúc đẩy nhanh chóng việc kiểm soát hiệu quả Biển Đông trên cơ sở và những lợi ích của riêng họ.

Kể từ năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, những tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng hoạt động ở nước ngoài và họ cũng rất hăm hở để phát triển các tài nguyên nằm trong Biển Đông.

Tuy vậy, Chính quyền khi đó đã “giữ chân” các công ty dầu khí. Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đó vẫn là thời của nguyên tắc ngoại giao “thao quang dưỡng hối” (giấu mình chờ thời). Nhưng, chính quyền hiện nay rõ ràng đã đi theo một đường hướng khác bằng việc theo đuổi mục tiêu biến Trung Quốc thành “cường quốc hàng hải”. Điều này dẫn tới các động thái ngày một gia tăng của nước này ở Biển Đông và Hoa Đông.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại