Thông điệp đanh thép Triều Tiên gửi Trung Quốc qua vụ thử bom H

Hải Võ |

Vào lúc 12h00 (giờ Bình Nhưỡng) hôm nay, 6/1, Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành thử thành công bom khinh khí. Đây được cho là một thông điệp mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Thông cáo của chính phủ Triều Tiên khẳng định đây là "sự kiện trọng đại chấn động đất trời trong lịch sử 5.000 dân tộc".

Theo BBC (Anh), vụ thử hạt nhân diễn ra chỉ 2 ngày trước sinh nhật của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào 8/1 tới.

Đáng chú ý, cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 4 đã không được Bình Nhưỡng thông báo trước cho Mỹ và Trung Quốc. Trong 3 vụ thử trước đây vào các năm 2006, 2009 và 2013, Triều Tiên đều báo trước 1-2 ngày cho Bắc Kinh và Washington.

Động thái này thêm một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về tình trạng thực sự của mối quan hệ Trung-Triều hiện nay, sau nhiều dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt trong thời gian qua.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Kiều Tỉnh - nguyên Trưởng phân xã TTXVN tại Bắc Kinh và Hồng Kông - đánh giá hành động "phớt lờ Trung Quốc" lần này của Triều Tiên không phải là diễn biến lạ.

Ông cho biết: "Kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền (12/2011) thì trong nhiều vụ thử các loại vũ khí khác như tên lửa, Bình Nhưỡng có thông báo với Mỹ, Nga… nhưng lại không báo với Trung Quốc.

Và trong hơn 1 năm qua, khi quan hệ Trung-Triều nhạt dần thì điều này trở nên không có gì lạ."

Ông cũng chỉ ra, Kim Jong Un trên thực tế đã báo trước về khả năng tiến hành thử nghiệm bom khinh khí (bom H) bằng tuyên bố hôm 10/12.

Dù vậy, vào thời điểm đó các bên còn hoài nghi về tính xác thực của lời ông Kim. Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) thậm chí khẳng định Bình Nhưỡng "chưa đủ khả năng để chế tạo ra bom khinh khí".

"Hôm 10/12, ông Kim Jong Un đã khẳng định Triều Tiên sở hữu bom H và sẵn sàng sử dụng nó để bảo vệ quốc gia, như một lời cảnh báo trước rằng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thử nghiệm loại bom này," ông Kiều Tỉnh cho biết.

Bên cạnh đó, Tuyên bố của Bình Nhưỡng sáng nay cũng là một đòn giáng mạnh vào ý định của Trung Quốc là lôi kéo Triều Tiên trở lại Đàm phán 6 bên để xử lý vấn đề bán đảo theo hướng mà Bắc Kinh mong muốn.

Ông Kiều Tỉnh bình luận: "Vụ thử bom hôm nay cho thấy Bình Nhưỡng đã bất chấp thái độ của Trung Quốc, chứng minh vòng Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên mà Bắc Kinh khởi xướng và chủ trì đã đi vào ngõ cụt.

Trước đây Triều Tiên đã tẩy chay thỏa thuận 7 điểm đạt được năm 2005 và hiện tại gần như chắc chắn không còn hy vọng đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, dù Trung Quốc liên tục tuyên truyền rằng đây là giải pháp chính trị tốt nhất cho bán đảo liên Triều."


Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đăng tải bức ảnh Kim Jong Un kí sắc lệnh thông qua việc tiến hành thử bom nhiệt hạch hôm 3/1

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đăng tải bức ảnh Kim Jong Un kí sắc lệnh thông qua việc tiến hành thử bom nhiệt hạch hôm 3/1

Thông điệp "thoát Trung" mạnh mẽ của Kim Jong Un

Về phía Trung Quốc, theo chuyên gia Kiều Tỉnh, họ có thể cảm thấy bất ngờ bởi sau chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 10 của Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Lưu Vân Sơn, dư luận tin rằng quan hệ Trung-Triều đã dịu xuống, góp phần ổn định vấn đề hạt nhân bán đảo.

"Tuy nhiên, động thái mới nhất đã chứng tỏ những chuyến thăm và nỗ lực của Trung Quốc nhằm 'khuyên răn' Triều Tiên đã không có hiệu quả.

Giới quan sát tại Trung Quốc hiện nay đa phần đánh giá rằng Bình Nhưỡng là một 'biến số rất lớn' mà Bắc Kinh không thể kiểm soát nổi.

Trung Quốc không còn nắm được những diễn biến lớn của tình hình nội bộ Triều Tiên, do đó rất khó để đặt ra những quyết sách đối với quốc gia này trong giai đoạn tới."

Ngoài ra, ông Kiều Tỉnh nhận định rằng, với việc tuyên bố rầm rộ vụ thử hạt nhân thì các nhà hoạch định chính sách của Triều Tiên có lẽ đã dự đoán trước được phản ứng của dư luận thế giới là không đồng tình, đi kèm với đó có thể là những khó khăn gia tăng về ngoại giao.

"Tuy nhiên, việc thông báo thử bom H nghĩa là Bình Nhưỡng muốn tuyên bố một điều rằng, cho dù Mỹ và Trung Quốc có hợp tác với nhau để gây sức ép với Triều Tiên thì cũng không thể cản được bước tiến của họ.

Đây cũng được xem là một tuyên ngôn khẳng định sự độc lập, tự chủ của Kim Jong Un nhằm vào sự kiểm soát từ Bắc Kinh.

Ông Kim muốn Trung Quốc hiểu một điều rằng, cho dù không còn bất kỳ sự viện trợ hay giúp đỡ nào từ nước này nữa thì Triều Tiên vẫn sẽ đi theo hướng của riêng mình và Trung Quốc không thể can thiệp được gì cả."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại