Trung Quốc không đủ khả năng "che chở" cho Trung Đông

Cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm ở Syria đã phơi bày một sự thật không lấy gì làm dễ chịu đối với Trung Quốc. Đó là Bắc Kinh không hề có ảnh hưởng gì đáng kể đối với các sự kiện đang diễn ra ở Trung Đông nói chung và Syria nói riêng, dù đất nước này luôn ấp ủ một ‘giấc mơ’ như vậy.

Với lực lượng quân sự yếu kém, chưa có khả năng thể hiện sức mạnh ở Trung Đông, Trung Quốc chỉ đang đóng vai trò ‘ít quan trọng’ trong khu vực này.

Theo Reuters, khi Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đang sẵn sàng tấn công quân sự vào Syria, Trung Quốc lại chẳng làm được gì ngoài việc có nhiều lời lẽ đe dọa hơn một số cường quốc khác và dù biết rằng lợi ích của mình ở đây đang bị đe dọa.

Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc và Đặc phái viên của Tổng thống Syria hồi tháng 8/2012.

Trung Đông là nguồn dầu thô lớn nhất của Trung Quốc. Nếu không có nó, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 83 triệu tấn dầu thô từ Trung Đông, chiếm một nửa trong tổng số dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc, từ các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Ả-rập Xê-út, Iran , Iraq , Oman và Các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống nhất.

Mặc dù Trung Quốc có rất ít lợi ích kinh tế ở Syria nhưng Syria được cho là có vai trò chiến lược trong việc đảm bảo sự ổn định ở Trung Đông.

Năm ngoái, Thiếu tướng đã nghỉ hưu Luo Yuan, một trong những nhân vật quân sự mạnh mẽ nhất của Trung Quốc, cho biết trên tờ Nhân dân Nhật báo rằng: "Chúng ta không thể nghĩ rằng các vấn đề của Syria và Iran không có liên quan gì tới Trung Quốc” vì lượng dầu lớn ở đây đang bị đe dọa.

Trung Quốc khẳng định không ủng hộ và cũng không bảo vệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trước đấy, nước này phủ quyết nghị quyết của Liên Hiệp Quốc chỉ vì nghĩ rằng hành động quân sự vào Syria sẽ khiến cuộc khủng hoảng ở Syria trầm trọng hơn.

Ngay cả khi chính phủ Trung Quốc đã phải đi ngược lại với nguyên tắc không can thiệp vào công việc của các nước khác, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn chưa thể thể hiện được sức mạnh ở những vùng đất khác.

Quân đội Trung Quốc, mặc dù đã có những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ chiến đấu cơ tàng hình, và gần đây cũng đã công bố chiếc tàu sân bay đầu tiên, nhưng phần lớn chúng chưa được thử nghiệm hay chưa có những trải nghiệm chiến đấu thực tế.

Tàu Trung Quốc đã tham gia tuần tra chống cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia, nhưng khi phải sơ tán công dân của mình khỏi Libya năm 2011, Trung Quốc đã buộc phải dùng phà đi thuê.

Hơn nữa, ông Ross Babbage, một nhà phân tích quân sự ở Canberra và là một cựu quan chức quốc phòng cấp cao của Úc cho rằng, PLA hiện đang tập trung xây dựng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương và nếu muốn có ảnh hưởng ở Địa Trung Hải, Trung Quốc sẽ phải mất 10 năm nữa.

Hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ quyết tâm trở thành một cường quốc hàng hải vì các vùng biển và đại dương đang có vai trò chiến lược ngày càng lớn.

Chưa phải là một siêu cường quốc

Về bề ngoài, Trung Quốc thể hiện rất ít mong muốn có được ảnh hưởng sâu sắc hơn đối với Trung Đông, cả về quân sự hay ngoại giao. Trung Quốc cũng có ít kinh nghiệm về Trung Đông hơn Mỹ, Nga, Anh hay Pháp.

Trung Quốc đã có những động thái như cử đặc phái viên tới Syria, hay tiếp cả các quan chức chính phủ Syria cũng như phe đối lập tại Bắc Kinh nhằm tìm ra các giải pháp chính trị nhưng không có kết quả.

Đầu năm ngoái, một số người biểu tình đã ném đá, trứng và cà chua vào Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Libya, Tripoli, sau khi Nga và Trung Quốc phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ kế hoạch của Ả Rập kêu gọi Assad từ chức.

Yin Gang, một chuyên gia về chính sách Trung Đông tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không có trách nhiệm an ninh ở Trung Đông vì không đủ khả năng làm việc đó.

Yin Gang nói: “Sự ổn định ở Trung Đông sẽ có lợi cho Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không có khả năng duy trì sự ổn định ở đó. Đó là điều không thể, hoàn toàn không thể. Trung Quốc không có khả năng sử dụng lực lượng quân đội để bảo vệ lợi ích của mình ở Trung Đông. Cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc bây giờ có lẽ là đa dạng hóa nguồn nhập khẩu dầu, nhập nhiều hơn từ Nga, từ các nơi khác trên thế giới".

Ông Xu Guangyu hiện là cố vấn cấp cao của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc thì cho rằng, đối với Trung Quốc, Trung Đông là một khu vực bí ẩn. Ông nói: "Trung Quốc không biết được chuyện gì đang thực sự xảy ra ở những nước này. Chúng ta cần phải chấp nhận một vị trí trung lập".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại