Theo một bài báo mới đây của tờ New York Times, hàng trăm đặc vụ FBI được sinh ra hoặc có họ hàng ở nước ngoài đang trở thành mục tiêu chính trong một chương trình giám sát hà khắc thậm chí được coi là "phân biệt đối xử" của FBI.
Theo New York Times, nếu một đặc vụ “không may” được sinh ra ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Đông và châu Á, và đã chịu ảnh hưởng ngôn ngữ và văn hóa thì nhân viên đó sẽ phải trải qua thêm nhiều cuộc phỏng vấn, bị kiểm tra qua máy phát hiện nói dối hoặc bị theo dõi kỹ lưỡng quá trình du lịch hoặc liên lạc.
Tờ International Business Times giải thích rằng chương trình có tên gọi là PARM này được tạo ra vào năm 2002 sau vụ khủng bố ngày 11/9.
Mục đích của PARM là nhằm bảo vệ cho các đặc vụ và gia đình của họ khỏi việc bị tống tiền hoặc bị lôi kéo bởi các thế lực thù địch, tổ chức khủng bố.
Chương trình này hiện đang theo sát khoảng 1.000 nhân viên của FBI.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ được thành lập năm 1908. Đến nay, có 35.000 nhân viên đang công tác tại cơ quan này.
Theo ý kiến của J. Mark Batts, một lãnh đạo của FBI, PARM không chỉ đem lại lợi ích cho nước Mỹ: “Những người ở trong tình thế này đều dễ chịu áp lực hoặc bị những ảnh hưởng từ bên ngoài bởi có mối liên hệ với nước ngoài và FBI đang đi những bước cẩn trọng để giảm thiểu mọi nguy cơ”.
Tuy nhiên, một nhân vật đã từng trải nghiệm PARM lại có ý kiến khác: “Chương trình này có nhiều lợi ích cho những đặc vụ được tuyển dụng sau sự kiện ngày 11/9, nhưng việc áp dụng nó với các đặc vụ có thâm niên và cống hiến nhiều cho FBI thì đây là điều không chấp nhận được".
Đó là nhận định của nhà ngôn ngữ học được sinh ra tại Cairo Gamal Abdel-Hafiz, người được đưa vào chương trình trong năm 2012, khi đã làm việc tại FBI kể từ năm 1994.
Gamal cũng bổ sung rằng ông bị từ chối thẩm quyền để tiếp cận với những thông tin siêu mật mà ông cần cho công việc.
Luật sư của Gamal là Bobby Devadoss đã chỉ ra PARM sẽ gây ảnh hưởng tới nghề nghiệp với cả những người có thành tích tốt: “Bạn có thể trở thành một siêu đặc vụ nhưng nếu bạn đã bị khoanh vùng thì bạn sẽ khó có thể bước ra khỏi đó".
Theo Reuters, đến năm 2012, FBI đã tăng nhu cầu về các nhà ngôn ngữ học lên tới 85%, với tiếng Arập, tiếng Trung và tiếng Ba Tư làm ưu tiên.