Thanh trừng khốc liệt ở Triều Tiên: Chỉ còn 1 công thần triều cũ

Hồng Anh |

(Soha.vn) - Sau gần 2 năm trên cương vị lãnh đạo tối cao Triều Tiên, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đã tích cực cải cách, trẻ hoá nhân sự, củng cố quyền lực.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, từ khi lên nắm quyền, Kim Jong Un đã thay thế 97/218 quan chức hàng đầu ở Triều Tiên, bao gồm các lãnh đạo đảng, bộ trưởng, quan chức quốc phòng cấp cao... 44% chỉ huy trong quân đội bị thay thế, chủ yếu là bởi những nhân vật trẻ tuổi hơn, trong độ tuổi 50 - 60.

Hàng loạt các nhân vật kì cựu, thân cận với lãnh đạo quá cố Kim Jong Il và đóng vai trò hậu thuẫn trong quá trình chuyển giao quyền lực cho nhà lãnh đạo trẻ cũng không phải là ngoại lệ. Giới phân tích cho rằng, đang có một cuộc thanh trừng diễn ra trong nội bộ nước này, "kết thúc kỉ nguyên Kim Jong Il và bắt đầu thời đại của Kim Jong Un", theo Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl Jae.

Mẹ kế bị tước bỏ toàn bộ chức vụ

Hồi tháng 7/2013, truyền thông phương Tây đưa tin bà Kim Ok, người vợ tư của cố lãnh đạo Kim Jong Il và cha bà là ông Kim Hyo, quan chức cấp cao trong Bộ Tài chính Triều Tiên đã bị bãi bỏ toàn bộ chức vụ.

Chuyên gia Chung Sung-jang, Viện Sejong (Hàn Quốc), cho rằng lí do bà Kim Ok - vốn là thư kí riêng, người chuyên đảm bảo lịch trình của ông Kim Jong Il - phải ra đi, là "bà ấy không còn việc gì để làm".

Tờ Telegraph dẫn lời giáo sư Đại học Waseda (Nhật Bản) Toshimitsu Shigemura, chuyên gia về Triều Tiên nhận định, bà Kim Ok đã trở thành một chướng ngại vật trên con đường thâu tóm quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ: "Bà ấy biết quá nhiều bí mật bên trong nội bộ chính quyền... Bà biết rõ tiến trình làm sao Kim Jong Un qua mặt người anh trai của mình để trở thành lãnh đạo Triều Tiên và cũng có thông tin cho rằng bà Kim Ok có một đứa con trai với cố lãnh đạo Kim Jong Il".

 	Bà Kim Ok

Bà Kim Ok

Không có thông tin gì về số phận của bà Kim Ok sau khi bị loại khỏi chính trường. Một số nguồn tin của báo chí Hàn Quốc cho biết, bà đã tới Bắc Kinh và Berlin để chữa bệnh

Trong khi đó, theo ông Shigemura, "nếu Kim Ok không âm mưu chống tại Kim Jong Un, thì bà này có lẽ chỉ bị đày ra vùng ngoại ô Bình Nhưỡng hay chỉ bị giam giữ tại gia. Còn trong trường hợp Kim Ok tích cực chống phá ông ta hoặc tham gia phe đối lập trong nội bộ đảng cầm quyền hay trong quân đội, thì bà chắc sẽ bị tống vào một trại giam”.

Bộ trưởng Quốc phòng: Thay cố vấn thân cận bằng tướng trẻ ít tiếng tăm

 	Ba đời Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên: Kim Jong Gak, Kim Kyok Sik, Jang Jong Nam

Ba đời Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên dưới thời Kim Jong Un: Kim Jong Gak, Kim Kyok Sik, Jang Jong Nam

Đầu tháng 4/2012, báo chí Triều Tiên thông báo Phó Nguyên soái Kim Jong Gak được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng các Lực lượng vũ trang (tương đương Bộ trưởng Quốc phòng), thay thế cho ông KimYong Chun, người đã phục vụ trong quân đội từ năm 1956.

Ông Kim Jong Gak được đánh giá là một cố vấn thân cận của Kim Jong Un và là một trong 8 quan chức cấp cao nước này được đi hộ tống bên cạnh linh cữu cố chủ tịch Kim Jong Il trong lễ tang của ông này.

Chỉ 7 tháng sau đó, hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) xác nhận ông Kim Jong Gak đã bị thay thế bởi vị tướng diều hâu Kim Kyok Sik mà không rõ nguyên nhân. Ông Kyok Sik được cho là người đã trực tiếp chỉ đạo việc nã pháo lên một hòn đảo tiền tiêu của Hàn Quốc cuối năm 2010, khiến 4 người thiệt mạng.

Song, những thay đổi vẫn chưa dừng lại ở đó. 6 tháng sau, tướng 3 sao ít tên tuổi Jang Jong Nam bất ngờ được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, thay vị tướng diều hâu Kim Kyok Sik. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min Seok cho biết “không rõ là vị tân bộ trưởng Triều Tiên có ít hiếu chiến hơn người tiền nhiệm hay không nhưng ông ta có vẻ thuộc thế hệ trẻ”.

1 năm, thay 3 Tổng tham mưu trưởng Quân đội

Cũng trong tháng 7/2012, Triều Tiên đã có động thái bất thường khi công bố tin Tổng tham mưu trưởng Ri Yong Ho bị tước bỏ mọi chức vụ vì "lí do sức khoẻ". Điều đó đồng nghĩa với việc ông này cũng phải rời khỏi Bộ Chính Trị và vị trí Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Triều Tiên. Ông Ri là một trong số những nhân vật chủ chốt hậu thuẫn cho Kim Jong Un trong giai đoạn chuyển giao quyền lực và là một trong những nhân vật thân cận nhất, được nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên đánh giá cao.

Tuy nhiên, "lí do sức khỏe" không thuyết phục được giới chuyên gia. Nhiều người cho rằng, ông Ri có thể đã thất bại trong cuộc đấu đá tranh giành quyền lực hoặc bị Kim Jong Un "loại" để thay thế bằng những nhân vật trẻ, thân tín với mình hơn để dễ dàng kiểm soát quân đội.

Ít ngày sau đó, truyền thông Hàn Quốc đã dẫn những nguồn tin thân cận ở Bình Nhưỡng xác nhận, "lí do sức khoẻ" chỉ là cái cớ. Trên thực tế, ông Ri đã bị bắt quả tang khi đang nói chuyện điện thoại, chỉ trích chính sách cải cách, mở cửa của nhà lãnh đạo trẻ. Tờ Dong-A (Hàn Quốc) còn cho biết, chính Phó Nguyên soái Choe Ryong Hae, Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị, người có nhiều bất đồng với ông Ri, là chủ mưu thực hiện vụ nghe trộm này.

 	Ông Ri Yong Ho bên cạnh nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un

Ông Ri Yong Ho bên cạnh nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un

Tuy nhiên, Hyon Yong Choi, nhân vật ít tên tuổi được lựa chọn thay thế vị trí của ông Ri, cũng không tại nhiệm được lâu. Trong phái đoàn tiễn một quan chức cấp cao của Triều Tiên đi Trung Quốc vào trung tuần tháng 5/2013, Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đã giới thiệu một cái tên khác trong vai trò Tổng tham mưu trưởng Quân đội - tướng diều hâu Kim Kyok Sik, người vừa rời khỏi vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.

Đồng thời, một bức ảnh chụp ông Hyon Yong Choi đăng tải trên tờ Rodong Sinmun cho thấy ông chỉ mặc quân phục mang quân hàm 4 sao - một bằng chứng chứng tỏ ông đã bị giáng cấp từ Phó Nguyên soái mới được phong vài tháng trước xuống hàm Tướng.

Tới cuối tháng 8/2013, khi giới thiệu các tướng lĩnh tháp tùng Kim Jong Un tới một giải bóng đá, tờ Rodong Shimun của Triều Tiên lại nhắc tới tên của ông Ri Yong Gil trước Bộ trưởng Quốc phòng mà không hề đả động gì tới vị Tổng tư lệnh họ Kim mới nhậm chức 3 tháng trước đó. Động thái này chứng tỏ nhiều khả năng ông Kim Kyok Sik đã mất chức.

Các chuyên gia cho rằng, ông Kim bị sa thải có thể vì lí do tương tự như cựu Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ri Yong Ho - cản trở nỗ lực cải cách kinh tế, cải thiện quan hệ với Hàn Quốc của nhà lãnh đạo trẻ.

Chỉ còn 1 "công thần" thời Kim Jong Il?

Báo Hàn Quốc Yonhap dẫn thông tin từ Cơ quan tình báo Quốc gia NIS cho biết ông Jang Song Thaek, chú của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, nhân vật quyền lực thứ 2 Triều Tiên, đã bị bãi chức Phó chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng Nhà nước. Hai cộng sự thân tín của ông này là Ri Yong Ha và Jang Soo Kil bị tử hình công khai hồi tháng 11.

 	Ông Jang Song Thaek

Ông Jang Song Thaek

Mặc dù Triều Tiên chưa chính thức xác nhận, song truyền thông nước ngoài có cơ sở để tin vào thông tin này.

Đầu năm 2013, giới chuyên gia về Triều Tiên cũng từng nhắc tới những rạn nứt giữa nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un và người chú của mình. Tháng 1/2013, ông Jang Song Thaek cũng không có mặt trong cuộc họp giữa các quan chức hàng đầu Triều Tiên về tác động và phản ứng đối với các biện pháp trừng phạt của LHQ lên nước này sau vụ phóng tên lửa hôm 12/12/2012. Các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu chứng tỏ ông Jang đã bị gạt khỏi bộ máy quyền lực của Triều Tiên.

AFP đánh giá rằng, nếu thông tin về ông Jang là sự thật thì đây là một biến động chính trị lớn nhất tại Triều Tiên sau khi Kim Jong Un lên nắm quyền. Theo báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, điều này cũng đồng nghĩa với việc chỉ còn một quan chức cấp cao duy nhất vẫn còn tại vị từ thời nhà lãnh đạo Kim Jong Il - đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Triều Tiên Choe Ryong Hae.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại