Su-24 Nga bị bắn hạ: Phản ứng mới đầy bất ngờ từ Moscow

Hải Võ |

Sau vụ Su-24, Đại sứ Nga tại Pháp Alexander Orlov tuyên bố Moscow sẵn sàng xây dựng trung tâm chỉ huy chung với Pháp, Mỹ và cả Thổ Nhĩ Kỳ để triển khai tấn công tổ chức IS.

Ông Alexander Orlov nói với đài Europe 1: "Có nhiều kiểu liên minh. Thứ nhất trong số đó là hợp tác - điều hiển nhiên cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng đẩy mối quan hệ này xa hơn và tham gia vào kế hoạch chung chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Với mục tiêu này, chúng tôi có thể tạo ra một trung tâm chỉ huy chung với Pháp, Mỹ và tất cả các quốc gia tình nguyện gia nhập liên minh."

Đáp lại câu hỏi Moscow "có đồng ý cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia liên minh hay không", ông Orlov khẳng định: "Nếu họ muốn, đương nhiên chúng tôi sẽ rất biết ơn vì điều đó."

Ngoại trưởng Nga
Sergei Lavrov
Chúng tôi hết sức nghi ngờ rằng vụ việc (Su-24 Nga bị bắn hạ) là một hành động không cố ý mà giống như một sự khiêu khích được sắp đặt sẵn [...] Chúng tôi không có kế hoạch khơi mào một cuộc chiến tranh chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Thái độ của Nga đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi. Chúng tôi chỉ có những nghi vấn với giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ [..] Đến lúc này, chúng tôi không có kế hoạch công du Thổ Nhĩ Kỳ hay đón tiếp những người đồng cấp của họ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hy vọng đôi bên ngồi lại thảo luận một cách bình tĩnh bên lề các sự kiện quốc tế. Tôi không hứa hẹn gì cả. Trước hết, chúng ta không nên bàn luận trước khi hiểu hết mọi khía cạnh của những gì đã xảy ra.

Các phát biểu của Đại sứ Orlov được cho là phản ứng bất ngờ từ phía Moscow, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (24/11) đã tức giận chỉ trích vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 Nga cùng ngày là hành động "đâm sau lưng".

"Sự việc này vượt ngoài khuôn khổ bình thường của cuộc chiến chống khủng bố... Sự mất mát ngày hôm nay là hành động đâm sau lưng, do những kẻ đồng lõa với khủng bố thực hiện. Tôi không thể miêu tả nó theo cách khác được," ông Putin nói.

Tổng thống Putin cáo buộc máy bay Nga đã bị tấn công bằng tên lửa không đối không bởi chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bên trong lãnh thổ Syria.


Nga tuyên bố vẫn sẵn sàng đón nhận Thổ Nhĩ Kỳ vào một liên minh chống IS. Ảnh: Sputnik

Nga tuyên bố vẫn sẵn sàng đón nhận Thổ Nhĩ Kỳ vào một liên minh chống IS. Ảnh: Sputnik

Bên cạnh phát biểu của ông Putin, Bộ tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Liên bang Nga cũng đã tuyên bố "đình chỉ các tiếp xúc về quân sự với Ankara".

Đồng thời, Nga điều tàu tuần dương tên lửa Moskva từ Địa Trung Hải tới bờ biển Syria để tăng cường phòng thủ căn cứ không quân Latakia của nước này.

Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm nay (25/11) cũng khẳng định: "Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 sẽ được triển khai ở căn cứ không quân Hmeymin tại Syria", sau khi ông Putin nói rằng Nga không thể loại trừ khả năng xảy ra các sự kiện tương tự.

Trong khi đó, hãng RT (Nga) cho biết, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cáo buộc Ankara đang bảo vệ IS bởi nhiều quan chức chính phủ nước này đang có quan hệ buôn bán dầu với tổ chức khủng bố trên.

Ông Medvedev nói: "Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ (bắn rơi máy bay Nga) là minh chứng thực tế cho thấy họ bảo vệ IS.

Điều này không bất ngờ bởi theo thông tin chúng tôi có được, nguồn lợi nhuận tài chính trực tiếp của nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan tới việc cung cấp các sản phẩm dầu được tinh chế từ các nhà máy do IS kiểm soát."

"Hành động thô bạo và tội phạm của các nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã làm leo thang đến mức nguy hiểm tình trạng căng thẳng giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Điều này không thể biện minh bằng bất kỳ lợi ích nào, bao gồm việc bảo vệ biên giới quốc gia," Thủ tướng Nga bổ sung.

Thủ tướng Nga cũng cho rằng thiệt hại từ mối quan hệ láng giềng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ bị đổ vỡ "sẽ rất khó bù đắp" mà hậu quả trực tiếp là việc Moscow có thể cấm hàng loạt doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trên thị trường nước này.


Hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik

Hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik

Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ "là sai lầm lớn"

Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik News (Nga), cựu lãnh đạo bộ phận tình báo thuộc Bộ tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Hakki Pekin chỉ trích quyết định bắn rơi máy bay Su-24 của Nga "là một sai lầm lớn".

Ông này đặc biệt nhấn mạnh "máy bay Nga không tạo ra mối đe dọa và không cho thấy ý định gây hấn".

Liên hệ với các biện pháp trừng phạt của Nga đối với Gruzia hồi năm 2008 và hiện tại đối với Ukraine, Pekin cho rằng những đòn đáp trả của Moscow đối với vụ Su-24 sẽ rất cứng rắn.

"Bên cạnh các biện pháp trừng phạt, Nga cũng đã triển khai hệ thống tên lửa Iskander ở Kaliningrad để trả đũa các hoạt động leo thang của NATO. Cần phải biết rằng Nga có tiềm lực rất lớn trong lĩnh vực này," ông Pekin cho biết.

Hakki Pekin cũng nhận định, vụ va chạm với Nga sẽ chỉ khiến Thổ Nhĩ Kỳ càng mất đi tầm ảnh hưởng ở khu vực.

"Thổ Nhĩ Kỳ đang mất đi vị thế của mình trong khu vực bởi những thỏa thuận gần đây về các căn cứ quân sự và đang xa rời khỏi Iran, Iraq, Syria, đồng thời ngày càng bị cuốn vào phạm vi ảnh hưởng của chính sách từ Washington."

Cựu lãnh đạo tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cũng dự đoán khả năng Nga sẽ sử dụng thông tin về việc IS vận chuyển dầu qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để khiến nước này bị buộc tội trước Tòa án quốc tế ở The Hague, Hà Lan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại