Tân Thủ tướng Ấn Độ hứa hẹn ngăn chặn ảnh hưởng của TQ ở châu Á

Tính cách quyết đoán cùng lời cam kết tái thiết nền kinh tế và an ninh của tân Thủ tướng Narendra Modi đã khiến nhiều người liên tưởng vị lãnh đạo mới của Ấn Độ với Thủ tướng Nhật.

Chiến thắng vang dội nhất trong 30 năm qua của "Đảng Nhân dân Ấn Độ" (BJP) trong kỳ bầu cử Quốc hội, đã giúp ông Modi chính thức trở thành tân Thủ tướng Ấn Độ.

Liên minh do đảng BJP dẫn đầu đã giành được 325 ghế trong Quốc hội, cao hơn mức cần thiết để chiếm đa số lãnh đạo (cần 272 ghế). Riêng BJP đã giành được 273 ghế trong Nghị viện. Với chiến thắng áp đảo, đảng BJP đã giành đa số ghế trong Quốc hội và sẽ nắm quyền điều hành đất nước mà không cần liên minh với bất cứ đảng phái nào khác.

Thủ tướng 'Shinzo Abe' của Ấn Độ

Sự trở lại với vai trò Thủ tướng của ông Shinzo Abe vào năm 2012 đã cho thấy việc Nhật Bản quyết tâm tự đổi mới mình thành một quốc gia có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn và tự tin hơn. Chiến thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội của ông Modi cũng đã thể hiện mong ước của người dân Ấn Độ về một nhà lãnh đạo năng động và quyết đoán giúp tái thiết nền kinh tế cũng như an ninh quốc gia.

Giống như Thủ tướng Abe, ông Modi sẽ tập trung khôi phục nền kinh tế Ấn Độ đồng thời tăng cường năng lực quốc phòng và mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược với những quốc gia có chung chí hướng để từ đó thúc đẩy sự ổn định trong khu vực cũng như ngăn chặn tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực châu Á. Thậm chí, tân Thủ tướng Modi còn hứa hẹn với giới lãnh đạo kinh tế trong và ngoài nước rằng, Ấn Độ sẽ nhanh chóng khôi phục phát triển kinh tế và các nhà đầu tư "sẽ không phải đối mặt với nạn tham nhũng mà là những tấm thảm đỏ đầy triển vọng".

Tư tưởng của vị lãnh đạo Ấn Độ 63 tuổi là hoàn toàn tương đồng với Thủ tướng Abe – con người đi theo chủ nghĩa dân tộc mềm mỏng, phát triển kinh tế theo định hướng thị trường và thắt chặt quan hệ với các quốc gia dân chủ tại châu Á để thiết lập mạng lưới đối tác chiến lược.

Tại đất nước – nơi mà độ chênh lệch tuổi tác trung bình giữa giới lãnh đạo chính trị và công dân thuộc hàng lớn nhất thế giới, ông Modi sẽ trở vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ ra đời sau khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 1947. Đặc điểm này cũng giống như Thủ tướng Abe – vị lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản ra đời sau Thế chiến thứ Hai.

Tuy nhiên, xuất thân dòng dõi là điểm khác biệt lớn nhất giữa hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Nhật Bản. Tân Thủ tướng Modi sinh ra trong một gia đình bình thường còn ông Abe lại là cháu trai của hai cựu Thủ tướng Nhật Bản và con trai của cựu Bộ trưởng Ngoại giao.

Thách thức chồng chất

Mỹ đã bán các máy bay vận tải quân sự hiện đại C-17 cho Không quân Ấn Độ

Mỹ đã bán các máy bay vận tải quân sự hiện đại C-17 cho Không quân Ấn Độ

Khi đã lên nắm quyền điều hành đất nước, cả ông Modi và Abe đều đối mặt với những thách thức lớn từ chính sách ngoại giao. Nhiều người dân Ấn Độ mong muốn tân Thủ tướng Modi sẽ đưa ra phương hướng ngoại giao mới trong bối cảnh khoảng cách về tầm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày một gia tăng. Bởi ngay tại sân nhà, phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ với Nepal, Sri Lanka và Maldives cũng đang giảm dần. Trong khi đó, Bhutan hiện vẫn là nút thắt chiến lược của Ấn Độ tại khu vực Nam Á.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang phải tìm cách đối phó với mức độ nguy hiểm ngày càng lớn mạnh từ mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan. Hai quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân này không chỉ thường xuyên xâm phạm lãnh thổ biên giới Ấn Độ mà còn tiếp tục hợp tác phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong khi chính sách ngoại giao của Trung Quốc được định hình từ giới lãnh đạo Đảng Cộng sản và quân đội thì Pakistan lại dựa vào chính năng lực quân sự và các cơ quan tình báo mà ưu tiên là sử dụng các nhóm khủng bố.

Cải thiện mối quan hệ với Mỹ sau những bất đồng tranh chấp thương mại và ngoại giao trong thời gian gần đây cũng là một trong những thách thức lớn đối với ông Modi. Tuy nhiên, lời cam kết thực hiện các chính sách kinh tế định hướng thị trường và hiện đại hóa quốc phòng của tân Thủ tướng Modi sẽ mở ra cơ hội làm ăn cho giới doanh nghiệp Mỹ cũng như đưa mối quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang chú trọng mở rộng các mối quan hệ hợp tác và thương mại quốc phòng nhằm tăng doanh số bán khí tài cũng như tạo lợi ích chung hợp tác chung quân sự. Ngoài ra, hiện nay, Mỹ đang tổ chức các cuộc tập trận chung quân sự với Ấn Độ nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Do đó, ông Modi được đánh gia là nhà lãnh đạo giúp quan hệ Mỹ - Ấn quay trở lại quỹ đạo và tăng cường tình hợp tác.

Chiến thắng bầu cử của ông Modi cũng sẽ đưa mối quan hệ song phương Ấn - Nhật phát triển với tốc độ nhanh nhất tại khu vực châu Á. Đây là một trong những mục tiêu chính trong "chiến lược hướng về phía Đông" của Ấn Độ. Theo đó, Ấn Độ sẽ chú trọng tới việc mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh tế chiến lược với các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Thậm chí, tờ The Dilopmat đánh giá tình thân Ấn – Nhật dưới thời Thủ tướng Modi và Abe còn có khả năng thay đổi hiện trạng chiến lược tại khu vực châu Á.

Xem thêm Video: Tân thủ tướng Ấn Độ được chào đón ở Delhi

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại