Người bạch tạng bị cắt chi ở Tanzania
Tanzania là quốc gia có số vụ tấn công người bạch tạng cao nhất châu Phi. Lòng tham lam đã biến nhiều người thành kẻ sát nhân, thậm chí họ tấn công, buôn bán cả người thân trong gia đình mình.
Tại nước này, người ta tin rằng các bộ phận cơ thể người bạch tạng sẽ mang lại sự giàu có, may mắn nên sẵn sàng chi từ 3.000 – 4.000 USD cho một cánh tay, chân hoặc 75.000 USD cho toàn bộ cơ thể người bạch tạng.
Vì thế, người bạch tạng ở đất nước này thường xuyên phải đối mặt với những trận tấn công chặt chi, khiến họ trở thành người tàn tật, thậm chí tử vong.
Sau khi vào tay những người giàu, họ sẽ chuyển số “hàng” này cho các phù thủy để biến các bộ phận thành bùa chú và thuốc uống.
Tính đến nay, đã có 74 người bạch tạng bị giết, 59 người sống sót sau tấn công.
Thậm chí, người bạch tạng chết rồi vẫn không yên vì có tới 16 ngôi mộ đã bị đào lên.
Nhà chức trách cho biết đây chỉ là những trường hợp ghi nhận được.
Mới đây nhất là vụ bắt cóc bé gái 4 tuổi Pendo Emmanuelle Nundi ngay tại nhà riêng hồi tháng 12 năm ngoái.
Cha và chú của bé gái đã bị bắt do liên quan đến sự mất tích của Pendo nhưng không ai nhìn thấy em nữa dù cảnh sát treo thưởng 1.700 USD.
Hồi tháng 2-2014, Mwigulu Matonange (10 tuổi) bị hai người đàn ông tấn công khi đang đi từ trường về nhà. Họ cắt cánh tay của em trước khi biến mất vào rừng với “món hàng” của mình.
“Em bị đè xuống giống như con dê bị làm thịt”, Mwigulu Matonange nói.
Trong trường hợp của Mwigulu, kẻ tấn công là những người xa lạ , em chưa bao giờ thấy mặt trước đó.
Tuy nhiên, còn rất nhiều người bị chính người thân trong gia đình tấn công.
Ví dụ, cha của Pendo bị nghi ngờ và bắt giữ sau khi chần chừ hơn 30 phút mới báo cảnh sát vụ con gái bị bắt cóc, mặc dù hàng xóm thúc giục sớm hơn.
Kẻ đứng trong bóng tối không chỉ những bậc cha mẹ, một phụ nữ 38 tuổi bạch tạng bị chồng và 4 người đàn ông khác tấn công bằng dao phay khi đang say giấc hồi tháng 2-2013, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc .
Đứa bé 8 tuổi chứng kiến cảnh cha mình rời khỏi phòng ngủ với cánh tay của mẹ nó.
Người bạch tạng đang bị đe dọa ở châu Phi
Josephat - một người đấu tranh cho quyền lợi của người bạch tạng - cho rằng thế lực đứng sau các vụ tấn công là những người muốn trở nên giàu có hơn và các chính trị gia đi tìm may mắn.
Thời gian qua, có khá nhiều người bị kết án do liên quan đến các vụ tấn công người bạch tạng nhưng đa số họ là những người trực tiếp giết hại hoặc các phù thủy chứ không hề xuất hiện người mua.
Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng tệ nạn này sẽ còn tiếp diễn và trầm trọng hơn do ngày càng nhiều nhà vận động chính trị tìm đến các phù thủy với hy vọng giúp họ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử vào tháng 8 tới đây.