Theo các cuộc phỏng vấn các quan chức và chuyên gia ở Bắc Kinh, Washington, Kabul, Islamabad và Peshwar, thì trong suốt năm ngoái, Trung Quốc tìm cách mở rộng những tiếp xúc trực tiếp với phe Taliban và cho rằng vì những lý do chính trị bao gồm các nhóm ly khai ở khu Tân Cương của Trung Quốc đến việc bảo vệ các đầu tư vào tài nguyên của họ ở nước này.
Trong khi Bắc Kinh muốn chứng kiến cuộc thương lượng hòa bình đi đến kết quả trong việc ngăn không để Afghanistan quay trở lại cuộc nội chiến, họ không tin vào kết cục đó và do vậy đang chuẩn bị tinh thần làm việc với bất kỳ một tập hợp lực lượng chính trị nào xuất hiện ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân.
Trong khi thậm chí các cuộc gặp gỡ sơ bộ của Mỹ và châu Âu với phe Taliban gây chú ý dư luận thì những vụ Trung Quốc làm ăn lớn với phe này dường như không bị phát hiện.
Sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 và phe Taliban bị sụp đổ, Bắc Kinh vẫn lặng lẽ duy trì quan hệ với lực lượng Quetta Shura, hội đồng lãnh đạo của Taliban đóng ở bên kia biên giới trong đất Pakistan.
Trong một cuộc trò truyện, một cựu quan chức Trung Quốc cho rằng ngoài Pakistan, Trung Quốc là nước duy nhất tiếp tục duy trì mối quan hệ này.
Trong suốt 18 tháng qua, các cuộc trao đổi diễn ra một cách định kỳ, và Trung Quốc bắt đầu thú nhận sự tồn tại của mối quan hệ đó trong các cuộc gặp với các quan chức Mỹ. Có tin nói rằng đại diện của Taliban đã có các cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc ở cả Pakistan và Trung Quốc.
Trung Quốc chỉ lo việc của mình
Mặc dù khả năng Trung Quốc tích cực ủng hộ cho cuộc thương lượng hòa bình đã được đem ra thảo luận, nhưng dường như chỉ tập trung vào một loạt chủ đề hẹp hơn của Trung Quốc, như một chuyên gia Pakistan ghi nhận: “Cho đến nay chủ yếu tập trung vào việc giảm thiểu mối quan ngại về an ninh của Trung Quốc, chứ không phải vấn đề hòa giải”.
Trong cách làm ăn của Trung Quốc với phe Taliban, phong trào đòi độc lập giữa những người Hồi giáo tiểu số Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc luôn luôn là mối quan tâm lớn nhất.
Trong cuối thập niên 1990, Bắc Kinh lo ngại rằng chính quyền Taliban ở Kabul đã cung cấp một nơi ẩn náu cho các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ, những người đã trốn khỏi cuộc đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương và thiết lập các trại huấn luyện ở Afghanistan.
Tại các cuộc họp trong tháng 12 năm 2000 ở Kandahar, lãnh đạo ẩn dật Mohammed Omar của Taliban đảm bảo với đại sứ Trung Quốc ở Pakistan, Lu Thụ Lâm, rằng Taliban sẽ không "cho phép bất kỳ nhóm nào sử dụng lãnh thổ của mình để tiến hành bất kỳ những hoạt động như vậy" chống lại Trung Quốc.
Đổi lại, Omar tìm kiếm hai điều từ phía Trung Quốc: chính thức công nhận về mặt chính trị và bảo vệ trước các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Không bên nào thỏa mãn yêu cầu của bên kia. Phe Taliban đã không trục xuất các chiến binh Duy Ngô Nhĩ khỏi lãnh thổ của mình. Mặc dù vẫn cấm không cho họ hoạt động trong các trại của riêng, nhưng cho phép họ kết nối với các nhóm chiến binh khác, chẳng hạn như Phong trào Hồi giáo Uzbekistan.
