Quan Vũ "uy chấn Trung Nguyên" - khoảng lặng trước cơn bão lớn

Hải Võ |

Trong khi Quan Vũ thế thắng áp đảo trước Tào Ngụy khiến Trung Nguyên chấn động, thì tại Đông Ngô, Tôn Quyền và Lữ Mông âm thầm chuẩn bị cho một "cơn địa chấn" lớn hơn.

Năm 217, Đại đô đốc Lỗ Túc của Đông Ngô qua đời được xem là dấu chấm hết cho những thời kỳ tốt đẹp của liên minh Lưu Bị - Tôn Quyền.

Với việc quyền lực quân sự của Ngô lọt vào tay Lữ Mông - nhân vật chủ trương thanh trừng thế lực Lưu Bị, Tôn Quyền quyết đoạt lại địa bàn chiến lược mà Bị "mượn không trả" - Kinh Châu.

Năm 219, khi mọi sự trù bị đã sẵn sàng và quan hệ Ngô - Ngụy ổn định hơn bao giờ hết, thời cơ báo thù của Tôn Quyền đã tới.

Chiến tích Quan Công chấn động Ngụy - Ngô

Tháng 7/219, Quan Vân Trường phái Thái thú Nam quận Mi Phương trấn thủ Giang Lăng, tướng Phó Sĩ Nhân giữ thành Công An, còn Quan Công thống lĩnh đại quân tấn công Phàn Thanh do tướng Ngụy Tào Nhân trấn giữ.

Chiến dịch Phàn Thành là một trong những trận đánh "để đời" của Quan Vũ.

Thời điểm diễn ra chiến dịch, mưa lớn liên miên, kéo dài tới nửa tháng khiến nước sông Hán Thủy trán bờ. Quan Vũ bèn cho quân phá đê, xả lũ tràn về bảy lộ viện binh cứu Phàn Thành do Vu Cấm chỉ huy.

Quân Vu Cấm ở vùng đất bằng, bị nước sông nhấn chìm, toàn quân bị diệt. Kết quả, Vu Cấm đầu hàng Quan Vũ, tướng Ngụy Bàng Đức kiên quyết không hàng, bị Quan Công chém đầu.

Phàn Thành rất nguy cấp, nhiều chỗ trong thành bị nước sông làm sói lở, Tào Nhân và các tướng cố sức liều chết chống trả.

Tại thành Tương Dương, Lã Thường cũng cố sức cầm cự trước sức tấn công của Quan Vũ. Liên lạc giữa 2 thành bị Quan Vũ phong tỏa, khiến 2 bên không thể liên lạc với nhau.

Trước tình thế đó, các tướng Tào khác gồm thứ sử Kinh châu là Hồ Tu, thái thú Nam Dương là Trù Phương đều đầu hàng Quan Vũ.

Quan Vũ nhân đà thắng trận, dẫn quân tiến sâu vào Hiệp Hạ, kích động các bộ tộc thiểu số phản Tào. Nhiều lực lượng chống Tào ở phía nam Hứa Xương nhận ấn hiệu đi theo Quan Vũ.

Đây chính là chiến dịch mà các sử gia Trung Quốc nhiều thế hệ gọi là "Quan Vũ uy chấn Hoa Hạ (Trung Nguyên)".

Chiến dịch tấn công Tương Dương - Phàn Thành của Quan Công buộc Vu Cấm đầu hàng chấn động Trung Nguyên.

Chiến dịch tấn công Tương Dương - Phàn Thành của Quan Công buộc Vu Cấm đầu hàng chấn động Trung Nguyên.

Chiến thắng chấn động của Quan Vũ khiến Tào Tháo vô cùng lo ngại, thậm chí đã tính việc rời đô khỏi Hứa Xương, song Tư Mã Ý đã hiến lên "diệu kế".

Ý nói - "Quan Vũ đắc chí, Tôn Quyền ắt không vui. Chi bằng kết minh cùng Đông Ngô".

Sau nghe lời Tư Mã Ý phân tích lợi hại, Tào Tháo mới quyết định không thiên đô, sai Từ Hoảng mang quân đi cứu Phàn Thành, đồng thời "chìa cành ô liu" cho Tôn Quyền.

Về phía Đông Ngô, trước thế thắng áp đảo của Quan Vũ ở Tương Dương, Phàn Thành, Tôn Quyền cũng chưa dám có hành động lớn.

Bên cạnh đó, liên minh Tôn - Lưu về danh nghĩa vẫn tồn tại, cho nên Tôn Quyền vẫn gửi thư hàm tới Quan Công, tỏ ý Đông Ngô sẵn sàng "giúp đỡ".

Đương nhiên, Tôn Quyền không thực lòng giúp Quan Vũ, mà bản thân Vũ vốn khinh miệt Tôn Quyền, cũng phớt lờ lời đề nghị của Đông Ngô.

Đứng trước bước ngoặt là sự chuyển biến thái độ rõ rệt của Tào Tháo, cùng với việc Quan Vũ "trêu ngươi" Tôn Quyền nhiều lần trong thời gian dài, Ngô chủ đã không bỏ qua cơ hội này.

Ông lập tức "xưng thần" với Tào Tháo, và tỏ rõ thái độ liên minh với Ngụy trong thư gửi Tào - "Nguyện sát cánh cùng Đại vương".

Trong khi đó, ngoài mặt, Tôn Quyền vẫn giữ thái độ hết sức ôn hòa với Quan Vân Trường.

Vũ khí bí mật của Tôn Quyền

Trước khi Quan Vũ tấn công Phàn Thành, Đông Ngô đã thể hiện hàng loạt dấu hiệu khiến ông "yên tâm".

Quan Vân Trường nhận thấy đại diện của phe Đông Ngô tại Kinh Châu là Lữ Mông "sức khỏe bất ổn", khả năng lãnh đạo không cao.

Ngoài ra, Đông Ngô cũng duy trì tình trạng ổn định cao tại Kinh Châu, "khắp nơi yên tĩnh, từ sáng tới đêm khuya". Vì vậy, Quan Công mới yên lòng "toàn tâm toàn ý tấn công Phàn Thành".

Tuy nhiên, khi chiến dịch Phàn Thành vẫn đang diễn ra thì cục diện Kinh Châu đã dần thay đổi.

Bên trong Phàn Thành, Tào Nhân "giết bạch mã, cắt máu ăn thề với binh sĩ, đồng tâm hiệp lực thủ thành, thề còn một binh một tốt cũng tử chiến".

Phía bên ngoài, viện binh của Từ Hoảng tới ứng cứu, đồng thời phía sau là đại quân do Tào Tháo đích thân thống lĩnh. Trận này, Ngụy Vương xưng là tổng chỉ huy "kháng Quan (Vũ) đại chiến".

Ở hậu phương của Quan Vũ, Đông Ngô bắt đầu có động thái điều binh khiển tướng. "Vấn đề sức khỏe" của Lữ Mông cũng chỉ là màn kịch hoàn hảo mà ông "diễn" theo chỉ thị của Tôn Quyền.

Nhằm "gây mê tâm lý" cho Quan Công, Lữ Mông tung tin ra ngoài rằng ông cần về Mạt Lăng trị bệnh, và đề cử một nhân vật vô danh lên "tạm nắm quyền".

Nhân vật "dự bị" này không ai khác ngoài nhà chính trị - quân sự nổi tiếng thời Tam Quốc - Lục Tốn. Thực tế, ông chính là "vũ khí bí mật" của Tôn Quyền.

Trên đường về Mạt Lăng "dưỡng bệnh", Lữ Mông tình cờ gặp Lục Tốn khi đi qua Vu Hồ.

Tốn nói với Lữ Mông - "Hiện tại Quan Vũ tập trung tấn công phương Bắc, chúng ta chỉ cần tung một đòn bất ngờ, ắt sẽ thành công (chiếm Kinh Châu)".

Lữ Mông nhận thấy còn quá sớm để "lộ mật" cho Lục Tốn, nên chỉ cười nói - "Quan Vũ dũng mãnh, lại theo binh nghiệp nhiều năm. Trong khi sức khỏe ta không tốt, muốn lấy Kinh Châu không dễ dàng".

Thực chất, kiến giải của Lục Tốn đủ khiến Lữ Mông nhận ra nhãn quang chính trị hơn người của ông, thậm chí có thể xem như tri kỷ.

Lữ Mông về tới Mạt Lăng đã viết thư tiến cử Lục Tốn. Sau khi Tốn tới Kinh Châu, ông tiếp tục chiến lược "giả bệnh" của Lữ Mông để lừa Quan Vũ.

Lục Tốn là kiếm sắc mà Tôn Quyền cất trong vỏ đã lâu, chờ đợi thời cơ chín muồi.

Lục Tốn là "kiếm sắc" mà Tôn Quyền cất trong vỏ đã lâu, chờ đợi thời cơ chín muồi.

Lục Tốn được đánh giá "tài nghệ tuyệt luân", từng lập đại công trong chiến dịch bình định Hội Kê (tỉnh Chiết Giang) và nhiều khu vực khác.

Điểm lợi hại nhất của Lục Tốn chính là sở trường "lấy ít thắng nhiều" của ông. Tốn rất giỏi và ưa thích sử dụng lối đánh tập kích.

Có ý kiến cho rằng, Tôn Quyền sớm đã nhận thấy bản lĩnh của Lục Tốn, cho nên mới gả con gái của anh trai Tôn Sách cho ông.

Một điểm khác khiến Tôn Quyền trọng dụng Lục Tốn, là việc Tốn thường "thâm tàng bất lộ", chỉ tới những thời khắc mấu chốt mới xuất "kỳ chiêu" để đánh bại các đối thủ.

Năm 219, khi được Lữ Mông tiến cử, Lục Tốn mới 34 tuổi.

Sai lầm chiến lược của Quan Vân Trường

Sử liệu Trung Quốc đánh giá, Lục Tốn là nhân vật giảo hoạt hơn Lữ Mông.

Khi ông vừa tới Lục Khẩu (Hồ Bắc) liền gửi thư "nịnh bợ" Quan Công hết mức - "Trận Phàn Thành khiến Vu Cấm đầu hàng, mọi người gần xa đều bái phục Quan tướng quân, có thể nói là lưu danh muôn đời.

Dù là Tấn Văn Công (một trong 'Xuân Thu ngũ bá' của Trung Quốc) hay Hàn Tín năm xưa cũng khó lòng so sánh với tướng quân.

Nhưng Tào Tháo mười phần lợi hại, nhất định không cam chịu thất bại mà sẽ tăng binh ứng chiến. Mong tướng quân không nên khinh địch.

Tốn chỉ là kẻ thư sinh, không có bản lĩnh nắm giữ trọng trách (ở Kinh Châu), cũng may gặp được 'láng giềng tốt' như Quan tướng quân, chỉ có vài ý kiến nhỏ, xin tướng quân chỉ giáo".

Lá thư Lục Tốn viết giống như đã xem Quan Công là "lão bằng hữu", ý tứ rõ ràng khuyên ông chỉ cần tập trung vào tiền tuyến mà đừng lo lắng hậu phương.

Quan Vũ quả nhiên trúng kế, ông vô cùng đắc ý và cho rằng Lục Tốn "chỉ là tiểu tử nhát gan".

Ban đầu, ông còn có phần dè chừng Lữ Mông, bởi dù sao nhân vật "kế nhiệm Lỗ Túc" cũng không thể xem thường, nên để lại hơn nửa quân số trấn thủ Kinh Châu.

Khi đã rơi vào cái bẫy của Lục Tốn, Quan Vũ càng "yên tâm" điều quân đội từ Kinh Châu lên tiền tuyến, để lại hậu phương Giang Lăng và các cứ điểm khác gần như "vườn không nhà trống".

Trong khi đó, Lục Tốn gửi mật hàm cho Tôn Quyền với "từ khóa" là "Quan Vũ phải bị bắt".

Phần trước: Một câu nói khiến Quan Vân Trường "rước họa sát thân"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại