Tổng thống Putin có quyền lực hơn Tổng thống Obama?

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin được tạp chí Forbes của Mỹ bầu chọn là người quyền lực nhất thế giới, một số người Mỹ đã không muốn chấp nhận sự thật này.

Trong cách nghĩ của họ, nước Mỹ siêu cường có nền kinh tế lớn hơn Nga nhiều lần, có quân đội mạnh hơn Nga nên lẽ đương nhiên Tổng thống của họ phải quyền lực nhất.

Ảnh minh họa
Tổng thống Putin.

Tuy nhiên, vị chính khách quyền lực nhất phải là người có ảnh hưởng, tác động đến thế giới nhiều nhất theo hướng tích cực và được nhiều người ủng hộ nhất. Xét trên yếu tố này thì việc Tổng thống Putin vượt qua người đồng cấp Barack Obama để vươn lên vị trí người quyền lực nhất thế giới là điều tất yếu.

Chỉ trong vòng vài tháng qua, ông chủ điện Kremlin cũng là một võ sĩ judo đai đen đã liên tục tung những “đòn” tuyệt chiêu "hạ gục" Nhà lãnh đạo nước Mỹ một cách ngoạn mục trên chính trường quốc tế. Nhờ đó, uy tín của Tổng thống Putin và nước Nga cứ ngày một tăng lên trong khi ở phía bên kia, ông chủ Nhà Trắng thường xuyên phải ngậm ngùi cay đắng thừa nhận những thất bại của mình.

Từ vụ Snowden...

Đầu tiên phải kể đến cuộc khủng hoảng mang tên Snowden. Ở đó, người ta đã chứng kiến Tổng thống Putin xử lý vụ việc một cách cực kỳ khôn ngoan và đầy uy thế trước một nước Mỹ quen đi gây áp lực để đạt được mục đích.

Edward Snowden – cựu nhân viên CIA bị Mỹ gọi là “kẻ phản bội” vì đã tiết lộ thông tin mật của đất nước. Snowden đã bị Mỹ truy nã gắt gao vì bị cáo buộc hai tội danh là làm gián điệp và ăn cắp thông tin tối mật sau khi anh này tiết lộ một loạt thông tin mật về các chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. Snowden đã chạy sang Hồng Kông trước khi trốn sang thủ đô Moscow và xin tị nạn chính trị tạm thời ở Nga hôm 16/7. Washington đã liên tục kêu gọi Moscow bác bỏ đơn xin tị nạn của Snowden và đưa anh này trở lại Mỹ để chịu sự xét xử.

Mỹ đã dùng đủ mọi cách, từ thuyết phục đến đe dọa nhưng chẳng thể làm ông Putin lung lay. Moscow đã chính thức cấp quy chế tị nạn tạm thời cho Snowden hồi đầu tháng 8.

Quan sát cách xử lý vụ khủng hoảng Snowden giữa Mỹ và Nga, người ta thấy Tổng thống Putin đã giải quyết vụ việc này một cách hoàn toàn hợp pháp, công khai và minh bạch. Và trên hết, người ta không hề thấy ở đây có sự hả hê hay đắc thắc gì của ông Putin dù ông đã khiến Mỹ thực sự “mất mặt”. Lâu nay, Mỹ vẫn luôn giương cao “lá bài” dân chủ, nhân quyền để công kích Nga nhưng vụ Snowden đã khiến Mỹ hoàn toàn bẽ mặt bởi nó đã cho thấy, siêu cường tự cho mình là người bảo vệ “dân chủ, nhân quyền” đang đi ngược lại với các giá trị mà họ coi là “cốt lõi”, phải bảo vệ.

Nổi lên trong vụ Snowden là cách ông Putin đối mặt với một siêu cường Mỹ quen dùng uy thế, sức mạnh để áp đảo các nước khác, buộc các nước khác phải quy phục theo cách của mình. Nhà lãnh đạo nước Nga đã tự tin đối đầu với nước Mỹ và tự tin xử lý vụ việc theo cách riêng của mình. Đây không phải là điều mà nhiều nước dám làm.

.... đến cuộc khủng hoảng Syria

Sau vụ Snowden, người dân thế giới còn chứng kiến Tổng thống Nga Putin đã “cứu” người đồng cấp Obama một bàn thua trông thấy khi vào giờ phút cuối cùng đã ngăn cho Mỹ không phải mắc kẹt thêm vào một vũng lầy chiến tranh nữa ở khu vực Trung Đông vốn đầy bạo lực và bất ổn.

Mỹ rõ ràng không muốn mình bị kéo vào một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông, đặc biệt là ở Syria – nơi mức độ thảm khốc và khó khăn chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với chiến trường Libya trước đây. Mỹ vốn đã bị sa lầy trong hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan với không biết bao nhiêu sinh mạng bị hy sinh và tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của. Một cuộc chiến tranh ở thời điểm mà siêu cường số 1 thế giới đang đối mặt với tình trạng nền kinh tế suy yếu là một viễn cảnh hoàn toàn không ai mong muốn. Tuy nhiên, vì Tổng thống Obama đã “chót” tuyên bố về cái gọi là “lằn ranh đỏ” trong vấn đề vũ khí hóa học nên ông này hoàn toàn không có đường lui. Một nhà lãnh đạo của siêu cường lớn nhất thế giới không thể nói chơi. Ông này đã nói là sẽ trừng phạt Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học thì có nghĩa là ông sẽ phải ra tay.

Mỹ buộc lòng phải chuẩn bị cho một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria mà không được sự ủng hộ của phần lớn người dân trong nước cũng như thế giới và ngay cả những nước đồng minh thân thiết từng luôn sát cánh với họ trong các cuộc chiến tranh trước đó. Trong bối cảnh này, vào giờ phút cuối cùng, nước Nga của Tổng thống Putin đã xuất hiện, đưa ra được một đề xuất có tính đột phá, không chỉ cứu được ông Obama, nước Mỹ mà cứu cả khu vực Trung Đông, nếu không nói là cả thế giới.

Nga đã đưa ra đề xuất Syria hủy bỏ vũ khí hóa học để tránh đòn tấn công trừng phạt của Mỹ. Đề xuất này nhanh chóng được cộng đồng quốc tế hoan nghênh nhiệt liệt. Bản thân người dân Mỹ và các đồng minh của Mỹ cũng phải thừa nhận tính ưu việt của lựa chọn này. Rõ ràng, chính quyền của Tổng thống Putin đã “cao tay” hơn siêu cường Mỹ khi đưa ra được một biện pháp ngoại giao thích hợp và hiệu quả trong khi Mỹ chỉ nhăm nhăm dùng đến vũ lực.

Khi mà hòa bình luôn được đề cao hàng đầu, giải pháp của ông Putin đương nhiên là được cộng đồng thế giới ủng hộ nhiệt liệt. Ông Putin đã giúp tránh thêm một cuộc đổ máu khủng khiếp ở chiến trường vốn đã đẫm máu và ác liệt ở Syria. Chưa kể, nếu Mỹ tấn công vào Syria, cuộc chiến ở đây có nguy cơ bùng phát ra toàn bộ Trung Đông, khiến khu vực này chìm trong biển lửa. Và người ta không thể không nghĩ đến một cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II trong tình huống này.

Dù không muốn, người ta cũng sẽ phải đưa ra sự so sánh về ông Putin và ông Obama. Một nước Mỹ luôn tự cho mình là lực lượng bảo vệ thế giới, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tự do nhưng dường như lại luôn dùng đến sức mạnh, vũ lực để giải quyết vấn đề. Trong khi đó, nước Nga của ông Putin luôn bị Mỹ và phương Tây chỉ trích về vấn đề dân chủ, nhân quyền lại chính là nước giương cao ngọn cờ hòa bình trong cách thức xử lý các cuộc khủng hoảng quốc tế. Trong một diễn biến rất “thuận theo tự nhiên”, nhiều người dân thế giới đã tự đặt ra câu hỏi và có sự so sánh về việc vì sao ông Obama được nhận giải Nobel Hòa bình trong khi Tổng thống Putin lại không.

Mới đây nhất, việc Tổng thống Obama phải tiếp tục xử lý vụ scandal lùm xùm liên quan đến chương trình do thám, nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã khiến uy tín của ông này cũng như của nước Mỹ tiếp tục “bị giáng thêm một đòn mạnh”. Mỹ đã khiến ngay cả những đồng minh mạnh nhất, thân thiết nhất của họ cũng phải phật lòng vì trò nghe lén.

Đó là trên chính trường thế giới, còn trong nội bộ, Tổng thống Obama thời gian qua cũng phải loay hoay, toát mồ hôi để xử lý một loạt những mớ bòng bong trong nước. Sự kiện chính phủ Mỹ phải đóng cửa vì mâu thuẫn nội bộ cũng là yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ông chủ Nhà Trắng và siêu cường Mỹ.

Với những diễn biến trong thời gian qua, người ta dễ dàng nhận thấy, Tổng thống Putin đang vượt qua người đồng cấp Obama để trở thành một người chơi chính trên chính trường quốc tế. Trong khi đó, không cần phải nói thì ai cũng hiểu, nước Mỹ của ông Obama đang trên đà đi xuống.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại