Quốc gia giàu nhất châu Âu sẽ sớm "không còn là chính mình"

Đức Huy |

Theo phân tích của tạp chí Politico (Mỹ), vấn nạn người nhập cư sẽ khiến quốc gia giàu nhất châu Âu không còn giữ được bản sắc của mình.

Nếu có một quốc gia có thể giải quyết ổn thỏa vấn nạn nhập cư của châu Âu hiện tại, thì theo Politico, đó chỉ có thể là Đại Công quốc Luxembourg, quốc gia giàu nhất lục địa già và giàu thứ hai thế giới, sau Qatar (tính theo GDP bình quân đầu người).

Trong nhiều thập kỉ qua, Luxembourg đã mở rộng vòng tay chào đón một lượng lớn người nhập cư tới đây làm ăn sinh sống. Bản sắc của quốc gia với hơn 500.000 dân này pha trộn hài hòa giữa những nền văn hóa xoay quanh 3 ngôn ngữ chính thức là Pháp, Đức và Luxembourg.

Nhưng tiền không phải là tất cả. Diện tích khiêm tốn của Luxembourg (2586,4 km2) đang khiến các nhà cầm quyền nước này không khỏi lo ngại viễn cảnh đất nước bị "quá tải" do dòng người nhập cư đổ về ồ ạt.

Ngoài ra, người dân nước này sợ rằng tài nguyên thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa của Luxembourg cũng bị ảnh hưởng tiêu cực từ vấn đề di dân.

"Vấn đề lớn nhất với chúng tôi đó là chỗ ở. Cho đến nay chúng tôi vẫn từ chối không để người tị nạn phải sống trong lều. Chúng tôi luôn có nhà cửa đàng hoàng cho họ" - ông Yves Piron, giám đốc Ủy ban Đón nhận và Hội nhập Luxembourg.

Quốc gia Tây Âu này đã tình nguyện đưa về khoảng 400 người nhập cư trong 2 năm tới. Con số này tuy chẳng là bao so với hàng trăm nghìn người di cư tới Áo và Đức trong tháng qua, nhưng nếu xét theo đầu người thì Luxembourg đang có một trong những tỉ lệ nhập cư cao nhất châu Âu.

Giám đốc Ủy ban Nhập cư Quốc tế châu âu
Pascal Reyntjens
Chúng tôi đánh giá cao động thái này của Luxembourg, đây quả thật là một nỗ lực tuyệt vời.

Nỗ lực của Luxembourg còn đáng khen hơn khi mà nước này vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nguồn nhập cư từ vùng Balkan. Đó là chưa kể nguồn nhập cư mới từ các khu vực tiềm ẩn nhiều mối rắc rối như Syria hay Eritrea.

Mùa hè vừa qua, các khu nhà dành cho người tị nạn ở Luxembourg đã chật cứng. Chính phủ nước này đã tiến hành mở rộng khuôn viên để tăng sức chứa phục vụ cho khoảng 1000 người nữa để chuẩn bị cho mùa nhập cư năm tới.

Trong lúc này, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel đã thuyết phục người di cư tạm thời trú tại các hộ gia đình tình nguyện.

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel. Ảnh: Huffington Post
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel. Ảnh: Huffington Post

Khi EU đưa ra danh sách các "quốc gia an toàn" vào tháng 10 tới, Luxembourg sẽ có thể gửi một bộ phận người nhập cư từ Balkan trở về quê hương của họ, những quốc gia đã được liệt vào danh sách "an toàn", qua đó mở chỗ cho dòng người nhập cư khác.

Người dân không có tiếng nói

Khác với các quốc gia thu hút nhập cư khác như Pháp hay Đức, Luxembourg không có một đảng cực hữu, "anti-nhập cư". Do đó, một bộ phận không nhỏ người dân địa phương bất bình với chính sách nhập cư của Luxembourg không thể tìm được một tiếng nói đại diện.

"Chúng tôi không thể chỉ dùng tiếng mẹ đẻ (Luxembourgisch) nữa vì đa phần người ở đây không hiểu chúng tôi nói gì. Với người già, điều này khiến họ rất hoang mang, khi mà thậm chí họ không thể nói chuyện với y bác sĩ bằng chính tiếng mẹ đẻ của họ, ngay tại quê nhà".

Đó là nhân định của bà Marie-Christine Wirion, phó giám đốc phụ trách hội nhập của Nhà thờ Caritas, một tổ chức tương tự như Hội Chữ Thập Đỏ, chuyên hỗ trợ cho người nhập cư.

Ngoài ra, vấn nạn nhập cư đến trong lúc Luxembourg đã và đang gặp nhiều khó khăn trong việc gìn giữ bản sắc của mình, một phần do những chính sách tương đối cởi mở của Thủ tướng đương nhiệm mà không phải người dân nào cũng đồng tình.

Tháng 6 vừa qua, dự luật trao quyền bầu cử cho người nước ngoài định cư tại Luxembourg đã bị 80% người dân nước này phản đối.

Với gần 45% dân số hiện tại là người nước ngoài, Luxembourg đang đứng trước nguy cơ trở thành một phiên bản châu Âu của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nơi gần một nửa dân số không được phép tham gia bầu cử.

Ngoài ra, khá nhiều "ma cũ" cũng đang chỉ trích những "ma mới".

"Người ta bây giờ đến Luxembourg không phải để làm việc. Họ chỉ muốn trục lợi từ hệ thống mới thôi" - Claire, một người dân nhập cư gốc Bồ Đào Nha bày tỏ sự lo ngại về hệ thống lương hưu mới.

Trở lại với giám đốc Ủy ban Đón nhận và Hội nhập Luxembourg Yves Piron, ông cũng lo ngại rằng sự giàu có của Luxembourg sẽ khiến người nhập cư hiểu nhầm rằng họ có thể "ngồi mát ăn bát vàng" tại quốc gia này.

"Có thể họ đã hiểu sai Luxembourg. Họ biết rằng chúng tôi là một trong những nước giàu nhất thế giới, nhưng chúng tôi sẽ không 'biếu không' tiền để họ tiêu" - ông cho biết.

Góc nhìn người nhập cư

Molut Haiile, một người Eritrea từng mong muốn sẽ được đặt chân tới Anh để bắt đầu một cuộc sống mới nhưng bị chuyển đến Luxembourg, không hề có "ảo tưởng" như vậy.

"Tôi khuyên người nhập cư không nên đến Luxembourg. Điều cốt lõi là Luxembourg không dành cho người nghèo, đây là một đất nước của người giàu. Chi phí rất đắt đỏ, và việc hòa nhập cũng vô cùng khó khăn" - Molut phát biểu.

Anh cũng chia sẻ rằng anh thường dành thời gian để học thêm ngoại ngữ, đồng thời cho biết để có thể hòa nhập được với cuộc sống ở đây, người nhập cư phải sử dụng được ít nhất 2 trong 3 ngôn ngữ chính tại Luxembourg.

Tương tự như Molut, một người nhập cư khác tên Jeff đến từ Nigeria cũng muốn tới Anh nhưng lại phải đặt chân tới Luxembourg. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng anh vẫn hiểu và thông cảm cho "nước chủ nhà".

"Ai đến đây cũng muốn lấy đi một cái gì đó: người Đức, Pháp, Italia, Bồ Đào Nha đến đây làm việc, cầm tiền, rồi đi mất. Họ không để lại bất kì cái gì. Cứ thế này thì sớm muộn gì Luxembourg sẽ không còn là chính mình nữa.

Còn người dân Luxembourg, họ muốn bản sắc riêng của họ, một lẽ thường tình" - Jeff chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại