Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn lời các chuyên gia phân tích Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh đang rất tự tin rằng những căng thẳng trong khu vực sẽ lắng dịu mà không có bất cứ xung đột nào, sau khi các quốc gia láng giềng và Mỹ có thời gian thích nghi với vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc (ADIZ) trên biển Hoa Đông.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc về việc đơn phương thành lập vùng phòng không, bao trùm lên gần hết biển Hoa Đông, đang chịu nhiều lời chỉ trích, thậm chí là khiêu khích, của nhiều quốc gia láng giềng, kể cả các quốc gia vốn được cho là thân thiện.
Tuy nhiên, theo giáo sư về quan hệ quốc tế Shi Yinhong tại Đại học Renmin, những lời chỉ trích và khiêu khích này không dẫn tới xung đột bởi không chính phủ nào có liên quan muốn gây bất ổn. Ông Shi nhận định, Bắc Kinh đã có cách tiếp cận vấn đề thiết lập vùng phòng không một cách "kiên nhẫn và khôn khéo... Đó là lí do vì sao chúng ta vẫn chưa thấy có bất cứ một cuộc xung đột nào xảy ra, cả 3 bên: Bắc Kinh - Washington - Tokyo - đều cố gắng ngăn chặn những căng thẳng quân sự trên không". Ông Shi tin rằng vùng phòng không này có thể tồn tại và các quốc gia khác sẽ phải chấp nhận nó.
Vùng phòng không trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc đơn phương thiết lập.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã tái khẳng định những lo ngại của mình trước những động thái của Trung Quốc: "Úc quan tâm tới hòa bình và ổn định trong khu vực và chúng tôi không muốn thấy căng thẳng leo thang".
Về phần mình, Mỹ đã kêu gọi Bắc Kinh thiết lập đường dây nóng để đối phó với các nguy cơ có thể xảy ra tại khu vực tranh chấp. "Trung Quốc nên phối với các quốc gia khác, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, để vận dụng các biện pháp xây dựng lòng tin, bao gồm cả các kênh liên lạc khẩn cấp để giải quyết những nguy hiểm từ thông báo mới đây của Bắc Kinh”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho hay.
Ông Jin Cahrong, giáo sư khoa nghiên cứu quốc tế, Đại học Renmin cho biết Bắc Kinh chắc chắn đã biết trước những phản ứng này: "Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả các kịch bản có thể xảy ra, bao gồm cả các cuộc xung đột giữa máy bay chiến đấu của Trung Quốc và Nhật Bản... Trừ khi Mỹ quyết định trực tiếp tham gia, còn nếu không, mọi thứ cho tới nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Bắc Kinh".