Tòa án Hình sự Thái Lan đã phê chuẩn lệnh bắt 19 thủ lĩnh của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) nói trên hôm 5-2, trong đó có cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban. Tòa án cho phép tạm giam những người này tối đa 7 ngày.
Hàng chục đội đặc nhiệm đã được thành lập để truy bắt 19 người này và chịu trách nhiệm chiệm chính là trợ lý cảnh sát trưởng quốc gia, Trung tướng Winai Thongsong, nhưng không được dùng bạo lực.
Ngày 6-2, Bộ trưởng Lao động Chalerm Yoobamrung, kiêm chức Giám đốc Trung tâm Duy trì hòa bình và trật tự (CMPO), cho hay ông Suthep đang ở tại lầu 11 của khách sạn Dusit Thani và được bảo vệ bởi các cận vệ vũ trang đầy đủ. Trong ngày 5-2, ông Suthep ra ngoài và quay về Dusit Thani lúc 2 giờ sáng hôm sau với sự hộ tống của đoàn 3 xe hơi cùng 50 xe máy.
Ông Chalerm nói đã yêu cầu các khách sạn hợp tác vì ông Suthep đã “dính” 2 lệnh bắt giữ.
Bộ trưởng Chalerm cho biết thêm CMPO đang xin lệnh bắt thêm 39 thủ lĩnh khác cũng thuộc PDRC. Tất cả bị cáo buộc vi phạm lệnh tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, khoảng 1.000 tình nguyện viên và cảnh sát sẽ được triển khai để giành lại trụ sở Bộ Nội vụ đang bị người biểu tình bao vây 4 ngày qua.
Cùng ngày 6-2, khoảng 200 nông dân đến từ tỉnh miền Trung Ratchaburi và 7 tỉnh miền Tây đã lái xe tải và máy gặt đập liên hợp án ngữ bên ngoài trụ sở Bộ Thương mại ở Bangkok để đòi thanh toán tiền mua lúa gạo mà chính phủ còn thiếu.
Bà Yingluck đã lên tiếng về việc này. Theo bà, việc chậm trễ thanh toán cho nông dân là do quốc hội bị giải tán hồi tháng 12-2013. The Nation dẫn lời bà Yingluck nói chính phủ rất huy động tài chính do chỉ mang tính tạm quyền. Ngoài ra, chương trình trợ giá gạo còn bị Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia điều tra.
Trong một diễn biến khác, cựu Bộ trưởng Tài chính Pridiyathorn Devakula ngày 6-2 đã kêu gọi chính phủ của bà Yingluck từ chức. Phản bác lại, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính tạm quyền Kittiratt Na-Ranong nói lý lẽ của ông Pridiyathorn cũng “phi dân chủ” không khác gì những người biểu tình chống chính phủ.