"Trung Quốc có lợi trong vụ chú Kim Jong Un bị thanh trừng"

(Soha.vn) - “Trên một phương diện khác, rõ ràng là nếu ông ấy có thể gia cố quyền lực, ít ra mọi chuyện sẽ rõ ràng”...

Trung Quốc đã mất một đầu mối liên lạc quan trọng của họ ở Triều Tiên sau khi người dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong Un bị bắt, nhưng một số nhà phân tích cho rằng việc nhà lãnh đạo trẻ củng cố quyền lực của ông có thể là một động thái khiến Bắc Kinh hài lòng, do Trung Quốc muốn sự ổn định ở Triều Tiên.

Ông Jang Song Thaek từng là nhân vật quyền lực thứ hai ở Triều Tiên và là một liên lạc viên quan trọng giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh trước khi ông bị mất mọi chức vụ tuần trước, bị cáo buộc tham nhũng và có lối sống suy đồi.

Theo truyền thông Hàn Quốc, trong hai năm kể từ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il qua đời, ít nhất bốn trong bảy lãnh đạo cấp cao đã cùng người con Kim Jong Un đi đưa tiễn linh xa (nhóm “bảy cố mệnh đại thần”) đã rời các cương vị quyền lực theo những cách khác nhau.

“Trên một phương diện, những nhân vật là trung gian của Trung Quốc trong giới lãnh đạo cấp cao Triều Tiên đã biến mất”, Jingdong Yuan, giáo sư chuyên về chính sách quốc phòng và đối ngoại của Trung Quốc thuộc Đại học Sydney (Australia) bình luận. “Hiện giờ, ai sẽ là người trung gian giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng?”

Nhưng trong khi Bắc Kinh theo dõi cuộc thanh trừng với quan ngại, ông Yuan cho rằng kết quả cuối cùng sẽ có lợi cho Trung Quốc nếu ông Kim Jong Un củng cố được quyền lực. “Trên một phương diện khác, rõ ràng là nếu ông ấy có thể gia cố quyền lực, ít ra mọi chuyện sẽ rõ ràng”, Yuan nói. “Sự bất ổn là điều Trung Quốc không muốn thấy”.

Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất và là nước cung cấp viện trợ quan trọng cho Triều Tiên. Bắc Kinh đã bán cho Bình Nhưỡng gần 450.000 tấn dầu trong 10 tháng đầu năm nay, theo số liệu hải quan.

Ông Jang đã đóng vai trò chủ chốt trong quan hệ giữa hai nước, vốn là đồng minh trong cuộc chiến tranh Triều Tiên hao người tốn của 1950-53. Nhân vật 67 tuổi này đã tháp tùng ông Kim Jong-Il trong ba chuyến thăm Trung Quốc các năm 2010 và 2011 và là người đứng đầu Ủy ban hợp tác đầu tư chuyên thu hút đầu tư nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc, của Triều Tiên.

Ông cũng là quan chức đảng cấp cao đầu tiên thăm Trung Quốc sau khi ông Kim Jong-Un lên nắm quyền tháng 12/2011. Ông Jang còn phụ trách ngành xuất khẩu khoáng sản của Triều Tiên, chiếm một nửa trong kim ngạch thương mại của nước này với Trung Quốc. Ông đã bị cáo buộc bán quặng sắt với giá quá rẻ ra nước ngoài.

“Tôi cho rằng sự cố này sẽ ảnh hưởng tới quan hệ Trung-Triều, vì mọi người đều biết ông Jang Song Thaek có quan hệ gần gũi với chính quyền chúng tôi và chịu trách nhiệm về hợp tác kinh tế với chúng tôi”, Cai Jian, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên ở Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, bình luận.

Cheong Seong Chang, nhà phân tích ở Viện Sejong, Hàn Quốc, cho rằng đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae Ryong, một đồng minh lâu năm của ông Jang, cũng là mục tiêu của cuộc thanh trừng. “Việc các dự án hợp tác Trung-Triều và những kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài của Triều Tiên phải đối mặt với một số khó khăn là không thể tránh khỏi”, ông nói.

Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản đã quan ngại về cuộc thanh trừng ở Triều Tiên. Nhưng Leonid Petrov, một chuyên gia về Triều Tiên ở Đại học quốc gia Úc, nói những bất ổn trong ngắn hạn sẽ được Trung Quốc dàn xếp vì lợi ích của nước này, vốn coi sự ổn định trong khu vực là quan trọng nhất và coi Triều Tiên là một bước đệm để giảm bớt ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở châu Á.

“Mục tiêu của Trung Quốc là khiến Mỹ không có ảnh hưởng gì ở đó, và Triều Tiên là kiểu chó giữ nhà hoàn hảo”, ông Petrov nói. “Ngay khi Mỹ và Hàn Quốc và Nhật Bản bắt đầu các hoạt động an ninh và quân sự… Triều Tiên sẽ lên tiếng, Trung Quốc không phải làm gì, vì Triều Tiên đã buộc liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn phải để ý tới họ. Nên tôi cho rằng Triều Tiên vẫn là một đồng minh rất giá trị với Trung Quốc, bất chấp những rắc rối mà họ đang gây ra”.

Nhà chức trách Trung Quốc từ chối bình luận về vụ thanh trừng ông Jang. Bộ ngoại giao nước này nói đó là “vấn đề nội bộ” của Triều Tiên và Nhân dân nhật báo không đưa tin trên bản báo in của họ.

Tuy nhiên, trong một bài xã luận tiếng Anh ngày thứ Năm, một nhà phân tích của báo Hoàn cầu cho rằng những cáo buộc với ông Jang có thể có ảnh hưởng ghê gớm trong giới lãnh đạo Triều Tiên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại