Trang Sina ngày 30/9 cho hay, hồi năm 2014, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện xác một chiến hạm ở vùng biển Hoàng Hải gần thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, được cho là của hải quân triều Thanh bị đắm trong trận hải chiến Giáp Ngọ 1894 với hải quân Nhật Bản.
Được phát hiện cách cảng Đan Đông khoảng 10 hải lý về phía Nam, phần lớn chiến hạm nặng 1.600 tấn này bị vùi dưới cát và vẫn bảo tồn được một cách tương đối hình dáng bề ngoài. Trong quá trình điều tra, người ta còn tìm thấy đạn, pháo và các tàn tích của vũ khí.
Chiếc tàu được Trung Quốc "tạm" đặt tên là "Đan Đông số 1". Gần đây, các chuyên gia Trung Quốc tìm thấy một số bằng chứng cho thấy đây là chiến hạm Chí Viễn thuộc Hạm đội Bắc Dương của quân đội Thanh Triều.
Đĩa sứ tìm thấy trên tàu "Đan Đông số 1" có chữ "Chí Viễn", ảnh do Tân Hoa Xã chụp hôm 26/9.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu "Đan Đông số 1" thuộc Trung tâm bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, Cục văn vật quốc gia Trung Quốc Trần Xuân Thủy hôm 29/9 trả lời Tân Hoa Xã cho biết, sau gần 2 tháng điều tra, các học giả đã phát hiện hơn 100 món đồ vật.
Theo ông Trần, trong số cổ vật được tìm thấy có những mảnh sứ vỡ, trên đó có chữ "Chí Viễn" được viết bằng chữ Hán phồn thể. Đây được cho là bằng chứng trực tiếp xác định "danh tính" thực của "Đan Đông số 1".
Vỏ đạn pháo 152mm được các nhà khảo cổ tìm thấy. Ảnh: Xinhua
Số phận chiến hạm trong "đại hải chiến" 1894
Vùng biển Hoàng Hải ở cách cửa sông Áp Lục khoảng 50km về phía Tây Nam từng là khu vực giao tranh của hải chiến Giáp Ngọ cách đây 121 năm.
4 chiến hạm thuộc Hạm đội Bắc Dương của hải quân Thanh triều gồm Chí Viễn, Kinh Viễn, Siêu Dũng và Dương Uy đã bị hải quân Nhật đánh chìm.
Theo Sina, tàu Chí Viễn do tướng Đặng Thế Xương làm hạm trưởng bị bắn chìm trong khi cố gắng bảo vệ kỳ hạm Định Viễn.