TOÀN VĂN: Bà Tôn Nữ Thị Ninh trả lời hãng tin Đức về Biển Đông

Bà Ninh cho rằng, các nước EU nên cất tiếng nói rõ ràng hơn, to hơn, và ít nhất cũng gọi đúng tên các hành động của TQ ở Biển Đông - đó là những khiêu khích đơn phương nguy hiểm.

Trung Quốc gần đây đã quyết định gửi thêm 4 giàn khoan dầu vào Biển Đông nhằm đẩy mạnh hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển giàu tiềm năng năng lượng. Động thái mới của Bắc Kinh diễn ra chưa đầy 2 tháng sau khi nước này triển khai giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bắc Kinh ra yêu sách chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bác bỏ mọi tuyên bố của các nước khác trong ASEAN.

Căng thẳng ở châu Á đang dâng cao hơn bao giờ hết kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan khổng lồ nói trên ở vùng biển Việt Nam. Nhà ngoại giao kỳ cựu Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam đã kêu gọi Liên minh châu Âu nỗ lực giải quyết tranh chấp hiện nay trên Biển Đông.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Đài Đức DW, chuyên gia ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng các cường quốc lớn trên thế giới không thể cứ thờ ơ với những gì đang diễn ra ở Biển Đông

DW: Liệu EU có nên can dự nhiều hơn vào khủng hoảng hiện nay ở Biển Đông?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Chúng ta sống trong một thế giới đa cực. Các lực lượng lớn, như EU,  đôi lúc cần can dự một cách trực tiếp hoặc gián tiếp ở nơi này nơi khác trên thế giới vì hòa bình và an ninh. Chẳng hạn, Mỹ đã luôn tuyên bố mình là một cường quốc Thái Bình Dương và đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về các hành động khiêu khích của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng EU, vốn có quan hệ rất tốt đẹp với Việt Nam, vẫn chưa được rõ ràng và lớn tiếng cho lắm.

EU vẫn xem xét vấn đề này một cách giới hạn như thể đó chỉ là một vấn đề tranh chấp Việt-Trung. Thực tế là quy mô vấn đề mang tính khu vực, và trong một chừng mực nào đó, mang tính toàn cầu. Trung Quốc hoàn toàn có thể đã hạ đặt giàn khoan này ở bất cứ nơi nào khác trong khu vực đường lưỡi bò mà nó tuyên bố có chủ quyền. Tuy nhiên họ cố tình thực hiện điều này ngay sát Việt Nam.

Điều nguy hiểm của hành vi này, như người Việt chúng tôi thường nói, là “đầu xuôi thì đuôi lọt”. Đối với Trung Quốc đây là một dự án thử thái độ. Nếu thành công, đây sẽ là thông điệp gửi tới cả các nước khác trong khu vực. Điều đó cũng có nghĩa rằng cộng đồng quốc tế chẳng thể làm gì cả. Đây là nỗ lực của Trung Quốc muốn xác lập chủ quyền ở vùng biển tranh chấp, rộng tới hơn 80% diện tích Biển Đông.

EU hoàn toàn không đáp ứng được các mong đợi của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á bởi vì sự hiện diện kinh tế và văn hóa của EU trong khu vực là rất cao so với vị trí địa chiến lược và địa chính trị của nó. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc EU tăng cường tiếng nói của mình ở đó để góp phần thực thi trật tự thế giới đa cực. Chúng ta cần tìm ra cách thức để khiến Trung Quốc hiểu rằng con đường duy nhất để họ trở thành một cường quốc lớn được các nước khác công nhận và tôn trọng là tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng tất cả các nước.

Lính hải quân Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo (ảnh: Reuters)

Trung Quốc đang cố thiết lập một thời kỳ phát triển hòa bình trong đó mình đóng vai trò trụ cột. Nhưng dấu ấn của cái đó gây bất an cho tất thảy mọi người, đặc biệt là với những nước như Việt Nam khi phải chịu những hành động khiêu khích ngang ngược của Bắc Kinh. Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh cơ bắp và tự cho mình tiếng nói đơn phương về hàng hải quốc tế tại khu vực này của thế giới. Cách hành xử của Trung Quốc là nguồn gốc gây quan ngại nghiêm trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn các nước bên ngoài khu vực.

DW: Việt Nam mong đợi sự giúp đỡ hay ủng hộ nào từ EU?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Các nước EU nên cất tiếng nói rõ ràng hơn, to hơn. Khối này nên ít nhất gọi đúng tên các hành động của Trung Quốc – đó là những khiêu khích đơn phương nguy hiểm cho hòa bình và an ninh khu vực. Các ngoại trưởng EU có thể đưa vấn đề này ra diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, hay các diễn đàn như UNCLOS. Thời đại chúng ta, tuổi thọ chú ý rất thấp. Các xung đột bùng phát hàng tuần. Sẽ rất thất vọng nều tiếng nói của các cường quốc lớn không được nghe thấy đúng lúc. Thực tế này có lợi cho Bắc Kinh.

DW: Bà có nghĩ các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ chấp nhận EU đóng vai trò lớn hơn trong xung đột ở đây?

Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Trung Quốc không ưa điều này. Phó Oánh, chủ nhiệm ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc, đã nói với Mỹ tại Đối thoại Shangri-La rằng Washington chả liên quan gì đến vấn đề giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tôi nghĩ các nước lớn nên nói cho Bắc Kinh rằng trong thế giới hiện đại đòi hỏi phải giương cao hơn nữa luật pháp quốc tế và nghĩa vụ của tất thảy mọi người là bảo đảm cho điều đó xảy ra.

Sự thật là các hành động đơn phương của Trung Quốc vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Việt Nam là một nước nhỏ và không thể khiêu khích một nước lớn như Trung Quốc. Chúng tôi luôn xử lý mối quan hệ với Trung Quốc một cách kiềm chế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại