Triều Tiên: Từ bỏ chương trình hạt nhân hay không là ở Mỹ

Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân của mình trừ khi Mỹ kết thúc những gì mà họ gọi là chính sách “thù địch” với Bình Nhưỡng, một nhà ngoại giao cấp cao Triều Tiên cho biết.

Chúng tôi sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân, trừ khi Mỹ rút lại chính sách thù địch chống lại đất nước của chúng tôi”, Choi Myung-nam, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã nói với các phóng viên bên lề Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN đang diễn ra tại Brunei hôm thứ Ba (2/7).

Trong một động thái khác, Ngoại trưởng Triều Tiên Pak Ui-chun cũng đưa ra lời đề nghị nối lại đàm thoại với Mỹ và yêu cầu Mỹ không nên đưa ra "các điều kiện tiên quyết" cho cuộc đối thoại này.

Triều Tiên: Từ bỏ chương trình hạt nhân hay không là ở Mỹ
Đài truyền hình CCTV Trung Quốc đưa tin Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Triều Tiên Pak Ui-chun đã có cuộc gặp bên lề Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN ngày 2/7/2013.

Triều Tiên đã tìm kiếm các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân tại Brunei năm nay, tuy nhiên Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai-young cho biết các quan chức Seoul sẽ không xem xét nguyên vọng này của Bình Nhưỡng. Washington cũng có một từ chối tương tự với bình luận rằng các cuộc đàm phán như vậy là “hơi khác thường”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Ui-chun cũng đã có các cuộc hội đàm song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Brunei. Cả hai đã thảo luận những biện pháp nhằm tiến tới các cuộc thảo luận ngoại giao về tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Vương Nghị cho biết: "Mục tiêu không thể thay đổi của chúng tôi là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, và chúng tôi tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu này".

Các nước khác trong các cuộc đàm phán 6 bên gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, và Hoa Kỳ cũng đã kêu gọi Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa. Triều Tiên đã từng có một thỏa thuận dừng các chương trình hạt nhân với Mỹ, nhưng không chứng minh được sự chân thành khi vẫn thử tên lửa tầm xa, bất chấp sự ‘khuyên nhủ’ của Bắc Kinh.

Triều Tiên lần đầu tiên được mời tham dự ARF tại Thái Lan, khi Bangkok tổ chức các cuộc thảo luận trong năm 2000. Trong năm 2011, các phái viên hạt nhân hàng đầu của hai miền Triều Tiên gặp nhau bên lề diễn đàn tại Bali, và đồng ý làm việc hướng tới một nối lại các cuộc đàm phán sáu bên, mặc dù các cuộc đàm phán vẫn bị đình trệ.

Bộ trưởng Ngoại giao hai miền Triều Tiên đã tổ chức cuộc hội đàm bên lề trong năm 2000, 2004, 2005 và 2007, và các nhà ngoại giao hàng đầu của Bình Nhưỡng và Washington cũng gặp riêng trong năm 2004 và 2008.

Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên đang tái sử dụng các “chiêu bài” cũ của mình, sử dụng những lời lẽ hung hăng với các nỗ lực ngoại giao để có được sự viện trợ và sự nhượng bộ từ bên ngoài.

Mặc dù đã có những nỗ lực ngoại giao nhất định, Triều Tiên vẫn tiếp tục gây lo ngại về chương trình phát triển hạt nhân của mình. Bình Nhưỡng đã thành công trong vụ thử hạt nhân hồi tháng Hai, vụ thử thứ 3 kể từ năm 2006, kèm theo đó là kế hoạch khôi phục lại tất cả các cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân của nó.

Các cuộc thử nghiệm mới nhất của Triều Tiên đã bị quốc tế lên án rộng rãi và Liên Hợp Quốc đã thắt chặt lệnh trừng phạt. Sau khi các lệnh trừng phạt được đưa ra, Triều Tiên tiếp tục đưa ra những mối đe dọa hiếu chiến và gia tăng căng thẳng trên bán đảo.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại