Tình tiết hé lộ Kim Jong Un đã cố "làm đẹp lòng" Trung Quốc

Hải Võ |

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được cho là đã từng có thiện chí nhượng bộ trước Trung Quốc, khi Bắc Kinh cử một Ủy viên Bộ chính trị thăm Bình Nhưỡng.

Kim Jong Un sửa diễn văn vì khách quý từ Trung Quốc

Hãng Kyodo News (Nhật Bản) mới đây tiết lộ, bài diễn văn 25 phút mà ông Kim Jong Un đọc trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động của nước này hôm 10/10 đã có nhiều chi tiết chỉnh sửa so với bản thảo trước đó.

Theo Kyodo, nội dung "bản gốc" bài diễn văn bao gồm các nội dung liên quan tới vũ khí hạt nhân và đã được ông Kim lược bỏ trong bài phát biểu chính thức.

Bản thảo ban đầu cũng được cho là nhắc đến "Mỹ có ý định làm sụp đổ nước Cộng hòa (tức Triều Tiên), chúng ta phải quyết tử chiến, kiên quyết sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ quốc gia".

Một câu khác cũng nhắc đến vấn đề này là: "Để đối phó với các thế lực đe dọa, củng cố thể chế của mình, chúng ta buộc phải triển khai các biện pháp đối kháng toàn diện, tiến lên cường quốc hạt nhân..."

Ngoài ra, hãng tin Nhật Bản cũng nói rằng ông Kim Jong Un còn đề cập đến vấn đề "nghiên cứu tên lửa đạn đạo" và từng có ý định tuyên bố khẩu hiệu "cường quốc hạt nhân" trong bài diễn văn ngày 10/10.

Tuy nhiên, Kyodo cho hay, kịch bản trên đã bị thay đổi khi Trung Quốc quyết định cử Ủy viên Bộ chính trị Lưu Vân Sơn tới dự lễ duyệt binh của Bình Nhưỡng, như một động thái cải thiện và củng cố quan hệ "đồng minh xương máu" với Triều Tiên.

Đáp lại hành động này của Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã quyết định xóa bỏ những câu từ liên quan đến vũ khí hạt nhân trong bài phát biểu của mình.

Kyodo nhận định, bên cạnh sự xuất hiện của Lưu Vân Sơn, cũng có khả năng ông Kim đã xem xét lại về ảnh hưởng chính trị và chiến lược nếu đề cập đến vũ khí hạt nhân trong lễ duyệt binh, đặc biệt khi điều đó có thể khiến các quốc gia láng giềng quan ngại.

Điều này tiếp tục được Kim Jong Un duy trì trong bài phát biểu đầu năm mới vào hôm qua, 1/1/2016, khi ông không nói một từ nào về vũ khí hạt nhân mà kêu gọi cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, sẵn sàng đối thoại cởi mở với Seoul về việc thống nhất hai miền bán đảo.


Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Lưu Vân Sơn (trái) cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng ngày 10/10/2015

Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Lưu Vân Sơn (trái) cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng ngày 10/10/2015

Mối quan hệ "mập mờ khó hiểu" giữa Bắc Kinh-Bình Nhưỡng

Thông tin mà Kyodo News tiết lộ hiện chưa được Bình Nhưỡng hay Bắc Kinh xác nhận, nhưng nếu là thực thì điều này lại khiến cho tuyên bố bất ngờ về bom khinh khí của ông Kim Jong Un ngày 10/12 trở nên khó lý giải.

Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, nhà lãnh đạo này đã khẳng định "sẵn sàng sử dụng bom khinh khí để bảo vệ chủ quyền và phẩm giá đất nước".

Trang Đa Chiều (Mỹ) bình luận, tuyên bố này của ông Kim ngay lập tức đã làm leo thang căng thẳng Trung-Triều và thậm chí cho thấy chuyến thăm của Lưu Vân Sơn hồi tháng 10 không đạt được nhiều thành quả.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngay chiều 10/12 đã phản ứng với động thái của Triều Tiên và cho rằng "tình hình bán đảo vô cùng phức tạp, nhạy cảm", như một sự cảnh cáo với Bình Nhưỡng.

Chỉ sau đó 2 ngày, ban nhạc "con cưng" của ông Kim là Moranbong, vốn đang trong lịch trình lưu diễn tại Bắc Kinh, đã ra thẳng sân bay về nước vào chiều 12/12.

Dù không bên nào xác nhận mối liên hệ giữa vụ Moranbong bỏ về với tuyên bố bom khinh khí, song đây vẫn là giả thuyết được cho là có khả năng lớn nhất.

Trong diễn biến mới nhất, tờ báo đảng Triều Tiên Rodong Sinmun hôm 29/12 được cho là đã "ngầm trách móc Trung Quốc" cũng do vấn đề hạt nhân.

“Khi những đám mây đen của chiến tranh hạt nhân xuất hiện trên đường chân trời của Tổ quốc, chẳng quốc gia nào đến giúp chúng ta,” tờ này viết.

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, tờ Rodong còn nói thêm rằng, “một số nước có liên quan” đã đứng trung lập khi yêu cầu Bình Nhưỡng giữ bình tĩnh và kiềm chế khi đối mặt với “các thế lực thù địch”.

Đa Chiều cho hay, nhà lãnh đạo Kim Jong Un xem việc phát triển bom khinh khí là một thành tựu quan trọng trong thời kỳ nắm quyền của mình và tuyên bố hôm 10/12 cũng không hoàn toàn bất ngờ.

Sau vụ thử nghiệm hạt nhân hồi năm 2013, Bình Nhưỡng đã "cố ý lộ mật" để giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng đó là cuộc thử bom khinh khí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại