Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) sáng 23/11 đưa tin, người Mỹ được Triều Tiên trả tự do Matthew Miller nói rằng mình tới Triều Tiên "hoàn toàn vì tò mò", không có bất kỳ mục đích chính trị hay tôn giáo nào.
Hồi tưởng lại thời gian ở Triều Tiên, Miller cho biết đã trải qua "khoảng thời gian 5 tháng tươi đẹp" và không bị áp bức.
Trước đó, Mathew Miller từng tuyên bố, bản thân cố ý "để bị bắt" tại Triều Tiên, nhằm mục đích có cơ hội tiếp xúc với người dân bản địa và tìm hiểu cuộc sống ở quốc gia này.
"Cố ý xé visa du lịch"
Matthew Miller, 24 tuổi, là du khách nhập cảnh Triều Tiên hồi tháng 4 và bị bắt tại hiện trường khi anh này xé nát visa du lịch của mình trong khi làm thủ tục.
Tháng 9/2014, Tòa án tối cao Triều Tiên tuyên án Miller "hoạt động gián điệp" và xử anh này 6 năm lao động khổ sai.
Đến tháng 11, Miller cùng một công dân Mỹ khác là Kenneth Bae được Triều Tiên trả tự do sau nỗ lực của Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc gia Mỹ (CIA) James Clapper.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper. Ảnh: AP
Miller tiết lộ, anh này cố ý làm hỏng visa với hy vọng "được Triều Tiên bắt giữ", nhưng không ngờ "nguyện vọng bị bắt" cũng khó khăn ngoài sức tưởng tượng.
Theo đó, Triều Tiên yêu cầu Miller lập tức xuất cảnh nhưng anh này từ chối. Để gây sự chú ý, trước đó Miller đã chuẩn bị sẵn tờ giấy ghi "xin tị nạn chính trị"... Tuy nhiên màn kịch của người Mỹ này đã bị vạch trần ngay.
"Tôi đã đạt được mục đích tìm hiểu Triều Tiên. Tôi tới đây hoàn toàn không phải để truyền đạt thông tin bí mật gì, chỉ đơn thuần là giao tiếp với người dân Triều Tiên, tìm hiểu cuộc sống của họ" - Miller nói.
Matthew Miller cho biết mình "có nguyện vọng bị bắt" để được ở lại Triều Tiên và tìm hiểu cuộc sống tại đây.
Đối với người Triều Tiên "không có gì oán giận"
Matthew Miller cho hay, anh "không oán giận" người Triều Tiên và tiết lộ trong khoảng thời gian 5 tháng (từ tháng 4 đến tháng 9/2014), mình đã được giao tiếp với nhiều người.
Tuy nhiên, Miller không mặn mà với việc công khai những điều mà anh đã biết. "Có thể sau này tôi sẽ kể lại tất cả, nhưng cũng có khả năng xem đây là một trải nghiệm bí mật" - Matthew cho biết.
Miller thậm chí còn trở thành bạn thân với người phiên dịch của mình. "Quan hệ giữa chúng tôi rất tốt. Chúng tôi gặp nhau hàng ngày, trò chuyện rất vui vẻ. Cả hai còn đánh bóng bàn nữa" - Anh này thuật lại.
Theo Miller tiết lộ, người phiên dịch cho anh là một hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Anh thành thạo. Đặc biệt, khi cầu thủ bóng rổ nhà nghề Mỹ Dennis Rodman thăm Triều Tiên mừng sinh nhật nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người này cũng đảm nhiệm vai trò phiên dịch cho Rodman.
Matthew Miller cũng phủ nhận tin đồn cho rằng anh mắc bệnh tâm thần.