TQ tuyên bố rắn: Không đàm phán biển, đảo với Nhật

Những tưởng mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật và Trung sẽ có hướng đi mới nhằm làm hạ nhiệt những bất đồng…

Bắc Kinh cứng rắn

Rõ ràng Bắc Kinh vẫn không cảm thấy thoải mãi khi Tokyo liên tiếp có những hành động được cho là đi quá giới hạn. Chính vì thế Trung Quốc tin rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để đàm phán về vấn đề biển đảo với Nhật.

Vẫn biết rằng tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang là yếu tố chính gây căng thẳng trong quan hệ hai nước. Song việc Trung Quốc bác bỏ khả năng gặp cấp cao với Nhật Bản để bàn về tranh chấp chủ quyền tại Biển Hoa Đông vì lý do Tokyo chỉ toàn nói suông đã khiến nhiều người cảm thấy bi quan hơn về tình hình khu vực.

Thông điệp trên được Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, ông Lý Bảo Đông, đưa ra để trả lời cho câu hỏi về khả năng có một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước tại hội nghị G20 vào tuần tới.

Những động thái cứng rắn của Bắc Kinh được xem là bắt nguồn từ việc Tokyo liên tục hiện đại hóa quân đội và đang có xu hướng từ bỏ khái niệm
 

Những động thái cứng rắn của Bắc Kinh được xem là bắt nguồn từ việc Tokyo liên tục hiện đại hóa quân đội và đang có xu hướng từ bỏ khái niệm "lực lượng phòng vệ" để xây dựng quân đội chính quy.

Trước đó, Nhật Bản đã tỏ ý muốn thảo luận thêm với Trung Quốc về vấn đề vốn đang gây căng thẳng nghiêm trọng cho quan hệ giữa hai nước. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông. Nhật Bản đã mua lại ba đảo của quần đảo này từ một chủ tư nhân người Nhật vào năm ngoái, khiến Bắc Kinh tức giận.

Cũng kể từ lúc đó, các tàu của chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần ra vào khu vực xung quanh quần đảo trên, mà Nhật tuyên bố là vùng biển chủ quyền của nước này, làm nảy sinh quan ngại xảy ra đụng độ ngoài ý muốn hoặc leo thang căng thẳng.

Không những tỏ rõ thái độ cứng rắn của mình trên bàn đàm phán ngoại giao, Bắc Kinh còn tiếp tục có những hành động được phía Nhật Bản cho là gây hấn khi có nguồn thông tin khẳng định rằng ba tàu tuần duyên của Trung Quốc đã vào vùng biển quanh các đảo này hôm 27/8 vừa qua.

“Lãnh đạo hai bên gặp gỡ không chỉ đơn thuần là để bắt tay và chụp hình, mà là để giải quyết các vấn đề. Nếu Nhật Bản muốn dàn xếp một cuộc gặp để giải quyết vấn đề, thì họ phải ngưng nói suông và hành động chỉ mang tính hình thức”, ông Lý Bảo Đông tái khẳng định quan điểm sử dụng “cây gậy” để nói chuyện phải trái với Nhật vào thời điểm này.

Nhật cũng không vừa

Trước thái độ kiên quyết của Bắc Kinh, Tokyo cũng tin tưởng rằng lực lượng phòng vệ Nhật sẽ làm tất cả để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh hải của nước này trước bất kỳ lời đe dọa nào của nước ngoài.

“Chúng tôi đã nhân nhượng và có những thuyết sách mang tính xây dựng, nhưng họ (Trung Quốc) không tỏ rõ thiện chí, vì thế tình hình trong khu vực vẫn sẽ hết sức căng thẳng. Nhưng người Nhật sẽ không đứng nhìn quốc gia khác dễ dàng xâm phạm lãnh thổ của nước mình”, đại diện Bộ Ngoại giao Nhật tuyên bố.

Không chỉ tỏ rõ sự kiên định trong lời nói, Tokyo còn tố cáo Bắc Kinh lập lờ cả trong lời nói cũng như hành động của mình. Nếu Bắc Kinh nói Tokyo chỉ biết nói suông thì Tokyo lại khẳng định, Bắc Kinh đang rất giỏi sử dụng chiêu mị dân và rằng Trung Quốc không thể coi việc giải quyết tranh chấp biển Hoa Đông cũng như biển Đông.

Nước Nhật sẽ không chấp nhận một cuộc mặc cả nào liên quan tới chủ quyền quốc gia, chúng tôi đã tỏ rõ thiện chí của mình, điều còn lại phụ thuộc vào Trung Quốc, nếu họ tỏ ra cứng rắn thì chúng tôi cũng đủ cứng rắn để đáp lại họ, tờ japanmil của Nhật viết.

Nhật Bản cho rằng TQ đang tự cho mình cái quyền phán xét người khác dựa trên sức mạnh của một nước lớn.
Nhật Bản cho rằng TQ đang tự cho mình cái quyền phán xét người khác dựa trên sức mạnh của một nước lớn.

Chuyên gia Thomas Muller phân tích trên trang Ausdefence rằng, cả Tokyo cũng như Bắc Kinh đều đang thể hiện rõ quyết tâm cũng như quan điểm nhất quán của mình trong việc giải quyết mâu thuẫn liên quan tới việc tranh chấp trên quần đảo Senkaku. Nhưng điều này sẽ không thể mang lại lợi ích cho cả hai bên, tình hình “chung chiêng” như vậy chỉ có lợi cho một quốc gia thứ 3 có sự can thiệp và đó là điều mà Bắc Kinh ngại nhất.

Việc Bắc Kinh “cứng rắn” và Nhật cũng tỏ ra “không vừa” sẽ càng khiến cho tình hình căng thẳng trong khu vực thêm khó đoán định. Sẽ khó có một cuộc chiến nổ ra như trong quá khứ, nhưng rõ ràng sự bất ổn thì vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, tờ Tiếng nói nước Nga phân tích.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại