Đến đầu thế kỷ XX, chỉ riêng vùng Viễn Đông của Nga đã có tới 250.000 người Trung Quốc sinh sống và làm ăn.
Thậm chí ở nhiều thành phố lớn, đã có những khu phố Tàu, tách rời cộng đồng dân cư và không tuân thủ luật pháp nước sở tại.
Đầu thập niên 1920, khu phố Tàu (Chinatown) ở Vladivostok đã được biết đến dưới tên Millionka, nổi tiếng khắp nước Nga bởi hệ thống các nhà chứa, ổ hút thuốc phiện. Các băng nhóm của hội Tam hoàng phát triển mạnh, hoạt động ngang nhiên và coi thường luật pháp Nga.
Đến năm 1926, tại vùng Viễn Đông của Liên Xô đã có tới 72.000 dân Trung Quốc sinh sống.
Năm 1929, để trả đũa việc bị Trung Hoa dân quốc chiếm tuyến đường xe lửa phía Đông Trung Hoa lúc bấy giờ thuộc Liên Xô, Hồng quân đã tấn công tiêu diệt quân đội của nhà quân phiệt Mãn Châu Trương Học Lương.
Năm 1931, Nhật Bản chiếm Mãn Châu, thành lập chính phủ bù nhìn Mãn Châu quốc, tập trung đội quân Quan Đông rục rịch tấn công Liên Xô. Xung đột giữa Nhật Bản và Liên Xô thường xuyên xảy ra trên vùng biên giới thuộc Mãn Châu quốc.
Từ 1936-1938, quân đội Nhật Bản đã tiến hành 231 vụ xâm phạm biên giới Liên Xô, trong đó có 35 vụ xảy ra giao tranh giữa quân đội hai bên.
Liên Xô ngay lập tức có những nước cờ sáng suốt.
Một mặt, Stalin điều ngay các binh đoàn tăng cường quân số cho vùng Viễn Đông. Mặt khác, cho triển khai tại Mãn Châu các đội du kích quân Trung Quốc từng được Liên Xô đào tạo.
Sau khi đường biên nhập cư bất hợp pháp bị "khóa chặt", Stalin triển khai bước tiếp theo: Bắt đầu trục xuất người Trung Quốc về quê hương bản quán.
Chính quyền Xô viết ở vùng Viễn Đông ngay lập tức thực hiện chính sách cấm sử dụng lao động nhập cư từ Trung Quốc theo mùa vụ. Các nhà máy, công xưởng không gia hạn hợp đồng lao động với dân Trung Quốc và buộc họ phải hồi hương.
Đối với những kẻ cố tình trốn lại bất hợp pháp, chính quyền sử dụng các biện pháp mạnh. Khu phố Tàu nổi tiếng Millionka bị xóa sổ, cùng số phận với nó là các khu phố tập trung nhiều cư dân Hoa kiều.
Dân Trung Quốc bị phân loại ngay tại chỗ, một số bị trục xuất ngay lập tức, một số bị đày ra lao động tại các hòn đảo ngoài khơi, vì lợi ích của chính quyền Xô viết.
Đến năm 1937, vùng Primorye chỉ còn khoảng 10.000 dân Trung Quốc nhập cư. Số này, theo kế hoạch, sẽ phải hồi hương cùng năm.
Và Liên Xô đã có một lý do thật lý tưởng: Ngày 7/7/1937, chiến tranh Trung-Nhật nổ ra, đội quân Thiên hoàng tiến chiếm Bắc Trung Hoa.
Đa số dân lao động nhập cư Trung Quốc lúc bấy giờ ở Primorie đều ở trong lứa tuổi nhập ngũ. Họ được Liên Xô "khuyên" nên trở về nước, cầm súng đánh lại quân Nhật.
Cả Tưởng Giới Thạch, cả Mao Trạch Đông đều cứng họng, không phản đối được chính sách trục xuất ồ ạt Hoa kiều về nước của Stalin, bởi chính họ đã đích thân kêu gọi toàn dân đứng lên chống lại quân xâm lược Nhật Bản.
Đến đầu năm 1938, cộng đồng người Trung Quốc chấm dứt sự tồn tại trên lãnh thổ vùng Viễn Đông của Liên Xô. Cho đến khi Liên Xô sụp đổ, đây là vùng đất thuần Nga.
Nhà nghiên cứu Sergey Lebedev, tác giả của bài báo "Stalin chống lại dân Trung Quốc nhập cư", đăng trên trang Tin tức chính trị Tây-Bắc, bình luận:
"Thời thế bây giờ đã khác. Nếu như năm 1993, có chưa đến 100.000 người Trung Quốc ở Viễn Đông, thì hiện nay, con số đó đã gấp mấy lần.
Cũng như lần nhập cư đầu tiên, cộng đồng Hoa kiều là 'quốc gia trong một quốc gia', chỉ biết tuân thủ theo luật lệ và thủ lĩnh của họ.
Việc chính quyền Nga có 'sáng kiến' cho Trung Quốc thuê đất ở vùng Primorye để canh tác nông nghiệp sẽ đẩy nhanh quá trình Trung Quốc hóa vùng lãnh thổ này".