Đồng thời, Trung Quốc điều chỉnh lập trường của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bằng cách bỏ phiếu trắng đối với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Taliban, và thiết lập quan hệ thương mại để giúp giảm thiểu tác động của các biện pháp này, nhưng Trung Quốc lúc đó đã không sử dụng quyền phủ quyết của mình.
Bắc Kinh trì hoãn quyết định công nhận ngoại giao đối với Taliban, mà phản ứng của Washington đối với các cuộc tấn công ngày 11/9 đã sớm dập tắt mọi nỗ lực theo hướng này.
Tuy nhiên cả hai bên đều nhận biết rằng họ vẫn có thể làm ăn với nhau. Đại sứ của Taliban khi đó ở Pakistan đã miêu tả người đồng nhiệm Trung Quốc ở Islamabad cuối thập kỷ 1990 như là “một người duy nhất duy trì mối quan hệ thân thiện” với Taliban.
Trên thực tế, Trung Quốc đang chuẩn bị ký kết một số hợp đồng kinh tế ở Kabul ngay trong ngày xẩy ra các vụ tấn công khủng bố vào Tòa tháp đôi và Lầu Năm Góc ở Mỹ.
Kể từ đó Trung Quốc đã thiết lập được mối quan hệ làm việc tốt với chính phủ của ông Karzai mà chưa từng bị quân khởi nghĩa coi là trở nên quá gần gũi với chính phủ ở Kabul. Ngày nay, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc vẫn là đảm bảo rằng không một lãnh thổ nào dưới sự kiểm soát của Taliban được dùng làm căn cứ cho các nhóm chiến binh Duy Ngô Nhĩ.
Toán tàn quân nhỏ của các tay súng người Duy Ngô Nhĩ – có lẽ chỉ chừng 40 người – chủ yếu đang đóng căn cứ ở vùng Waziristan Bắc của Pakistan, một khu vực nằm dưới ảnh hưởng của một viên chỉ huy có quan hệ với lực lượng Taliban của cả Afghanistan và Pakistan.
Trung Quốc đang tìm kiếm một bảo đảm rằng việc chứa chấp người Duy Ngô Nhĩ sẽ không xảy ra trên một diện rộng ở trong đất Afghanistan.
Họ cũng muốn khoản đầu tư hàng tỷ USD ở Afghanistan được bảo vệ không bị Taliban tấn công. Dự án kinh tế lớn nhất của Bắc Kinh, mỏ đồng Aynak, đang nằm trong vùng có mạng lưới của lực lượng Haqqani mạnh, rất thân cận với Taliban.
Giao dịch của Trung Quốc với các phần tử nổi dậy Hồi giáo cũng nhằm ngăn ngừa rủi ro mà Taliban có thể quyết định coi công dân, các khoản đầu ỏa hoặc thậm chí là đất nước Trung Quốc là một mục tiêu hợp pháp.
Chiến binh đã đổ lỗi cho Trung Quốc về quyết định phát động một cuộc tấn công vào Thánh đường Đỏ năm 2007 của chính phủ Pakistan, một thành trì ủng hộ Taliban tại Islamabad, và họ đã trả đũa thẳng thừng bằng một loạt các cuộc tấn công vào nhân công Trung Quốc ở Pakistan.
Hiện nay Bắc Kinh cũng đang ngày càng lo lắng về quan điểm của các nhóm liên kết với Taliban đánh giá chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương như thế nào. Vụ nổ súng vào một người phụ nữ Trung Quốc ở Peshawar trong năm 2011 là trường hợp đầu tiên (và duy nhất) mà một phát ngôn viên Taliban ở Pakistan gắn một cuộc tấn công nhằm "trả thù đối với việc chính phủ Trung Quốc giết chết anh em Hồi giáo của chúng tôi" ở Tân Cương, khu vực hầu hết người Duy Ngô Nhĩ sinh sống.
Tuy nhiên, các nguồn tin ở Pakistan từng tiếp xúc với các tư lệnh chiến binh nói rằng lãnh đạo cấp cao của Taliban không muốn làm mếch lòng Trung Quốc, cho rằng họ đã có quá nhiều kẻ thù.
Lực lượng Taliban của Afghanistan tiếp tục thấy có lợi với các mối quan hệ khăng khít với một trong số ít nước có khả năng kiềm chế những nhà tài trợ Pakistan đôi khi trở nên rất độc đoán của họ.
Kết quả là, theo các nguồn tin Trung Quốc đã từng làm việc chặt chẽ với Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh, người đối thoại Taliban đã cung cấp một sự bảo đảm như vậy cho Trung Quốc như họ đã từng đưa ra trong quá khứ: họ sẽ không cho phép Afghanistan được sử dụng như một căn cứ của các cuộc tấn công, và muốn phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Nhưng nguồn tin cũng nói rằng các quan chức Trung Quốc vẫn lo ngại.
Họ nghi ngờ về khả năng và thiện chí của phe Taliban không thể thực hiện được những lời hứa của mình, đặc biệt về vấn đề thánh địa cho các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ, và Trung Quốc sợ rằng một thắng lợi của phe Taliban ở Afghanistan có thế làm suy yếu Pakistan và khu vực.
Chính vì vậy mà Bắc Kinh đã không ngừng quan tâm muốn thấy một cuộc dàn xếp chính trị ở Afghanistan mang lại đảm bảo về một sự cân bằng quyền lực bền vững.
Mỹ hài lòng
Mỹ chia sẻ mục tiêu cơ bản về một Afghanistan ổn định, và sau nhiều năm thúc đẩy Kinh tăng thêm sự dính líu vào khu vực đó, các quan chức Mỹ nói rằng họ cảm thấy hài lòng khi Trung Quốc năng động hơn ở khu vực.
Các quan chức Trung Quốc thậm chí còn nêu với đồng cấp Mỹ về khả năng Bắc kinh sử dụng kênh tiếp xúc riêng của họ với phe Taliban để giúp hỗ trợ thêm cho cuộc thương lượng hòa bình.
Vậy thì liệu Bắc Kinh có đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc thương thuyết hòa bình sắp tới giữa Kabul, phe Taliban và Mỹ? Có thể là không.
Bất chấp được sự ủng hộ tạm thời của cả ba bên, Bắc Kinh bị cản trở không những bởi tính cẩn trọng của họ đồi với việc dính líu vào một tiến trình đầy mạo hiểm, mà còn do quan hệ với Islamabad.
Pakistan rõ ràng cảm thấy không thoải mái với sự hiện diện của người bạn thân thiết nhất trong một lĩnh vực chính sách mà trước đó Bắc Kinh đã sẵn sàng nhượng vai cho họ.
Tuy nhiên, lập trường của Trung Quốc có thể trở nên hữu ích đối với các nhà thương thuyết của Mỹ tại Doha nếu cuộc thương lượng tiến triển. Trong khi Bắc Kinh vẫn còn phải thận trọng với mối quan hệ song phương của họ với Pakistan, họ biết rằng họ đang có lợi thế, và họ sẽ sẵn sàng gây áp lực khi những lợi ích quan trọng của họ bị đe dọa.
Trung Quốc giành ưu tiên cao cho ổn định ở Afghanistan, trên cả việc duy trì ảnh hưởng của Pakistan ở khu vực. Các nguồn tin ở Bắc Kinh theo dõi cuộc thương lượng giữa hai bên nói rằng các quan chức đã nói rõ điều này với Islamabad.
Trong những năm 1990, Trung Quốc không chú ý đến khu vực khi Afghanistan rơi vào cuộc nội chiến và lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước. Giờ đây với việc các lợi ích to lớn của họ bị đe dọa, họ không muốn lại nhìn thấy những câu chuyện tương tự diễn ra sau khi Mỹ rút quân vào năm 2014.
Tuy nhiên, nếu lịch sử lặp lại, không có giải thưởng cho việc đoán xem nước nào sẽ là nước đầu tiên cử một phái đoàn doanh nghiệp đến Kandahar ngay sau khi Taliban trở lại nắm quyền.